TTCT - Đó là chia sẻ của kiến trúc sư Thanh Hải - một độc giả kỳ cựu của dòng sách văn học - và có lẽ là nhận định mà những ai yêu thích việc đọc sách đều đồng tình. Tuổi Trẻ Cuối Tuần gặp gỡ độc giả ở các thế hệ khác nhau sinh ra ở Hà Nội, Tiền Giang, TP.HCM, Huế để nghe họ chia sẻ về tình yêu với sách và sự đọc của một bộ phận độc giả hôm nay... Bạn trẻ tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Ảnh: QUANG ĐỊNHĐỘC GIẢ PHẠM THỊ THANH HẢI (Kiến trúc sư):MỌI TRẢI NGHIỆM CUỘC ĐỜI CHÌM NGHỈM TRONG SÁCHTrong thực tế, có những người từng yêu thích việc đọc sách văn học nhưng rồi đến một đoạn trong đời, họ không còn có nhu cầu đọc tản văn, truyện ngắn hay tiểu thuyết nữa, họ cũng ít dành thời gian cho việc đọc hơn khi đã nhiều trải nghiệm hơn. Làm cách nào chị có thể nuôi dưỡng thói quen đọc sách - đặc biệt là tiểu thuyết - suốt chiều dài cuộc đời mình như vậy?- Đúng là tôi đọc sách (ở đây chỉ nói đến sách văn học) như một thói quen, một thói quen hình thành từ hồi bé. Tôi sinh năm 1957, ở miền Bắc suốt đến sau 1975 mới về Nam, ai cũng biết rằng sống ở thời ấy, nơi ấy, bom đạn và kham khổ hạn chế gần hết những trò chơi thơ ấu, sách truyện trở thành món giải trí thay thế được các phụ huynh lựa chọn và với tôi - hơi ốm yếu lại mơ mộng và hiếu kỳ - thì đọc truyện là một thú vui ưa thích nhất, ưu tiên nhất.Nói là thói quen đọc có lẽ không xác đáng lắm, với tôi nó giống một thứ nhu cầu rất bản năng, một nhu cầu để sống mà lớn lên. Và vì đọc là sở thích nên khó có thể nói đã phải nuôi dưỡng thói quen đọc; thói quen đọc hình thành và giữ đến nay được bồi đắp bởi chính sự hấp dẫn của sách truyện. Có thể vì bận bịu sinh kế hay chăm sóc gia đình mà không có thì giờ đọc sách chứ tôi không nghĩ nhiều trải nghiệm hơn làm mất đi nhu cầu đọc, bởi thế giới ở sách không giới hạn, mọi trải nghiệm cuộc đời của mình thực ra hoàn toàn chìm nghỉm trong sách, và soi rọi trải nghiệm của mình với những gì đọc được chỉ làm sâu sắc hơn, mang lại xúc cảm thấm thía hơn, điều ấy thật dễ chịu như khoái cảm thể chất vậy. Chính đó là lý do để nhu cầu đọc sách còn mãi ở người đã nhuốm những trải đời cộng hưởng với sách.Với một người đọc yêu văn học như chị, có phải nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm là điều quyến rũ chị nhất? Phải chăng đã yêu thích tác giả nào chị sẽ tìm đọc gần hết tác phẩm của tác giả đó?- Đúng là nghệ thuật ngôn từ của tác phẩm là điều quyến rũ tôi khi đọc, không chỉ riêng ngôn từ mà cách hiện diện câu chuyện theo một trình tự chủ động, tinh tế với các chi tiết, các gợi mở... hay nói gọn là nghệ thuật viết của tác giả luôn hấp dẫn mình trước, quan trọng không kém ý, tứ và tư tưởng của tác phẩm - là cái buộc mình suy ngẫm và cất làm tri thức.Có nỗi thúc bách nào buộc chị phải sắp xếp thời gian đọc không, nhất là trong những ngày tháng rất bận rộn của một kiến trúc sư kiêm người nội trợ quán xuyến gia đình? Hay là việc đọc chỉ cần ngẫu hứng lúc tâm trí ta có thể thảnh thơi tiếp nhận câu chuyện, vẻ đẹp của văn chương?- Tôi không có sự thúc bách buộc phải đọc, như đã nói, đọc truyện là thú vui đối với tôi; à trừ khi phải mượn sách đọc thì chủ sách chắc sẽ thúc bách mình ghê lắm, vô tình hay hữu ý mình sẽ đọc vội đọc vàng để trả sách...Khi công việc bận rộn choán hết thời gian thì tôi không thể đọc truyện rồi, nhưng không hiếm những lúc bận bù đầu, mệt đến bã người hay bí bức khi giải quyết công việc (tôi làm thiết kế kiến trúc nên chuyện gặp hồi bí cũng thường lắm), tôi vớ lấy cuốn truyện đọc một đoạn mình thích thì thấy dễ chịu hẳn, một cách “chữa lành” hữu hiệu.Ngày trẻ khi có một cuốn truyện mới, tôi không tài nào yên được khi chưa đọc, làm gì cũng vội vội vàng vàng để xong nhanh mà đọc. Tôi đọc sách khá mất thì giờ… để dừng lại mơ màng ngẫm nghĩ và liên tưởng, hay đọc đi đọc lại đoạn văn làm mình sửng sốt... Về già thì thời gian “đọc khi không đọc” này kéo dài hơn, tôi giữ cuốn sách trong tay mà câu chữ trong cuốn sách đã kéo mình đi xa lắc, đó chính là sự “thảnh thơi tiếp nhận câu chuyện, vẻ đẹp của văn chương” chăng? Thế hệ trẻ có đam mê đọc phong phú và phức tạp hơn. Độc giả Thanh Hải. Ảnh: NVCCChị có thể cho biết tên vài tác giả trong và ngoài nước mà chị yêu thích thời trẻ và thời gian gần đây?- Tôi đọc rất thoải mái, không kén chọn gì mấy. Thời trẻ sở thích của tôi khá phổ biến, người thích đọc cùng thế hệ hầu như đều đọc các tác giả tôi thích: Lev Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Cervantes, Charles Dickens, Balzac… các tác giả trong nước lớp trước có Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, rồi đến Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Vũ Thị Thường, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng... Bây giờ thì các tác giả tôi thích không kể xiết, nhớ ngay lập tức thì có thể kể Italo Calvino, Milan Kundera, Patrick Modiano, Toni Morrison... Các nhà văn Việt Nam thì Ngô Phan Lưu, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Mỹ Nữ, Thuận... Cũng giống hầu hết những người thích đọc khác nhỉ?Theo chị, có điều gì khác biệt giữa thế hệ chị và thế hệ trẻ hôm nay trong việc lựa chọn sách, đọc sách? Ngày nay, việc tiếp cận dễ dàng và đa dạng sách hơn có tạo nên một thế hệ ít cái thú đồng điệu trong những trò chuyện “sách vở”?- Khác biệt chắc là có rồi, nhưng có lẽ cũng không quá xa, tôi nghĩ thời nào thì cũng có người thích đọc sách văn học, tuy không chiếm đa số. Bạn trẻ ngày nay có mặt bằng hiểu biết nói chung cao hơn thời mình, kiến văn sắc sảo hơn, nhận thức mạch lạc hơn nhiều và chắc chắn sẽ có đam mê đọc phong phú và phức tạp hơn, không chỉ ưa thích ru mình trong những tác phẩm êm ái cổ điển.Trên Facebook, tôi được đọc một số bạn như Huỳnh Vũ Huy, bạn Nguyễn Hoàng Liên nói về sự đọc của các bạn ấy, quả thực tôi phục các bạn ấy vô cùng, cùng đọc một cuốn sách nhưng những gì các bạn ấy “nhìn” thấy vượt xa mình, và cách các bạn ấy nói về những cuốn sách có phần gai góc (như Lolita, Những thành phố vô hình...) rất thuyết phục. Tôi tin rằng những cuộc trò chuyện của các bạn ấy về văn chương rất thú vị, không nhất thiết phải đồng điệu nếu hiểu nghĩa “đồng điệu” là giống ý nhau.Theo quan sát của tôi thì các bạn trẻ ham đọc vẫn có rất nhiều cuộc trò chuyện về văn chương kiểu Facebook hay diễn đàn online, rất “chất”; cả chủ “status” lẫn các bình luận, những cuộc trò chuyện này có tác động mạnh mẽ đến việc tìm sách và đọc, và nhất định làm tăng thêm lượng độc giả văn chương. Học sinh tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Ảnh: Quang ĐịnhĐỘC GIẢ TRẦN THỊ THANH THUẬN (chủ hiệu sách Kafka Bookstore)NHIỀU ĐỘC GIẢ TRẺ... CHƠI VƠIỞ vai trò một chủ hiệu sách độc lập, có cơ hội quan sát mối quan tâm của một bộ phận độc giả tại hiệu sách cũng như qua fanpage, có điều gì khiến độc giả 8X như chị bất ngờ về độc giả trẻ hôm nay không?- Khi chưa bán sách tôi nghĩ rằng mình đọc khá nhiều, nhưng bán sách rồi mới thấy mình đọc không “ăn thua” gì với nhiều người khác. Độc giả trẻ mà tôi biết là độc giả từ 10-16 tuổi (tạm gọi là độ tuổi 1, vẫn được phụ huynh mua sách cho) và độc giả tuổi 18-25 (độ tuổi 2: đã tự chọn và mua sách).