02/09/2017 15:41 GMT+7

Độc lập dân tộc không thể tự nhiên mà có

TÙNG SƠN
TÙNG SƠN

TTO - Đó là nhắc nhớ của bạn đọc Tùng Sơn nhân ngày Quốc khánh nước Việt Nam. Theo tác giả, là người Việt Nam dù bất cứ thế hệ nào chúng ta cũng không được phép lãng quên ngày này, bởi độc lập dân tộc không thể tự nhiên mà có!

Độc lập dân tộc không thể tự nhiên mà có - Ảnh 1.

100 cặp đôi thanh niên, công nhân nghèo đã được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức đám cưới tập thể vào sáng Quốc khánh 2-9-2017 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này.

"Hôm nay, chúng ta kỉ niệm Quốc khánh và 72 năm ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc nhưng không phải ai cũng hiểu đêm trường đen tối mà dân tộc ta đã trải qua. Tất cả chúng ta rất cần nhớ quá khứ đau khổ và hi sinh vô giá của ông cha để có được độc lập dân tộc và cuộc sống hôm nay.

Gần 80 năm là một quá khứ đau khổ cần nhớ

Tính từ năm 1867 khi 6 tỉnh Nam Kỳ bị triều đình Huế cắt nhượng cho Pháp đến năm 1945 thì An Nam phải chịu 78 năm là thuộc địa của Pháp. Một nhà du lịch Pháp đã viết: "Khi đặt chân đến An Nam, tất cả những người Pháp đều cho rằng người bản xứ là hạng người kém chỉ đáng làm nô lệ cho họ…"

Dân tộc Việt Nam từ một thuộc địa bị cai trị bằng đói khát và roi vọt vươn lên để có một nước CHXHCN Việt Nam hôm nay là điều tất cả chúng ta không được phép lãng quên. Tuổi trẻ hôm nay, chúng ta mãi mãi khắc ghi một điều: Độc lập dân tộc không thể tự nhiên mà có."

Trong tác phẩm Việt Nam chính đề, chính ông Ngô Đình Nhu (cố vấn Tổng thống chính quyến Sài Gòn) đã có nhận xét: "80 năm thống trị, người của người Pháp đã để lại cho chúng ta một di sản mà ngày nay chúng ta còn phải mang những hậu quả rất là tai hại…"

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ Tịch đã chỉ rõ: "…Chúng dung rượu cồn, thuốc phiện để làm cho nòi giống ta suy nhược… Chúng bóc lột dân ta đến tận xương, tận tủy khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ,…"

Trong một chế độ mà người An Nam quanh năm được "dạy bảo" bằng roi vọt thì chúng ta phải hiểu rằng ông cha ta có cuộc đời đau khổ như thế nào. Bao cuộc nổi dậy đánh đuổi thực dân Pháp bị chìm trong biển máu. Đó là những gì mà chúng ta không được phép quên.

Ông bà chúng ta đi ở cho địa chủ

Tuổi trẻ hôm nay có người không tin những câu chuyện về nỗi cực mà người đi ở phải nếm chịu dưới chế độ cũ. Với xã hội mà toàn bộ ruộng đất nằm trong tay địa chủ thì 90% nông dân không đi làm mướn và đi ở thì sẽ làm gì để sống. Tôi có dịp may được sống cùng bà nội từ bé nên được nghe nhiều chuyện mà bây giờ các bạn trẻ khó tin.

Bà tôi kể rằng đi ở cho địa chủ thì bất kể tuổi nào. Trẻ con lên chín, lên mười thì chăn trâu, người lớn thì cày cấy hoặc phục dịch trong nhà. Phải dùng từ "phục dịch" thì mới diễn tả được phần nào cái cơ cực thức khuya dậy sớm của người đi ở. 

Với lứa tuổi học sinh, chúng ta cứ hình dung cuộc sống của cô Mỵ dưới nhà thống lý Pá Tra (trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài) như thế nào thì người đi ở dưới chế độ phong kiến là như thế. 

Điều đặc biệt là đi ở và làm mướn cho địa chủ là không có lương tháng, công ngày gì cả. Họ chỉ được cho ăn bằng cơm nguội, canh thừa để duy trì sự sống. Những gì người làm mướn có được là sự bố thí của chủ nhà. 

Muốn con ở nhà có cơm ăn, người làm mướn phải bớt khẩu phần cơm nguội của mình để chim chim một nắm giắt cạp xống (váy phụ nữ nông dân thời phong kiến) kiếm cớ về đưa cho con. Nếu con còn tuổi ăn cháo, mẹ còn ngậm cơm trong miệng về mớm cho con…

Giặc đi càn và bắn chết cả làng là có thật

Nhiều bạn trẻ thốt lên "Làm sao có chuyện dã man thế!". Nhưng chuyện này hoàn toàn có thật. Ở làng tôi, bây giờ có ngày Giỗ trận. Đó là ngày 23 tháng 11 Âm lịch. Tính riêng làng tôi có 27 giỗ. Vào ngày này, cả làng cúng giỗ.

Ngày 3-1 năm 1948 tức ngày 23 tháng 11 năm Đinh Hợi, để tiêu diệt du kích trong các làng ở Bắc Bộ, giặc Pháp mở một trận càn lớn. Sau hàng loạt đạn mooc-chia (một loại đạn pháo) trên tàu chiến bắn vào, quân giặc tràn vào làng. 

Cũng có làng có du kích đánh trả, cũng có làng không có du kích hoặc du kích đã rút đi, thế nhưng công việc của quân giặc ở các làng là giống nhau: đốt sạch nhà, hãm hiếp phụ nữ, bắn chết toàn bộ đàn ông.

Làng tôi cạnh sông Kinh Thầy, rất tiện cho quân Pháp vào càn và chúng bắn chết 27 đàn ông.

Chuyện này thời đó phổ biến ở các làng Bắc Bộ. Điều dã man là chúng giết hầu hết dân thường, vì nếu là du kích thì các cụ đã là liệt sĩ.

Tra tấn dã man và quyết không khai là có thật

Ngày nay, đòn thù tra tấn ác chiến sĩ cộng sản được thể hiện trên phim ảnh nhưng không phim ảnh nào tả được hết cái dã man trong cách tra tấn của thực dân, đế quốc. Các di tích như nhà tù Côn Đảo, nhà tù Sơn La, Chuồng Cọp,… là những nơi tra tấn với sự tập trung lớn. 

Còn những cảnh tra tấn của giặc ở địa phương thì không biết bao nhiêu mà kể. Khi chúng đã bàn giao lên trên để đưa chiến sĩ cộng sản vào các nhà tù lớn là lúc chúng đã thi hành các biện pháp tra tấn dã man không ở đâu có trên thế giới này. 

Nói nôm na là chúng không từ bất kì thủ đoạn nào, hành động nào trong tra tấn. Kể ra thì cả ngày không hết. Chẳng hạn như kẹp kìm, truyền điện, đi tàu ngầm,… là phổ biến cho tất cả, còn các đồng chí nữ thì chúng cắt đầu vú và tra tấn vào vùng kín rất dã man.

Điều khiến hậu thế hoàn toàn khâm phục là các nhà cách mạng dù bị trăm ngàn cực hình tra tấn nhưng quyết không khai khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ.

Hiện nay, cuốn sách viết về đời hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và khởi nghĩa Nam Kỳ không thấy tái bản. Tuổi trẻ chúng ta chỉ còn thấy cảnh khổ của dân ta và tra tấn dã man trong một số tác phẩm như tiểu thuyết Vùng mỏ, tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội

Độc lập dân tộc không thể tự nhiên mà có

Từ một đất nước thuộc địa với cuộc sống trăm cay nghìn đắng, bát cơm chan đầy nước mắt, để có cuộc sống hôm nay, cha ông chúng ta trải qua cả một quá trình tranh đấu lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Từ một dân tộc với 90% nông dân không có ruộng cày, chúng ta đi lên cuộc đời nông dân làm chủ, ai cũng được học hành là điều không phải ngẫu nhiên.

Vì vậy, thế hệ trẻ ngày nay rất cần được hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Mỗi dịp kỉ niệm ngày Quốc khánh là dịp chúng ta nhắc lại chuyện xưa để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu dân tộc việc rất cần thiết".

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Với bạn, ngày Quốc khánh có ý nghĩa như thế nào? Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, theo bạn tuổi trẻ hôm nay làm gì để xứng đáng với những gì mà cha ông đã xây dựng. Mời chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ [email protected]; [email protected]. Cảm ơn bạn!

TÙNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên