Ảnh: L.ĐIỀN
Văn vần là một sản phẩm có vị trí quan trọng trong đời sống người dân Nam Kỳ vào thời kỳ đầu của chữ quốc ngữ. Tác giả Trần Nhật Vy ghi nhận, văn vần đóng góp phần lớn trong việc truyền bá tác phẩm bởi lợi thế "dễ nghe dễ thuộc", nhờ vậy các sáng tác của những tác giả sử dụng chữ quốc ngữ thời kỳ đầu nhờ "vận dụng" văn vần mà phổ biến rộng được trong dân chúng, kể cả những người dân không biết chữ.
Chính lợi thế không cần biết đọc, chỉ cần nghe và dễ thuộc đã đưa văn vần trở thành phương tiện hiệu quả trong việc phổ biến tác phẩm, mà tình trạng truyện thơ Lục Vân Tiên được truyền lưu rộng rãi, được nhiều "bà mẹ quê" mù chữ nhưng vẫn thuộc lòng và kể lại cho con cháu nghe... là một minh chứng thú vị.
Tập Văn chương Sài Gòn 5 này, do vậy, là tập sách có vị trí đặc biệt. Ngoài tác phẩm Đèn điển khí (tức đèn điện) của Mai Nham (bút danh của Trương Minh Ký) đăng trên Nam Kỳ ngày 9-2-1899, kể lại một sự kiện thời sự bấy giờ: đèn điện xuất hiện trên đường phố Sài Gòn; Trần Nhật Vy còn sưu tập cả các tác phẩm văn vần khác của Mai Nham, cũng là những nội dung ghi dấu một thời kỳ lịch sử của Sài Gòn và Nam Kỳ.
Không chỉ thế, tập sách còn có các tác phẩm văn vần từ nhiều báo quốc ngữ thời kỳ đầu như: Gia Định Báo, Nam Kỳ Nhựt Trình, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ Địa Phận... Trong đó, từ những áng văn vần, người đọc có thể bắt gặp các sự kiện lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc (như bài Truyện đấu xảo Hà Nội của Lương Khắc Ninh trên Nông Cổ Mín Đàm ngày 5-3-1903), và cả lịch sử của văn chương và báo chí Việt Nam thời kỳ ấy (như Liêu trai chí dị từng được dịch sang văn vần: truyện Phong Tam Nương được Nguyễn Kim Đính dịch và đăng trên Tân Đợi Thời Báo ngày 13-4-1915)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận