14/05/2020 16:25 GMT+7

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tại cuộc trưng bày ‘Khát vọng tự do’ ở Hà Nội, công chúng được đọc lại những vần thơ xúc động Bác Hồ đã viết cho chiến sĩ cách mạng Quý Quân, người bị kẻ thù giết hại khi tổ chức vượt ngục tại nhà tù Sơn La năm 1941.

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục - Ảnh 1.

Hình ảnh chiến sĩ cách mạng Quý Quân tại cuộc trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Công chúng được gặp lại câu chuyện xúc động này tại trưng bày Khát vọng tự do, khai mạc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội ngày 14-5.

Ông Quý Quân tên thật là Đàm Văn Lý, quê ở xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Ông từng là châu ủy viên Châu Hà Quảng (1936 - 1938), phó bí thư Châu ủy Hà Quảng (1939 - 1940), là người cán bộ đã có nhiều đóng góp trong phong trào cách mạng của tỉnh Cao Bằng và đất nước.

Đầu năm 1940, do hoạt động ráo riết của mật thám, ông Quý Quân bị thực dân Pháp bắt, sau bị đày lên nhà tù Sơn La. Năm 1941, ông đã tổ chức vượt ngục nhưng bị bắt lại, bị chặt đầu bêu trước cổng nhà tù Sơn La.

Cảm phục trước tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, hi sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng Quý Quân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết bài Điếu đồng chí Quý Quân đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, số 116 ngày 21-1-1942, với những lời xúc động:

"Mấy người chí sĩ với nhân dân

Vì giống vì nòi phải bỏ thân

Một tấm trung thành soi nhật nguyệt

Mấy phen oanh liệt rạng tinh thần

Tranh đấu dốc lòng đền nợ nước

Hy sinh quyết chí cứu nhân dân

Một thiên châu lệ hồn đồng chí

Muôn thuở giai truyền tiếng Quý Quân".

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục - Ảnh 2.

Bà Văn Tất Mai, con gái của cố Đại tướng Văn Tiến Dũng, xúc động xem lại những hình ảnh về cha mình - Ảnh: T.ĐIỂU

Câu chuyện về ông Quý Quân là một trong nhiều câu chuyện cảm động về những chiến sĩ cách mạng không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo để trở về với cách mạng, với nhân dân.

Trưng bày gồm 3 phần: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm, Khúc ca hòa bình. Tất cả khắc họa hành trình tìm đến tự do của các chiến sĩ cách mạng từ các nhà tù thực dân, đế quốc như Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc... qua hình ảnh, tài liệu và những câu chuyện kể đầy chân thực.

Trong đó, phần Xiềng xích mở đầu cho trưng bày này, tái hiện khát vọng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và những ngày bị bắt, giam trong các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc) năm 1942-1943.

Trưng bày cũng tái hiện những cuộc vượt ngục thần kỳ tại Nhà tù Hòa Lò năm 1932, 1945, 1951 bằng các hình thức trèo tường, chui cống ngầm, đi qua cửa ngục, hay các cuộc vượt ngục gian nan, hiểm nguy tại nhà tù Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo...

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hà Long xem lại những hình ảnh về cuộc đào hầm vượt ngục tại Trại giam tù binh Phú Quốc năm 1969 do ông và một số đồng chí khởi xướng - Ảnh: T.ĐIỂU

Bên cạnh những câu chuyện bi tráng của những chiến sĩ vượt ngục không thành công, bỏ mạng, công chúng cũng được tìm hiểu những câu chuyện vượt ngục thành công ngoạn mục ở các nhà tù của nhiều người sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, như Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng...

Trưng bày cũng mang đến cho người xem những tài liệu liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa, như thanh kiếm do bộ đội quân giới tặng ông Nguyễn Văn Trân (tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1940) khi ông giữ cương vị bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, Huân chương Hồ Chí Minh do Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng ông Nguyễn Văn Kha ngày 8-8-1990, mũ phớt do ông Lê Tất Đắc sử dụng trong thời gian giữ chức vụ xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ năm 1940…

Trưng bày Khát vọng tự do dự kiến kéo dài trong nhiều tháng.

Một số hình ảnh tại cuộc trưng bày:

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục - Ảnh 4.

Áo, giày của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trưng bày tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục - Ảnh 5.

Phần Xiềng xích mở đầu cho trưng bày này, tái hiện lại khát vọng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và những ngày bị bắt, giam trong các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc) năm 1942-1943 - Ảnh: T.ĐIỂU

Đọc lại bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục - Ảnh 6.

Trưng bày gây xúc động cho nhiều người từng kinh qua chiến tranh, tù đày - Ảnh: T.ĐIỂU

Công trình nghiên cứu di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học đoạt giải thưởng Công trình nghiên cứu di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học đoạt giải thưởng

TTO - Tác giả Dương Thành Truyền với tác phẩm 'Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo' vừa nhận giải B Giải thưởng về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên