17/05/2018 18:37 GMT+7

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ

QUỐC VINH (Hoa Kỳ)
QUỐC VINH (Hoa Kỳ)

TTO - Có lẽ phải mất cả ngày để học thuộc cho hết câu ‘Xin chào!’ của người da đỏ với đủ loại ngôn ngữ là ‘O’siyo’, ‘Istonko’, ‘Klahowya’, ‘Chehuntamo’, ‘Halito’, ‘Aya’, ‘Ya’at’eeh’. Từ đó thôi thúc tôi tìm hiểu về lễ hội Pow Wow đầu xuân của họ.

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 1.

Lễ hội Pow Wow ở đại học Texas Tech (Texas) - Ảnh: Quốc Vinh

Khi được nghe giới thiệu ở khu vực núi Wichita ở thành phố Indiahoma của bang nằm trong vùng lãnh thổ người da đỏ có cảnh vật hữu tình như tranh vẽ, do chính người da đỏ điều hành du lịch đã kích thích tôi quyết tâm một lần ghé thăm khi mùa hè này đến.

Nhảy múa cùng lễ hội Pow Wow

Bắt nguồn từ bang Hawaii, "Pow Wow" là một lễ hội của người thổ dân da đỏ, bao gồm nhiều hoạt động âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật.

Theo ý nghĩa ngôn ngữ của người Mỹ bản xứ thì "Pow" là sự ảnh hưởng của nghệ thuật đối với một cá nhân, còn "Wow" là phản ứng của một cá nhân khi được thưởng ngoạn nghệ thuật: ngạc nhiên, thích thú, thán phục… Riêng từ "Pow Wow" cũng có nghĩa là thầy phù thủy theo ngôn ngữ của người da đỏ.

Lễ hội được tổ chức vào tuần lễ thánh Valentine tại Hawaii, tầm tháng 7 tại một số thành phố ở California và tháng 11 ở bang Missouri tùy vào điều kiện tổ chức.

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 2.

Tôi được tham gia vào lễ hội này tại trường đại học Texas Tech (bang Texas) trong chương trình giao lưu văn hóa "Ado Huna" nghĩa là "Thời gian để kết bạn". Đây là tháng để người dân da đỏ làm quen với người khác và chia sẻ đồ đạc, thức ăn chào đón mùa xuân mới và mùa trăng đầu tiên của năm.

Trong tiếng trống thì thùng pha lẫn tiếng lục lạc xủng xẻng nghe thật vui tai, tôi lân la làm quen với A.J. Esau, người phụ trách chương trình. Khi biết tôi đến từ Việt Nam xa xôi và cũng có 54 dân tộc khác nhau ở đó, ông như mở lòng hơn.

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 3.


Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 4.

Lễ hội Pow Wow ở Missouri

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 5.

Ông chia sẻ: "Văn hóa của những người Mỹ bản địa (là người da đỏ) được phát triển cùng với thiên nhiên. Mọi yếu tố trong cuộc sống người dân da đỏ đều dựa trên sự phát triển của Trái đất. Các bộ tộc người da đỏ tôn thờ linh hồn của các loài động vật như những vị thần. 

Tuy nhiên chúng tôi vẫn giết thịt chúng để làm thực phẩm và quần áo. Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ phí bất cứ phần nào mà dùng thịt làm thực phẩm, dùng lông làm áo, sử dụng da làm trống và xương để chế tạo nên các công cụ, vũ khí. 

Trong các dịp lễ hội này cũng là lúc các bộ sắc phục sặc sỡ được trình diễn để trưng bày chiến công của người đàn ông và vẻ đẹp của người phụ nữ".

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 6.

