01/06/2022 05:20 GMT+7

Độc đáo lớp học cồng chiêng

TTXVN
TTXVN

TTO - Trong trí nhớ của thầy giáo Điểu Nhin, ngày vui, sự kiện lớn của dòng họ, tiếng cồng chiêng luôn là một phần không thể thiếu. Lớp học này là cách để thầy giáo Điểu Nhin gửi gắm tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc.

Độc đáo lớp học cồng chiêng - Ảnh 1.

Học sinh được tập đánh chiêng tại tiết học - Ảnh: TTXVN

Để bảo tồn và phát huy những tinh hoa của "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên", Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã mua một bộ chiêng phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh với mong muốn gìn giữ và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Những ngày tháng 5, khi tiếng ve kêu râm ran báo hiệu hè về, ngay trên sân trường, dưới tán cây, tiết học đánh chiêng đầu tiên được tổ chức thật đặc biệt. Những thông tin bổ ích, sự truyền dạy tận tâm… là những gì học sinh nơi đây cảm nhận được khi tham gia tiết học cồng chiêng. 

Trong không gian mở, được trang trí đậm chất văn hóa của dân tộc M’Nông, các em hào hứng tìm hiểu về cội nguồn văn hóa cồng chiêng, tầm quan trọng của những bộ chiêng đối với đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên và hành trình để trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. 

Hào hứng khi được trực tiếp nghe thấy âm vang tiếng chiêng, các em chạm vào từng chiếc chiêng để cảm nhận chất liệu và tự đánh lên thanh âm mang hơi thở của dân tộc.

Em Thị Sô Man (người M’nông), học sinh lớp 6A2, Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết em thấy rất vui khi lần đầu được trải nghiệm tiết học đánh chiêng. Với những gì được học, em và các bạn sẽ cố gắng tiếp thu, tập đánh chiêng cho thuần thục, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Người trực tiếp dạy thực hành là thầy Điểu Nhin (giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt). Thầy Điểu Nhin cho biết lợi thế của thầy là trong nhà có 2 nghệ nhân cồng chiêng, các anh chị em đều được dạy và biết đánh cồng chiêng. 

Trong trí nhớ của thầy giáo Điểu Nhin, ngày vui, sự kiện lớn của dòng họ, tiếng cồng chiêng luôn là một phần không thể thiếu. Lớp học này là cách để thầy giáo Điểu Nhin gửi gắm tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

"Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay. Là người M'nông, ngoài niềm tự hào, chúng ta phải biết tiếng cồng, tiếng chiêng, có trách nhiệm gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ", thầy giáo Điểu Nhin chia sẻ.

Thầy cũng mong muốn nhân rộng những lớp học như này để không chỉ ở trong trường, mà cả những thanh niên tại các bon, làng được tiếp cận.

Tiết học đánh chiêng là nỗ lực lớn của Ban Giám hiệu Trường THCS Lý Thường Kiệt. Từ ấp ủ về việc gây dựng một đội chiêng và truyền dạy di sản trong các năm học trước, đến năm học này, nhà trường quyết tâm mua bộ chiêng với trị giá trên 30 triệu đồng. 

Với vật chất sẵn có và lợi thế ngay tại địa phương có đội chiêng thuần thục, nhà trường lên kế hoạch duy trì đều đặn tiết học đánh chiêng, trở thành môn học tự chọn, do các nghệ nhân bản địa truyền dạy cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt Phạm Văn Tuân cho biết nhà trường mong muốn sẽ thành lập đội cồng chiêng riêng do các giáo viên tham gia và truyền dạy cho học sinh từng khóa học.

Độc đáo lớp học cồng chiêng - Ảnh 2.

Học sinh hào hứng tìm hiểu văn hóa cồng chiêng - Ảnh: TTXVN

Độc đáo lớp học cồng chiêng - Ảnh 3.

Lớp học trong không gian mở khiến các em thích thú - Ảnh: TTXVN

Học sinh trình diễn cồng chiêng, múa xoang Học sinh trình diễn cồng chiêng, múa xoang

TTO - Sở GD-ĐT Kon Tum vừa tổ chức hội thi biểu diễn cồng chiêng, múa xoang dành cho học sinh người dân tộc thiểu số, với 330 học sinh của 9 trường phổ thông dân tộc nội trú tham gia.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên