Con dốc cao khiến người dân đi lại khó khăn - Ảnh: T.LONG |
Nhiều người chạy xe máy ban đêm đổ dốc gấp, bị té ngã. Mỗi trận mưa lớn, đường hẻm ngập nước tràn vào sân nhà dân trong hẻm.
Khi người dân phản ảnh, UBND phường đưa ra giải pháp là người dân góp một phần kinh phí để nâng mặt đường, giảm độ dốc.
Tuy nhiên, một số hộ dân không đồng ý vì chủ đầu tư dự án nhà ở làm đường ảnh hưởng người dân lẽ ra phải bỏ chi phí cải tạo đường, sao lại bắt dân chịu một phần?
- Ông Hoàng Văn Sơn (cán bộ địa chính UBND phường 9) trả lời:
Hẻm 100 đường số 3 trước đây là hẻm cụt. Cuối hẻm là thửa đất do ông Trần Đình Phan quản lý sử dụng làm xí nghiệp may. Đến năm 2015, UBND quận Gò Vấp cấp phép cho ông Phan thực hiện dự án nhà ở.
Chủ đầu tư làm con đường mới nối thông hẻm 100 đường số 3 với hẻm 220 đường số 10. Tuy nhiên, do cốt nền đường khu dân cư mới cao hơn mặt đường khu dân cư cũ, nên khi kết nối tạo thành dốc cao gần 1m, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trong quá trình làm con đường mới nối thông hai hẻm, do cư dân hẻm 100 không đồng ý cho ông Phan kết nối hệ thống đường ống thoát nước giữa khu dân cư mới với khu dân cư hiện hữu nên ông phải kết nối ra đường hẻm 220 đường số 10. Đường hẻm này cốt nền cao dẫn tới con đường mới cao hơn đường hẻm cũ.
Qua phản ảnh người dân, UBND phường đã mời người dân cũng như chủ đầu tư lên thống nhất biện pháp cải tạo nhằm giảm độ dốc và bảo đảm thuận lợi khi tham gia giao thông cho người dân trong hẻm.
Giải pháp tối ưu nhất là sẽ nâng độ cao mặt đường cũ lên khoảng 20cm và giảm cốt nền đường mới xuống 20cm, vận động người dân hẻm 100 nâng cao sân nhà tránh trường hợp nước ngập vào nhà.
Về kinh phí cải tạo, người dân ở hẻm 100 đóng 30%, số còn lại phường sẽ vận động từ nguồn khác. Tuy nhiên, đến nay một số hộ chưa đồng ý với phương án phường đưa ra.
Hiện UBND phường vẫn tiếp tục làm việc, vận động người dân để thực hiện cải tạo mặt đường, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận