29/04/2015 09:09 GMT+7

​Độc đáo thư viện mở

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

TT - Đến thăm Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi (TP.HCM) vào thời điểm trước giờ học buổi chiều, sẽ dễ dàng nhìn thấy nhóm học sinh 5 - 7 em đang quây quần ở chân cầu thang để lựa chọn sách cho mình và đọc một cách say mê.

Học sinh thoải mái đọc sách đủ tư thế - Ảnh: T.V.Tám

Tôi đến gần xem thử thì thấy chân cầu thang nhà trường có đặt góc thư viện kê sát vào tường, trên kệ có nhiều ngăn sách để từng chồng rất gọn gàng, các bức tường xung quanh góc thư viện được trang trí những hình ảnh trẻ thơ đang chơi đùa hay vẽ bông hoa màu sắc tươi thắm.

Thấy góc thư viện hơi lạ tôi hỏi thăm thì thầy Lê Văn Bồng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cách đây hơn hai năm khi được luân chuyển từ Trường tiểu học An Phú 1 về trường này công tác, hằng ngày tôi quan sát thấy  học sinh hay tìm đến thư viện đọc sách, truyện tranh thiếu nhi. Thấy tính ham thích đọc sách của các em như thế, tôi có suy nghĩ phải làm như thế nào để thư viện thật sự thu hút học sinh nhiều hơn nữa. Đem ý tưởng này bàn trong ban giám hiệu, cuối cùng thống nhất trước hết phải làm đẹp cho phòng thư viện bằng tranh vẽ đẹp trên tường, mắc thêm đèn neon cho đủ ánh sáng, trang bị thêm nhiều đầu sách mới, trưng bày trên kệ  ngang tầm với của học sinh để các em dễ dàng chọn lựa sách  đọc”. 

Trong phòng kê thêm bàn để các em ngồi đọc, còn hành lang dẫn vào thư viện thì trên nền gạch men được trải thảm đỏ như lời chào mời một cách trân trọng các em đến đọc sách. Giờ giải lao các em đến đây mặc sức lựa chọn sách mình thích để đọc, thoải mái lựa chọn cách đọc riêng cho mình từ ngồi ghế, đứng tựa lưng vào tường hay nằm xuống thảm.

Đọc xong quyển nào các em có thể viết cảm nhận của mình về nội dung quyển sách đó dưới sự hướng dẫn của thầy cô, cán bộ phụ trách thư viện, hay cũng có thể vẽ lại nhân vật hoặc hình ảnh mình thích trong quyển sách vừa đọc xong để trưng bày đính lên tấm bảng cho các bạn cùng thưởng thức.

Theo suy nghĩ của thầy Bồng, nhằm giúp cho học sinh không nhàm chán khi đọc sách, trái lại luôn ham thích đến thư viện, thầy giao cho cán bộ phụ trách thư viện hằng tuần luân phiên thay đổi sách và vị trí các quyển sách trên kệ để học sinh nhìn vào luôn có cảm giác lúc nào góc thư viện cũng có sách mới mà đọc.

Việc nhà trường tạo điều kiện cho các em có cơ hội đến thư viện  thuyết trình như thế dần giáo dục các em trở nên tự tin, mạnh dạn giao tiếp trước đám đông mà không bị khớp tinh thần. 

Năm học 2014-2015 nhà trường có gần 950 học sinh theo học, nhiều lúc thấy thư viện gần như quá tải khi đón lượng độc giả khá lớn nên nhà trường sáng tạo thêm bằng cách đặt bốn tủ sách góc cầu thang và một tủ sách trung tâm với các tên thật dễ thương, gần gũi với các em như: khu dành cho khối 1 tên “Khung trời mơ ước”, khối 2 là “ Bầu trời ước mơ”, khối 3 tên "Khung trời tuổi thơ”, khối 4 “Kho tàng kiến thức”, khối 5 là “Thư viện trung tâm”. 

Thầy Đoàn Thanh Lâm, bí thư chi bộ nhà trường, cho biết thêm: “Ban đầu thư viện trường có khoảng 1.000 quyển sách. Hai năm nay nhờ sự hỗ trợ, ủng hộ, đóng góp của ban giám hiệu, giáo viên và học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Trường tiểu học Trương Quyền (Q.3) trên 2.000 quyển sách, nâng số sách, truyện thiếu nhi, truyện tranh của thư viện trường lên hơn 3.000 quyển. Với số sách trang bị như thế này phải nói lượng sách tương đối nhiều, dư sức giải quyết nhu cầu đọc cho các em mà không sợ để học sinh “bị đói” sách”. 

Học sinh diễn kịch trong thư viện - Ảnh: H.HG

Thân thiện và đa năng 

Thư viện Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM có diện tích rất rộng: 232m2, được chia làm ba khu gồm nhiều phòng chức năng. Phòng đọc sách: không chỉ để học sinh đọc sách mà còn rèn kỹ năng sống qua việc hình thành thói quen đọc sách theo bốn bước.

Bước 1: đọc sách hoặc nghe kể chuyện, bước 2: vẽ tranh hoặc tóm tắt bằng sơ đồ câu chuyện vừa đọc hoặc nghe kể, bước 3: học sinh kể lại câu chuyện vừa đọc hoặc vừa nghe kể, bước 4: học sinh sắm vai, xử lý tình huống. 

Ngoài ra thư viện còn có phòng học tiếng Anh (với trang thiết bị hiện đại),  phòng chiếu phim cho học sinh thư giãn, khu vực sân khấu hóa: tạo điều kiện cho học sinh diễn kịch, hát, múa, phòng triển lãm và sử dụng nhạc cụ dân tộc, phòng tư vấn tâm lý…

Bên cạnh đó, thư viện còn là “điểm hẹn lý tưởng” của giáo viên bởi họ có thể tra cứu tìm thông tin qua phần mềm thư viện Libol, tra cứu sách trên Ebook…

Theo bà Nguyễn Lê Thu, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 11, thư viện Trường tiểu học Lạc Long Quân được xem là thư viện kiểu mẫu vì đạt chuẩn, thân thiện và đa năng, do Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) tài trợ gần 2 tỉ đồng để xây dựng và mua sắm trang thiết bị. 

HOÀNG HƯƠNG

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên