17/03/2022 05:37 GMT+7

ĐỌC NHANH 17-3: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ điện đàm về Ukraine

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Nhà Trắng ngày 17-3 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành điện đàm vào ngày 18-3. Cùng ngày, Thủ tướng Đức tái khẳng định không ủng hộ việc NATO can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.

ĐỌC NHANH 17-3: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ điện đàm về Ukraine - Ảnh 1.

Một tòa nhà ở thủ đô Kiev bị cháy bởi đạn pháo hôm 16-3 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17-3 tái khẳng định không ủng hộ việc NATO can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng cứu trợ và vũ khí, song sẽ không góp phần làm leo thang quân sự ở Ukraine.

* Nhà Trắng ngày 17-3 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành điện đàm vào ngày 18-3. Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: "Hai bên sẽ thảo luận cách thức quản lý cạnh tranh, cũng như về cuộc xung đột Ukraine và những vấn đề khác cùng quan tâm". 

Diễn biến này diễn ra vài ngày sau khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại thủ đô Rome (Ý). Tại hội đàm, ông Dương Khiết Trì kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để sớm đạt được các kết quả thực chất, giúp giảm leo thang căng thẳng, đồng thời hối thúc các bên kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.

* Ngày 17-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraine vẫn đang tiếp tục diễn ra qua video, và các bên đang thảo luận vấn đề quân sự, chính trị, và nhân đạo.

* Theo hãng tin Sputniknews, ngày 17-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trang web của bộ này, giống như trang web của các cơ quan chính phủ khác, đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cả ngày lẫn đêm trong hai tuần nay, bởi cả tin tặc chuyên nghiệp và nghiệp dư.

* Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky cho biết hiện nay không có nơi nào ở Ukraine an toàn vì luôn có "mối đe dọa quân sự rõ ràng". Ông nói "chúng tôi không thể kể tên một khu vực nào mà không có pháo kích".

* Trong bản cập nhật thông tin tình báo đăng ngày 17-3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine "nhìn chung đã bị đình trệ trên tất cả các mặt trận", và lực lượng Nga bị tổn thất nặng nề cũng như chỉ đạt được tiến bộ rất nhỏ trên bộ, trên biển hoặc trên không trong những ngày gần đây. Phần lớn lãnh thổ Ukraine, bao gồm tất cả thành phố lớn, vẫn nằm trong tay Ukraine.

* Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Fan Xianrong cho biết Trung Quốc "sẽ không bao giờ tấn công Ukraine", đồng thời sẽ hỗ trợ nước này về mặt kinh tế và chính trị, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine đưa tin. Trung Quốc đến nay đã gửi 2 đợt viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine, và đợt thứ 3 dự kiến sẽ đến Ukraine trong tuần này.

ĐỌC NHANH 17-3: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ điện đàm về Ukraine - Ảnh 2.

Ảnh chụp vệ tinh Nhà hát kịch Mariupol ở Mariupol, Ukraine vào ngày 14-3, trước khi bị phá hủy - Ảnh: AFP

* Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản trợ giúp an ninh mới trị giá 1 tỉ USD, cũng như việc triển khai vũ khí và máy bay không người lái tầm xa hơn tới Ukraine. Quyết định này nhằm đảm bảo với Ukraine về sự hỗ trợ "chưa từng có" của Mỹ trong xung đột với Nga.

Khoản trợ giúp trên được phê duyệt khi lực lượng Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine. Trong đó, 200 triệu USD sẽ được phân bổ vào cuối tuần và 800 triệu USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước.

"Đây là những hoạt động chuyển giao trực tiếp thiết bị từ Bộ Quốc phòng của chúng tôi cho quân đội Ukraine để giúp họ chiến đấu", ông Biden tuyên bố.

Thông báo của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi sự giúp đỡ hơn nữa của Washington. Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky ghi nhận tất cả sự hỗ trợ từ Mỹ, song hy vọng Washington sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự hơn nữa cho Ukraine.

* Ngày 16-3, Matxcơva một lần nữa yêu cầu hoãn cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về một nghị quyết liên quan đến tình hình "nhân đạo" ở Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao tin rằng văn bản trên cuối cùng có thể bị hủy bỏ do thiếu sự ủng hộ từ các đồng minh của Nga.

* Các nhà chức trách ở thành phố cảng Mariupol của Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tấn công một nhà hát nơi có "hàng trăm" thường dân đang trú ẩn. "Nga đã cố tình phá hủy nhà hát kịch, nơi hàng trăm người đang ẩn náu", chính quyền thành phố Mariupol thông báo trên Telegram.

Các quan chức địa phương đã đăng một bức ảnh về tòa nhà của nhà hát. Khu vực giữa của nơi này đã bị phá hủy hoàn toàn, với làn khói trắng dày đặc bốc lên từ đống đổ nát. Các quan chức cho biết một quả bom đã được thả xuống tòa nhà từ một chiếc máy bay. 

Hiện chính quyền tại đây chưa có ghi nhận về thương vong.

* Điện Kremlin cho biết việc Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin vì hoạt động quân sự ở Ukraine là "không thể chấp nhận được và không thể tha thứ".

Người phát ngôn của ông Putin, ông Dmitry Peskov, cho biết: "Chúng tôi tin rằng những lời lẽ như vậy là không thể chấp nhận được và không thể tha thứ được, đối với người đứng đầu một quốc gia có bom đạn đã cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn người trên thế giới".

ĐỌC NHANH 17-3: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ điện đàm về Ukraine - Ảnh 3.

Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov - Ảnh: REUTERS

* Ngày 16-3, các nhà chức trách Ukraine thông báo thị trưởng thành phố Melitopol đã được thả, vài ngày sau khi Kiev nói rằng ông đã bị bắt cóc bởi lực lượng xâm lược của Nga.

Theo tổng thống và Quốc hội Ukraine, thị trưởng Ivan Fedorov đã bị bắt cóc vào ngày 11-3 bởi những người lính Nga đang đóng tại Melitopol, một thành phố nằm giữa Mariupol và Kherson, vì ông này từ chối hợp tác.

* Hội đồng châu Âu cho biết Nga đã không còn là thành viên của cơ quan này, sau hơn 25 năm là thành viên của cơ quan bảo vệ quyền lợi toàn châu Âu. Ủy ban các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu đã đưa ra quyết định chính thức về việc trục xuất Nga sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Trước đó một ngày, Matxcơva đã thông báo rằng họ sẽ rời bỏ hội đồng.

Trong một khoảnh khắc cực kỳ mang tính biểu tượng, quốc kỳ Nga đã được hạ xuống bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp, vào khoảng 15h30 chiều 16-3 theo giờ Pháp, tức 21h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam.

ĐỌC NHANH 17-3: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ điện đàm về Ukraine - Ảnh 4.

Một tài xế taxi tại Tây Ban Nha bồng đứa trẻ tị nạn từ Ukraine - Ảnh: AFP

* Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn từ các nước ngoài châu Âu để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang nổi lên do hậu quả của xung đột ở Ukraine.

"Đó là lời kêu gọi của tôi đối với bạn bè của chúng ta ở Mỹ, Canada và trên toàn thế giới. Bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là làm việc cùng nhau để xây dựng một cây cầu đoàn kết xuyên Đại Tây Dương", bà Baerbock phát biểu.

* Ngày 16-3, cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor của Nga đã chặn quyền truy cập vào trang web tin tức chính của BBC, với cảnh báo Bộ Ngoại giao Nga sẽ có thêm các biện pháp nhằm vào giới truyền thông phương Tây.

"Tôi nghĩ đây chỉ là bước khởi đầu của các biện pháp trả đũa đối với cuộc chiến thông tin do phương Tây tiến hành chống lại Nga", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết trên Telegram.

* Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo liên minh đang tìm cách tăng cường đáng kể lực lượng ở sườn phía đông sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine, nhưng sẽ không gửi quân đến quốc gia này.

Trước đó, Ba Lan, một thành viên NATO, đã đề nghị liên minh triển khai một "sứ mệnh hòa bình" có vũ trang ở Ukraine để cung cấp viện trợ nhân đạo giữa cuộc xung đột.

"Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực hòa bình, chúng tôi kêu gọi Nga, Tổng thống Putin rút lực lượng, nhưng chúng tôi không có kế hoạch triển khai lực lượng NATO trên bộ ở Ukraine", ông Stoltenberg nói với các nhà báo sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO.

NATO đã từ chối lời cầu xin can thiệp vào cuộc xung đột hiện nay từ phía Ukraine, quốc gia không phải thành viên

Liên minh này cho rằng sự tham gia trực tiếp của họ có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu với Nga, nhiều nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

* Ngày 16-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các cơ sở y tế và nhân viên y tế trên toàn cầu đang bị tấn công với tốc độ chưa từng có - đặc biệt là trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo WHO, chỉ trong ba tuần kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào ngày 24-2, đã có ít nhất 43 cuộc tấn công vào cơ sở y tế ở Ukraine.

Các cuộc tấn công trên đã được xác minh khiến 12 người thiệt mạng và 34 người bị thương, bao gồm 34 vụ tấn công vào bệnh viện và các cơ sở y tế khác. Ngoài ra, có 7 vụ tấn công vào xe cứu thương và 10 vụ vào nhân viên y tế tại Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với người đồng cấp Nga và Ukraine Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với người đồng cấp Nga và Ukraine

TTO - Chiều tối 16-3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhằm trao đổi về tình hình xung đột tại Ukraine, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên