04/05/2022 05:46 GMT+7

ĐỌC NHANH ngày 4-5: Nga tuyên bố xe chở vũ khí vào Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 4-5, cho biết quân đội nước này sẽ ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí ở Ukraine của NATO.

ĐỌC NHANH ngày 4-5: Nga tuyên bố xe chở vũ khí vào Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp - Ảnh 1.

Lực lượng thân Nga tại thành phố Mariupol của Ukraine bắn rốc két từ dàn phóng BM-21 Grad ngày 2-5 - Ảnh: REUTERS

* Theo phóng viên TTXVN tại Nga, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga, ông Shoigu khẳng định bất cứ phương tiện vận tải nào của NATO đến lãnh thổ của Ukraine cùng với vũ khí hoặc vật chất phục vụ nhu cầu của Lực lượng vũ trang Ukraine đều được coi là mục tiêu tấn công hợp pháp. 

Theo ông Shoigu, trong chiến dịch quân sự đặc biệt đang triển khai tại Ukraine, quân đội Nga đang đảm bảo an toàn cho người dân vùng Donbass của Ukraine, các lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nhiệm vụ do Tổng Tư lệnh tối cao đề ra.

* Ngày 4-5, đồng rúp của Nga đã tăng lên mức giá cao nhất trong 2 năm qua so với đồng USD và euro, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đề xuất gói trừng phạt bổ sung chống Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, theo Reuters.

Cụ thể, lúc 7h21 giờ GMT ngày 4-5 (tức 14h21 giờ Hà Nội), đồng rúp đã tăng giá 0,7% so với USD, được giao dịch với tỉ giá 1 USD đổi được 70,49 rúp, mức cao nhất kể từ tháng 6-2020. So với đồng euro, giá đồng rúp đã tăng 1,2%, được giao dịch ở mức 1 euro đổi được 73,84 rúp, đầu phiên cao điểm đạt 1 euro đổi 72 rúp, mức cao nhất kể từ tháng 2-2020.

* Ngày 4-5, Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc từ phía Ukraine rằng quân đội Nga triển khai đợt tấn công lớn nhằm vào khu tổ hợp nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

Tại họp báo, theo hãng tin Reuters, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không thực hiện cuộc tấn công nào nhằm vào khu công nghiệp Azovstal, đồng thời nhắc lại chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hồi tháng trước về việc không tấn công khu vực này.

Ông Peskov cũng cho biết các lực lượng Nga đã nhanh chóng dập tắt các nỗ lực của phía Ukraine nằm giành lấy những vị trí tác chiến quan trọng.

Trước đó, ngày 3-5, quân đội Ukraine thông báo lực lượng của Nga đã tiến hành đợt tấn công nhằm vào nhà máy thép Azovstal sau khi hơn 100 dân thường được sơ tán ra khỏi các đường hầm bên dưới nhà máy.

ĐỌC NHANH ngày 4-5: Nga tuyên bố xe chở vũ khí vào Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp - Ảnh 2.

Người dân từ Mariupol được sơ tán tới Kamianske, Zaporizhzhia - Ảnh: Anadolu Agency

* Trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trong bối cảnh khối này muốn "tăng tối đa áp lực lên Nga và giảm thiểu tác động lên các nền kinh tế của chúng tôi". Hiện tại EU vẫn chưa chính thức ra lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.

* Theo Đài CNN, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk công bố dự kiến có 4 hành lang sơ tán tới thành phố Zaporizhzhia vào hôm nay 4-5 nếu tình hình cho phép. Các hành lang này sẽ cho phép sơ tán dân khỏi Mariupol, Lunacharske, Tokmak và Vasylivka. Trước đó, hôm 3-5, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết có 156 người từ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã tới Zaporizhzhia.

* Hãng tin Ukrinform của Ukraine dẫn lời Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky, cho biết Ukraine có thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc về quy chế trung lập của nước này. Ông Zelensky khẳng định “chúng tôi sẵn sàng xem xét quy chế trung lập” cho Ukraine nếu Nga muốn coi đây là một trong những điều khoản cho thỏa thuận chấm dứt xung đột.

* Ngày 4-5, Hãng tin Tass cho biết các lực lượng vũ trang Belarus đang tổ chức các cuộc diễn tập. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Belarus khẳng định các cuộc diễn tập không đe dọa các nước láng giềng hay châu Âu nói chung. Trước đó, Tổng thống Belarus đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3-5, trong đó có thảo luận về tình hình hiện tại của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

* Úc công bố trừng phạt 110 cá nhân, chính trị gia của Nga để phản ứng việc Matxcơva công nhận độc lập của 2 khu vực ly khai tại miền đông Ukraine. Đến nay, Úc đã trừng phạt tổng cộng 812 cá nhân và 47 thực thể của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, theo Guardian.

ĐỌC NHANH ngày 4-5: Nga tuyên bố xe chở vũ khí vào Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp - Ảnh 3.

Khói bốc lên trên nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Ukraine - Ảnh: AP

* Giới chức Ukraine nói Nga đang ném bom, pháo kích dồn dập tổ hợp nhà máy sắt thép Azovstal ở thành phố Mariupol sau thời hạn ngừng bắn, theo Hãng tin Reuters. Phía Nga trước đó cũng thông báo đang tập trung vào các điểm triển khai hỏa lực của lực lượng cố thủ Ukraine.

Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine Osnat Lubrani cho biết tổ chức này đã sơ tán được 101 người từ Mariupol đến Zaporizhzhia. Khoảng 100.000 người vẫn đang mắc kẹt bên trong thành phố cảng đang bị Nga bao vây này.

* Thống đốc vùng Donetsk, ông Pavlo Kyrylenko cho biết các cuộc không kích ngày 3-5 của Nga đã làm 21 người thiệt mạng và 27 người bị thương, con số tử vong theo ngày cao nhất trong gần một tháng qua tại khu vực này, theo Hãng tin AFP.

Trong đó có ít nhất 10 người thiệt mạng và 15 người bị thương trong cuộc không kích vào nhà máy Avdiivka, một trong những nhà máy than cốc lớn nhất châu Âu.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Antonio Guterres bày tỏ hi vọng Ukraine và Nga có thể tổ chức "thêm nhiều khoảng dừng nhân đạo", như đã được thực hiện giúp hơn 100 dân thường Ukraine sơ tán khỏi nhà máy luyện kim Azovstal vừa qua.

Trước đó, tổ chức Chữ thập Đỏ và LHQ cho biết 101 dân thường đã được sơ tán khỏi các đường hầm của nhà máy ở thành phố Mariupol đang bị vây hãm, đồng thời cho biết vẫn còn nhiều người khác đang mắc kẹt tại đây. Đây là lần sơ tán dân thường đầu tiên được thực hiện đầy đủ khỏi điểm nóng chiến sự ở thành phố Mariupol.

ĐỌC NHANH ngày 4-5: Nga tuyên bố xe chở vũ khí vào Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp - Ảnh 4.

Lính cứu hỏa dập lửa tại một trạm biến áp ở thành phố Lviv, Ukraine ngày 3-5 - Ảnh: REUTERS

* Ngày 3-5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã tấn công một sân bay quân sự gần thành phố Odessa ở tây nam Ukraine bằng tên lửa Onyx, phá hủy các máy bay không người lái, tên lửa và đạn dược do Mỹ và các đồng minh châu Âu cung cấp cho Kiev, Hãng tin Reuters đưa tin.

Ngoài ra, tên lửa vào đạn pháo của Nga cũng đã tấn công nhiều mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine, trong đó có các trung tâm chỉ huy, kho vũ khí và một hệ thống tên lửa phòng không S-300.

* Ngày 3-5, thị trưởng thành phố Lviv cho biết các cuộc không kích đã làm hư hỏng hai trạm biến áp, gây mất điện một số khu vực trong thành phố, theo Hãng tin AFP. Thị trưởng Andriy Sadoviy cho biết có một người bị thương trong vụ việc.

Giới chức Ukraine cũng báo cáo các cuộc không kích tại vùng Kirovograd ở miền trung và vùng Vinnytsia ở tây nam Ukraine.

Vùng đồi núi Transcarpathia, giáp biên giới với Hungary và Slovakia và chưa từng bị tấn công từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào ngày 24-2, cũng bị không kích trong ngày 3-5.

ĐỌC NHANH ngày 4-5: Nga tuyên bố xe chở vũ khí vào Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp - Ảnh 5.

Trung tâm sơ tán tại thành phố Zaporizhzhia, Ukraine - Ảnh: GETTY IMAGES

* Ngày 3-5, Giáo hoàng Francis cho biết ông đã yêu cầu một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine. Giáo hoàng Francis nói ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ Matxcơva, và lo ngại rằng ông Putin "không thể, cũng như không muốn gặp ông vào thời điểm này", theo AFP.

* Ngày 3-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm một nhà máy của Công ty Lockheed Martin ở bang Alabama, nơi sản xuất tên lửa chống tăng Javelin. Theo Reuters, ông Biden muốn dùng chuyến thăm để thúc đẩy Quốc hội phê duyệt gói hỗ trợ 33 tỉ USD cho Ukraine.

* Ngày 3-5, Liên minh châu Âu (EU) cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sẽ nhắm vào các ngân hàng và ngành công nghiệp dầu của nước này. EU cũng lên kế hoạch để thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022.

Chiến sự Ukraine khiến châu Âu căng thẳng chuyện dầu ăn Chiến sự Ukraine khiến châu Âu căng thẳng chuyện dầu ăn

TTO - Các chuỗi siêu thị ở Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ đã hạn chế số lượng dầu ăn khách có thể mua do nguồn cung từ Ukraine bị gián đoạn vì chiến sự và giá dầu ăn lên cao thúc đẩy nhu cầu tích trữ.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga Ukraine Azovstal