Độ tuổi 1 cho tôi rất nhiều hy vọng về một thế hệ trẻ của tương lai, các bạn biết mình cần đọc gì, thích đọc gì và quan trọng là biết từ chối những loại sách mà các bạn không thích. Các bạn cũng có kỹ năng kết nối những điều đã đọc từ những sách khác nhau, vấn đề khác nhau, biến nội dung đọc được thành kiến thức của mình đồng thời xây ranh giới, một ranh giới tích cực giữa chính kiến cá nhân và nội dung đọc.Độ tuổi 2: Ngược lại với độ tuổi 1 thì độ tuổi này lại khiến tôi cảm thấy hơi lo lắng. Ngoài một phần nhỏ các bạn rất tích cực và độc lập, phần lớn khá chơi vơi. Ngay cả 2 nhóm cá tính đối lập nhau - rất cá tính và chưa xác định được cá tính riêng - thì nhìn chung đều có cảm giác chơi vơi, hơi cô đơn. Nên các bạn đọc cũng khá nhiều, nhưng thường đem đến cho tôi cảm giác các bạn đọc để tìm kiếm, để bấu víu vào những thứ các bạn không tìm thấy ở đời thực.Chị dành trung bình bao nhiêu thời gian cho việc đọc hằng tuần? Việc đọc có ý nghĩa như thế nào với chị trong việc tự học, tìm hiểu chính mình cũng như trong việc thưởng thức đời sống?- Tôi ít khi đo thời gian đọc của mình, nhưng tôi luôn đọc khi có thể. Đi đâu tôi cũng vác sách theo. Có khi vác vậy nhưng cả tuần không lúc nào đọc trong thời gian di chuyển, nhưng tôi muốn tận dụng tất cả thời gian bị động của mình cho việc đọc. Tôi đọc trên xe buýt, đọc khi chờ đợi, đọc khi cần giải tỏa căng thẳng. Sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ là thời gian đọc cố định mỗi ngày. Ngoài ra, tôi cũng đọc vào khoảng nghỉ trưa và cuối giờ chiều.Tôi nghĩ việc đọc cho tôi kỹ năng nhận biết nhanh những thứ cần thiết cho bản thân mình, nhận diện nhanh những thứ mình đang tìm kiếm. Việc đọc dẫn đến việc tự học, rèn luyện kỹ năng tốt hơn thì kiếm tiền cũng tốt hơn. Kiếm đủ cho những nhu cầu của mình là thưởng thức được đời sống theo kiểu mình mong muốn.Ngoài ra, tôi nghĩ một đời người không thể nào đủ cơ duyên gặp đủ tất cả kiểu người, yêu đủ, trò chuyện đủ, trải nghiệm đủ mọi kiểu cảm xúc. Cảm xúc, dù đau đớn hay hạnh phúc thì tôi vẫn thấy đều xứng đáng để trải qua, vinh hạnh được trải qua. Nên việc đọc cho tôi cơ hội “vay mượn” chất liệu từ nhiều người, để nếm trải được nhiều cung bậc xúc cảm, tôi nghĩ đó là kiểu thưởng thức cuộc sống nên có.Chị có thể chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong việc đọc sách giấy và nghe sách nói? Chị nhìn nhận thế nào về sự phát triển của sách nói hiện nay?- Dù là chủ một tiệm sách truyền thống với đủ thứ hoạt động hướng tới thủ công (viết thư tay, thiệp vẽ tay…) nhưng cá nhân tôi lại là người tôn sùng công nghệ. Tôi thích sự giản tiện và tiết kiệm. Dù bán sách giấy nhưng tôi không phản đối sách nói, thích nữa là khác. Tôi cũng thường xuyên nghe sách nói, có thể nói là luôn nghe sách nói khi làm việc. Và nếu hỏi về việc sách giấy có thể tồn tại trước sự lấn át của sách nói hay không, tôi nghĩ sách giấy không biến mất mà sẽ trở thành một kiểu khác, như người ta chơi đồ cổ vậy.Tôi nghĩ trong tương lai, sách nói và sách điện tử sẽ phát triển mạnh. Tôi còn từng mơ thấy tiệm sách của mình trong tương lai là một cái quầy bé tí giữa quảng trường, người mua chỉ cần tới quét mã thanh toán và chọn nội dung họ cần, xong đưa mắt (hay đầu), tôi cầm một cái máy quét qua, thế là rất nhiều dữ liệu được nhập vào não của người mua luôn, họ không cần phải đọc nữa (giống robot nhỉ!).Hiện nay, loại sách nói tôi chọn nghe là sách “selfhelp”, tự truyện, sách nuôi dạy con, sách kỹ năng… - các thể loại sách không đòi hỏi và dẫn dắt cảm xúc của người đọc, mà là kiểu sách để tìm hiểu thêm, học thêm. Còn với sách văn học, tôi vẫn chọn đọc sách giấy. Cầm sách lật từng trang đọc rồi ngủ gục, sách rớt cái bộp lên mặt là một cảm giác rất phê, nên nếu sau này sách giấy thành thú tiêu tiền của người chơi đồ cổ thì chắc tôi cũng phải cày cuốc để thỉnh thoảng “chơi đồ cổ”.■ Thanh Thuận (bìa trái) và đội ngũ trẻ của hiệu sách độc lập. Ảnh: NVCC Độc giả Diệp Khanh (sinh năm 1981, Trainer và Coach, Công ty ABC, Bà Rịa - Vũng Tàu):Tôi dành ít nhất 60 phút/ngày cho việc đọc. Để không ngừng đọc, tôi chỉ có hai bí quyết đơn giản: luôn dành 60 phút vào đầu ngày (4h - 5h sáng) để đọc sách; luôn nỗ lực luyện tập và áp dụng chánh niệm (giờ nào việc đó trong mọi hoạt động).Trước đây, tôi dành phần lớn thời gian để đọc những dòng sách thuộc chuyên môn hóa học thực phẩm để phục vụ cho công việc giảng dạy, hiện nay dòng sách mà tôi tập trung đọc chính đó là phát triển bản thân và phát triển kinh doanh. Dòng sách phát triển bản thân thật sự ngày càng phong phú và đa dạng. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho độc giả trong lựa chọn, vì nếu không lựa chọn đúng, ta sẽ rơi vào cái bẫy kiến thức, lý thuyết suông, ảo tưởng, không thực tế và quan trọng là nói hay mà không chịu làm.Độc giả Đỗ Trí Như Khuê (học sinh lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM):Ở trường tôi không có tiết đọc sách, nhưng thầy cô giáo dạy văn rất hay khuyến khích học sinh đọc sách và đưa nhiều đầu sách để chúng tôi tìm hiểu. Theo tôi, nhà trường vẫn nên có những buổi dành riêng cho việc đọc sách và bàn luận về sách để phát triển sự đọc ở thế hệ trẻ nhiều hơn.Tôi đọc những khi mình rảnh rỗi, trung bình từ 1-2 cuốn sách một tháng. Khi đọc sách, tôi thường tắt nguồn điện thoại để không bị phân tâm. Trước đây, tôi hay đọc dòng tiểu thuyết kinh điển như series Anne tóc đỏ, Không gia đình, Agnes Gray, Nhím thanh lịch… Nhưng khi càng lớn, tôi càng bị thu hút bởi những dòng sách nặng về tâm lý hơn, như sách trinh thám, các dòng tiểu thuyết kỳ bí, tiêu biểu là hai tác giả Higashino Keigo và Haruki Murakami.✽ Cuốn tôi muốn giữ lại một khi tặng đi kệ sách của mình là bộ Jăng Krixtốp (Jean - Christophe của nhà văn Romain Rolland), tôi thấy cuốn này rất mới mẻ cho đến tận bây giờ.(Phạm Thị Thanh Hải)✽ Tác giả và tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến tôi trong sự chuyển hóa về mặt tư duy và thấu hiểu bản thân mình hơn đó là thiền sư Thích Nhất Hạnh với tác phẩm Quyền lực đích thực. (Diệp Khanh)✽ Cuốn sách có tác động lớn đến tôi nhất là cuốn Xa cội (Far from the tree) của tác giả Robin Benway. Cuốn sách này khai thác rất nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên nên tôi vô cùng đồng cảm với nhân vật. Đây còn là một cuốn sách hết sức cảm động về quá trình tìm nguồn cội, định nghĩa bản thân và đến được nơi mình thuộc về.(Đỗ Trí Như Khuê) Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đọc sách như một nhu cầu sống Tags: Đọc sáchSáchVăn hóa đọc
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra của Bộ Công an HỒNG QUANG 15/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an. Con tàu này hiện được định biên vào đội tàu của Cục Cảnh sát giao thông.
Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Khám chữa bệnh tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế THÀNH CHUNG 15/11/2024 Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
Dù có tình tiết giảm nhẹ mới, bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình TUYẾT MAI 15/11/2024 Viện kiểm sát cho rằng bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi! THIÊN ĐIỂU 15/11/2024 Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.