Lễ hội Pow Wow ở Oklahoma

Khi được tôi chỉ lên logo của lễ hội cũng có vòng tròn âm dương giống người Á Đông, ông giải thích thêm:

"Hình tròn âm dương chúng tôi sử dụng có hai màu đỏ và đen thể hiện sự linh thiêng huyền bí. Màu đỏ thể hiện cho phía Đông, nơi mặt trời mọc cũng như là màu của chiến thắng, của sức mạnh. Màu đen thể hiện cho phía Tây, cũng là màu sắc của cái chết. Chúng tôi không có quan niệm chết là hết mà là bắt đầu cho sự tái sinh. Ở đây cũng thể hiện cho sự hòa hợp thống nhất của hai miền Hoa Kỳ sau cuộc nội chiến thảm khốc".

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 7.

Ông giới thiệu tôi đến trò chuyện với nghệ sĩ múa tham gia chương trình là Trilby Wahwasuck. Anh bạn này còn rất trẻ nhưng những bước nhảy thật điêu luyện. Anh giới thiệu cho tôi hiểu thêm "Hầu hết các điệu nhảy khác nhau được trình diễn tại lễ hội Pow Wow đều có nguồn gốc từ các bộ lạc đồng bằng của Canada và Hoa Kỳ". 

Bên cạnh những người nhảy mở đầu và kết thúc lễ hội, phổ biến nhất là khu vực ở giữa nhóm người ngồi chụm với nhau, nơi người đánh trống sẽ hát một bài hát và bất cứ ai muốn có thể đến và cùng khiêu vũ. 

Những điệu nhảy phổ biến là những điệu nhảy vòng tròn, nhảy kiểu chim quạ được đánh theo nhịp từ tiếng trống ở phía Bắc hoặc nhảy theo bài hát lấy trộm ngựa từ tiếng trống phía Nam. Ngoài ra còn có bước nhảy "nhịp đôi", nhảy "rón rén" truyền thống dành cho phụ nữ và nhảy "bước ngang" dành cho các bài hát ngắn. 

Mỗi bài hát đều có một cách nhảy khác nhau nhưng luôn chào đón người tham gia nhảy theo bất kỳ phong cách nào. Wahwasuck còn giải thích thêm về trang phục truyền thống của nam nữ khi tham gia lễ hội, về chiếc khiên đeo sau lưng để tạo sự huyên náo, về những họa tiết được thêu trên quốc phục hay về chiếc mũ mà người đàn ông da đỏ hay đội được làm từ lông nhím, lông hươu.

Độc đáo lễ hội ‘Pow Wow’ của người da đỏ - Ảnh 8.

Vừa được hướng dẫn theo các điệu nhảy, tôi còn học thêm các nguyên tắc khi tham gia nhảy trong lễ hội như là không được gọi những bộ áo quần người biểu diễn đang mặc là "Trang phục" (costume) mà phải gọi là "Quốc phục" (Regalia) bởi sự khác nhau ở chỗ "Trang phục" có thể sản xuất hàng loạt còn "Quốc phục" là do cả dòng họ, gia đình làm nên và có thể mất hàng nhiều năm để hoàn thành. 

Vì vậy tuyệt đối không được chạm vào bộ Quốc phục của họ khi đang nhảy. Hoặc nếu người lớn tuổi mời nhảy cùng thì sẽ rất khiếm nhã nếu từ chối hoặc trả lời là mình không biết nhảy. Hãy cùng tham gia, học nhún nhảy như là cơ hội để biết thêm về văn hóa của người da đỏ. 

Một điều nữa là không nên chỉ trỏ vào họ bởi đó cũng là điều không nên làm thể hiện sự không tôn trọng.

Nhấp một chén trà thơm từ bàn tay thô ráp của ông Esau, tôi ấp úng học nói tiếng "Cảm ơn" theo đúng ngôn ngữ của họ "Wado", "Miigwetch", "Mvto", "Masiem", "Shonabish", "Philámayaye", "Aweemiko", Yakoke", "Ahéhee’"! và mong một ngày sớm nhất nào đó những điệu nhảy của lễ hội Mùa xuân Pow Wow sẽ xuất hiện trong lễ hội Festival của thành phố Huế xinh đẹp.

QUỐC VINH (Hoa Kỳ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên