26/11/2024 16:09 GMT+7

Độc giả mách bí kíp để không bị lừa, mất tiền oan khi mua hàng trực tuyến

Trong nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper dỏm' lừa giao hàng chuyển khoản có các chia sẻ, 'bíp kíp xương máu' để tránh khỏi mất tiền oan.

'Bí kíp' để không bị lừa, mất tiền oan khi mua hàng trực tuyến - Ảnh 1.

Rất nhiều bạn đọc cho rằng từng bị các 'shipper dỏm' gọi điện để giao hàng dù không đặt đơn - Ảnh minh họa: C.T.

Hai trường phái khi mua hàng trực tuyến: Trả trước hay trả sau

Tự đề phòng, cảnh giác và bảo vệ mình trên không gian mạng, khi mua hàng trực tuyến là điều cần thiết, liên tục được các cơ quan chức năng thông tin. Nhưng rõ ràng hiện vẫn có rất nhiều, vì nhiều lý do và đã lọt hố bẫy lừa của các đối tượng xấu.

Tuổi Trẻ Online tiếp nhận hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc liên quan đến việc 'shipper dỏm' lừa đảo đơn hàng, lừa chuyển khoản là một minh chứng rất rõ.

Cũng từ đây, rất nhiều nguyên tắc, bí kíp trong mua hàng trực tuyến được bạn đọc chia sẻ.

Theo bạn Green Field, nguyên tắc bất di bất dịch khi mua hàng trực tuyến là nhận hàng trả tiền. Nhất quyết không chuyển khoản trước khi mua mà hàng chưa nằm trên tay.

Bạn đọc TVT, người thường xuyên mua hàng qua mạng, viết: "Bài học là nhận hàng, kiểm tra ưng ý mới thanh toán. Không bao giờ chuyển khoản trước".

Nhiều người cũng đồng tình với trường phái "tiền trao cháo múc" bởi chỉ khi gói hàng được giao đến tay, kiểm tra kỹ càng mới yên tâm.

Tuy nhiên cũng có rất nhiều bạn đọc thể hiện mình đang ở trường phái ngược lại.

Trả lời bình luận của TVT, bạn Hoàng nói toàn làm ngược lại, nghĩa là luôn trả tiền trước món hàng mình mua qua liên kết ngân hàng với sàn thương mại điện tử. Điều này tiện lợi vì hiện các sàn đều có chính sách đổi, trả và hoàn tiền. Nếu xảy ra kiện cáo về chất lượng sản phẩm, đơn hàng… thì cũng dễ hơn.

Theo tài khoản đọc báo Tuổi Trẻ Online có tên HP, việc thanh toán trước cho một đơn hàng tại ứng dụng mua sắm sẽ giúp hạn chế việc "shipper dỏm" gọi điện yêu cầu thanh toán.

"Nếu có ai gọi điện yêu cầu chuyển khoản thanh toán để giao hàng thì đó là lừa đảo, bởi bạn là người luôn thanh toán trước rồi", HP viết.

Độc giả mách bí kíp để không bị lừa, mất tiền oan khi mua hàng trực tuyến - Ảnh 3.

Thúy Hằng nói muốn mua hàng chất lượng, tránh bị lừa đảo, bắt buộc phải tỉnh táo - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Chọn shop có lượt bán cao, nhiều phản hồi tốt

Bạn Thúy Hằng (17 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói sức hút từ việc mua sắm là rất lớn. Muốn không phải mua trúng hàng kém chất lượng, lừa đảo, bắt buộc phải tỉnh táo.

Trên các sàn thương mại điện tử có cả ngàn shop bán hàng. Một mặt hàng có chung mẫu mã, kiểu dáng, chức năng, nhưng cả trăm shop đăng bán. Vì thế muốn mua được hàng chất lượng, ngoài tìm các shop chính hãng, phải xem mức độ uy tín của shop đó qua các phản hồi của khách hàng trước thế nào.

"Dù biết các phản hồi, đánh giá của khách hàng trước nếu shop đó muốn vẫn có thể dựng được, nhưng chỉ một phần nào đó thôi", Thúy Hằng nói.

Là tín đồ cứng của các sàn thương mại điện tử, Hồng Ngọc (31 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nói luôn chọn các shop có lượt bán hàng cao để chọn mua. Bởi sản phẩm của shop đó nếu không chất lượng, các phản hồi từ người mua trước không tốt sẽ không bao giờ có được lượt bán cao được.

Riêng về việc thanh toán, Hồng Ngọc cho biết luôn chọn thanh toán trước. Điều này được bạn lý giải từ thói quen hạn chế dùng tiền mặt, tiết kiệm được một ít, bởi thanh toán trước sẽ được áp mã giảm giá, tiện cho việc nhận hàng nhanh chóng.

"Nhưng nếu muốn tránh bị các shipper lừa đảo nói đang giao hàng, bắt chuyển khoản thì bắt buộc phải nhớ những gì mình đã mua. Làm gì có ai mua sắm nhiều đến mức không thể nhớ nổi đơn đặt? Tôi đặt một đơn thôi mà vài ba tiếng đã vào xem thử hàng đã đến đâu", Hồng Ngọc nói.

Để khách mua sắm an toàn

Để bảo vệ khách hàng, nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam liên tục đưa ra những cảnh báo, liệt kê các chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo có liên quan.

Như trên Shopee, đơn vị này dặn khách mua sắm an toàn cần nhớ rất nhiều cái "KHÔNG". Như việc không làm theo các yêu cầu thanh toán bên ngoài nền tảng; kiểm tra kỹ đơn hàng và không nhận các đơn hàng nghi lừa đảo; không chia sẻ thông tin đơn hàng, tài khoản hay mã PIN; không quét các mã QR, mở liên kết đang ngờ. Thậm chí nền tảng này còn đưa ra khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không phản hồi các tin nhắn được gửi từ các kênh thông tin không chính thức.

Cách để nhận diện dấu hiệu các trang web lừa đảo, mạo danh các sàn thương mại điện tử như sử dụng tên/logo thương hiệu gần giống với các thương hiệu chính thức, chứa nội dung không chuyên nghiệp như lỗi chính tả, lỗi đánh máy.

'Bí kíp' để không bị lừa, mất tiền oan khi mua hàng trực tuyến - Ảnh 2.Bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt

Nhiều người không đặt mua đơn hàng trực tuyến, nhưng đột nhiên có số lạ gọi đến, xưng là shipper đang giao hàng, đọc đúng tên tuổi, địa chỉ rồi yêu cầu chuyển khoản thanh toán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên