Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO UKRAINE
* Ngày 10-3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố khoản viện trợ nhân đạo bổ sung hơn 50 triệu USD cho những người phải di dời do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
* Theo một quan chức Chính phủ Đức, tại cuộc điện đàm ngày 10-3 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chung quan điểm rằng cần giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán, và kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại Ukraine.
* Hãng tin TASS ngày 10-3 dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ không tham gia các hoạt động của Ủy hội châu Âu, vì cho rằng Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lợi dụng thế đa số trong Ủy ban bộ trưởng của Ủy hội châu Âu để làm suy yếu tổ chức này.
Ủy hội châu Âu hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Đây là tổ chức nhân quyền hàng đầu của châu lục, với 47 quốc gia thành viên, trong đó có 27 nước thành viên EU. Nga tham gia Ủy hội châu Âu hồi tháng 2-1996, với tư cách là thành viên thứ 39.
* Chiều 10-3 (theo giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bắt đầu đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng tham dự cuộc gặp này. Tuy nhiên cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết không đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về một lệnh ngừng bắn nhưng sẵn sàng tiếp tục thảo luận về cách kết thúc cuộc chiến, theo New York Times
Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov nói: "Chúng tôi không có kế hoạch tấn công các nước khác. Chúng tôi cũng không tấn công Ukraine". Ông tái khẳng định Nga buộc phải tiến hành "hành động quân sự đặc biệt" ở Ukraine để đảm bảo an ninh của chính mình, New York Times đưa tin.
Ngoại trưởng Nga Lavrov (giữa) trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: SPUTNIK
* Nga nói tuyên bố của Ukraine rằng họ đánh bom bệnh viện sản nhi ở Mariupol là tin giả, vì tòa nhà từng là bệnh viện phụ sản này đã được quân đội tiếp quản từ lâu, theo Reuters. Ông Dmitry Polyanskiy, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, nói từ ngày 7-3 Nga đã cảnh báo việc Ukraine bố trí lực lượng quân sự tại bệnh viện nói trên.
Trước đó ngày 9-3, phía Ukraine tố máy bay Nga đã ném bom bệnh viện khiến ít nhất 17 người bị thương. Tổng thống Ukraine Zelensky sau đó lên tiếng chỉ trích Nga nặng nề.
Xe tăng Nga bị phá hủy ở vùng Sumy, Ukraine, ngày 7-3 - Ảnh- REUTERS
* Theo Hãng tin AFP, Ngoại trưởng Nga và Ukraine đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm trực tiếp vào sáng 10-3 (giờ địa phương). Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng sẽ tham gia cuộc họp với Bộ trưởng Nga và Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết ông hy vọng "cuộc gặp sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn".
Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn duy trì mối quan hệ bền chặt với cả hai bên bất chấp xung đột.
* Mariupol đang bị pháo kích dữ dội, theo tin từ Reuters. Phía Ukraine nói có hơn 1.100 người đã chết, hơn 400.000 người bị Nga bắt làm con tin. Phần đông dân không có điện, nước và điện thoại trong hơn 1 tuần.
* Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí sinh học ở Ukraine, AFP đưa tin. Ông Ned Price cũng nói Điện Kremlin đang cố tình tung tin giả rằng Mỹ và Ukraine đang tiến hành các hoạt động vũ khí hóa học và sinh học ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine ở ngoại ô Kiev, ngày 9-3 - Ảnh- AP
* Theo AFP, trong 5 ngày qua, quân Nga đã tiến hơn 80km ở mặt trận đông bắc và đang tiến gần đến thủ đô Kiev của Ukraine. Một sĩ quan Ukraine cho biết xe tăng Nga cách Kiev khoảng 2km và khuyến cáo xe dân sự rời Kiev nên di chuyển theo đường zíc zắc để tránh bị tấn công.
* Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Tổng thống Zelensky khẳng định sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp, đồng thời hy vọng các bên liên quan cũng có quan điểm tương tự.
Theo Tổng thống Ukraine, đối thoại là giải pháp duy nhất cho tình hình hiện nay, dù rằng hiện quá khó và còn quá sớm để nói về chi tiết. Đến nay, chưa có cuộc tiếp xúc nào giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Putin.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ khủng hoảng y tế tại Ukraine. Theo WHO, việc gần 2,2 triệu người phải đi sơ tán trong 2 tuần qua đang tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế nhiều mặt. Một số cơ sở y tế bị thiếu điện, nước sạch và nhiên liệu.
Một trong số các thách thức lớn nhất là hạ thân nhiệt hoặc bị tê cóng, ngoài ra là các bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp, bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh lý thần kinh không được chữa trị đầy đủ. WHO cũng lo ngại nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, sởi và tả.
Người dân tìm cách sơ tán khỏi thành phố Odessa tại nhà ga xe lửa trung tâm của thành phố cảng này vào ngày 9-3. Đến nay Odessa vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết lực lượng mặt đất của Nga dường như đã sẵn sàng tấn công thành phố này - Ảnh: AFP
* Trong cuộc họp báo ngày 9-3, giờ địa phương, ông John Kirby - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ - khẳng định: "Lực lượng tình báo Mỹ đánh giá việc chuyển giao các máy bay MiG-29 này cho Ukraine có thể bị xem như hành động làm gia tăng xung đột và có thể dẫn đến phản ứng mạnh hơn của Nga, làm tăng khả năng leo thang quân sự với NATO".
* Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba sẽ có cuộc gặp trực tiếp ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay (10-3). Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Kiev và Matxcơva kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cuộc gặp vào buổi sáng 10-3 này tại Antalya thể hiện những nỗ lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột đã kéo dài 14 ngày qua.
* Người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Jen Psaki viết liên tiếp trên tài khoản Twitter lúc sáng nay (10-3) về nguy cơ "sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học" của Nga tại Ukraine.
Trước đó Matxcơva đã có những tuyên bố về các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học của Mỹ ở Ukraine. Phía Mỹ cho rằng đây là những cáo buộc "ngớ ngẩn" và giờ bà Psaki viết rằng những cáo buộc đó có thể dẫn đến việc sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm trên rồi đổ lỗi cho Washington.
Ảnh chụp màn hình các tweet của bà Jen Psaki - người phát ngôn của Nhà Trắng
* Ngày 9-3, Ngoại trưởng Anh Liz Truss kêu gọi toàn bộ các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Bà nói rằng các nền kinh tế hàng đầu thế giới này nên "đi xa hơn và nhanh hơn" trong việc trừng phạt Nga và Tổng thống Vladimir Putin vì đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa đến sân bay Warsaw Chopin (Ba Lan) tối 9-3, giờ địa phương. Bà có chuyến công du 3 ngày đến Ba Lan và Romania để phối hợp phản ứng với hai nước này liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Bà Harris cũng sẽ thảo luận về cách Mỹ hỗ trợ hơn nữa cho các nước trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine - ẢnhL REUTERS
* Một cuộc không kích của Nga đã làm hư hại nghiêm trọng một bệnh viện phụ sản và nhi đồng ở thành phố cảng Mariupol của Ukraine, khiến ít nhất 17 người bị thương vào ngày 9-3. Thông tin này do ông Pavlo Kyrylenko (quan chức địa phương) cung cấp.
Vài giờ trước khi bệnh viện phụ sản và nhi đồng ở Mariupol bị tấn công, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Ukraine thiết lập các vị trí chiến đấu tại bệnh viện này. Nhà Trắng đã chỉ trích việc sử dụng vũ lực "man rợ" sau vụ tấn công nói trên. Liên Hiệp Quốc nói vụ tấn công bệnh viện phụ sản và nhi đồng này đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
* Theo Điện Kremlin, hôm 9-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về các cách thức ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc thực hiện các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.
Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "các khía cạnh nhân đạo" ở Ukraine và các khu vực ly khai. Tổng thống Putin đã thông báo cho Thủ tướng Scholz về các biện pháp đang được thực hiện để sơ tán dân thường và "âm mưu của các tay súng dân tộc chủ nghĩa" nhằm phá hoại kế hoạch đó.
Cùng ngày, Nga và Ukraine đã nhất trí mở thêm các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thành phố bị bắn phá, trong khi xuất hiện những lo ngại mới về nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi bị cắt điện.
* Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) công bố gói hỗ trợ phục hồi trị giá 2 tỉ euro (2,2 tỉ USD) để giúp đỡ các công dân, công ty và quốc gia bị ảnh hưởng do xung đột Nga - Ukraine, trong đó có những nước tiếp nhận người tị nạn.
* Nghị sĩ Ukraine Lesia Vasylenko cho biết hiện tại nhiều người Ukraine không thể tiếp cận nước sạch trong bối cảnh giao tranh. Nhiều người dân buộc phải uống nước bị ô nhiễm và một số trường hợp bị mất nước.
Khói bốc lên sau các cuộc pháo kích ở TP Mariupol của Ukraine vào ngày 9-3 - Ảnh: AP
* Theo Hãng tin AFP, ngày 9-3, lần đầu tiên quân đội Nga thừa nhận lính nghĩa vụ nước này đang tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chỉ có quân nhân chuyên nghiệp mới tham gia. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết một số lính nghĩa vụ Nga đã bị lực lượng Ukraine bắt giữ và một số khác đã được đưa trở về Nga.
* Theo AFP, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot mới ở Ba Lan, phù hợp với cam kết bảo vệ các đồng minh NATO.
* Ngày 9-3, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết "gần như tất cả tên lửa đã bắn" của lực lượng Nga bên trong hoặc bên ngoài Ukraine được phóng tại các địa điểm ở miền đông Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận