Nét độc đáo của những di tích, những nét mới, đặc trưng sông nước ở vùng đất này đang được "nâng cấp" để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trải nghiệm sông nước, làng nghề rất "Ngã Bảy"
Đến thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) vào những đầu hè mà vẫn cảm nhận sự mát rượi, hơi nước ngọt lành tại điểm hội tụ của bảy dòng sông thơ mộng, một vùng đất trù phú, yên bình.
Từ Cần Thơ di chuyển theo quốc lộ 1, chừng 30 phút là vào trung tâm thành phố Ngã Bảy, Già Lam Cổ Tự đã hiện ra trước mắt với kiến trúc độc đáo của Ấn Độ. Sân chùa nổi bật với tượng chú ngựa rắn rỏi, dũng mãnh, vốn là ngựa Xích Thố của Quan Công, người dân nơi đây quen gọi là chùa Con Ngựa.
Đồng thời, chùa cũng được du khách tặng danh tự "Độc tự nhất sư" vì chùa rộng, nhiều điểm nhất độc đáo như: có duy nhất vị sư trông coi, có nhiều tượng nhất miền Tây, tượng Xích Thố độc đáo nhất, chuông đồng nặng nhất... Có lúc các đoàn xe hành hương về chùa đậu nối dài hàng cây số trên quốc lộ.
Ông Lê Hoàng Xuyên - chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy:
Sẽ "đánh thức" du lịch Ngã Bảy
Đặc thù của Ngã Bảy là có một số vườn với loại cây ăn trái mà nơi khác ít trồng như chôm chôm, dâu, măng cụt… Hiện một số công ty lữ hành khai thác đường sông làm du lịch, mỗi tháng cũng có dẫn đoàn khách về tham quan những khu này.
Từ đầu năm đến nay thành phố đón trên 27.000 lượt du khách đến tham quan, tăng hơn 34%; doanh thu đạt hơn 14 tỉ đồng, tăng 440% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên điểm yếu của du lịch Ngã Bảy là khách hầu như không lưu trú nên nguồn thu ít. Theo báo cáo của Phòng Văn hóa Thông tin thành phố, trước đây khách du lịch thành phố chỉ tiêu tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Còn hiện tại mỗi du khách đã xài gần 500.000 đồng, tức là họ có lưu trú. Điều đó cho thấy tiềm năng của du lịch Ngã Bảy là rất lớn. Chính quyền địa phương rất muốn phát huy các giá trị du lịch của thành phố.
Một điểm yếu khác là người dân địa phương chưa biết cách làm du lịch. Thành phố có những làng nghề như nghề đan cần xé, đóng tàu, làm đồ lưu niệm như ly, cốc… có thể bán được nhưng thời quan chưa khai thác được.
Trong tháng 6 -2024 này thành phố sẽ có hội thảo để đánh giá tiềm năng, nghe thêm cách làm từ chuyên gia, giúp người dân sẽ hiểu làm du lịch thế nào. Ngoài ra, trong sự kiện lần này sẽ có công ty chạy tàu đưa khách đến các điểm du lịch miệt vườn.
Tiền thân của ngôi chùa là một am nhỏ được xây dựng năm 1940 và hiện đã sở hữu 180 bức tượng do nhiều người dân trong vùng đặt các nghệ nhân làm để cúng dường, mỗi tượng là một tuyệt tác gắn với một điển tích, một câu chuyện ly kỳ mà du khách có thể nghe vị sư nơi đây kể cả ngày không hết.
Chúng tôi di chuyển đến Cầu tàu chợ nổi, nơi đang có nhiều tàu chở hàng nông sản từ các nhánh sông của thành phố, tập kết hàng lên xe tải chở đi TP.HCM và các tỉnh.
Tại đây du khách có thể chụp ảnh lưu kỷ niệm nơi ra đời bài hát "Tình anh bán chiếu" nổi tiếng, hoặc đi bộ vài trăm bước chân để vào làng nghề đan cần xé, hoặc dừng chân tại cầu tàu này nhâm nhi cà phê ngắm tàu ghe xuôi ngược mênh mang, hoặc du khách thuê ghe bắt đầu ngao du thám hiểm bảy nhánh sông kỳ bí.
Anh lái tàu du lịch đưa chúng tôi đến tham quan chợ nổi Ngã Bảy. Miền Tây vốn có nhiều chợ nổi, nhưng có thể nói chợ nổi Ngã Bảy là bậc nhất một thời về quy mô, sự sung túc cũng như cái danh, cái thế của Ngã Bảy.
Năm 2016, chợ được di dời cách điểm cũ khoảng 3km, và không còn được nhộn nhịp như xưa, chính quyền thành phố Ngã Bảy đang phục dựng chợ nổi tại cầu tàu này.
Ngồi trên những chiếc xuồng bồng bềnh, chúng tôi được anh lái đò chở đến các đầu doi Tân Thới Hoà, doi Chành, doi Cát dài hơn 1km để tìm hiểu những làng nghề truyền thống một thời ăn nên làm ra như: làng nghề đóng ghe tàu, làng hầm than củi... Rong ruổi trên sông, du khách cũng có thể thưởng thức món bánh xèo với đủ loại rau vườn, đặc sản các loại cá đồng, ốc thiên nhiên...
Hút hồn với những vườn dâu trĩu quả
Hiện Ngã Bảy có nhiều điểm du lịch homestay miệt vườn và trên 20 điểm du lịch vườn cho trái gần quanh năm (dâu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt...), đủ để du khách tham quan mùa nào trái ấy, tập trung gần trung tâm thành phố Ngã Bảy và xã nông thôn mới Tân Thành.
Cách làng nghề cần xé chỉ một chiếc cầu bắc qua quốc lộ, vườn dâu Thiên Ân rộng đến 5ha, được xem là vườn cây trái rộng nhất tỉnh Hậu Giang, với nhiều trái cây khác nhau nhưng nhiều nhất là dâu Hạ Châu, dâu Xiêm...
Đến đây du khách sẽ ngạc nhiên với bạt ngàn cây dâu mà từ gốc lên 2/3 thân cây được phủ màu vàng ươm của các chùm dâu. Du khách dễ dàng tận tay hái và thưởng thức những trái dâu chín ngọt. Chị Lê Thị Kim Thơi - du khách đến từ TP.HCM - cho biết gia đình chị chọn du lịch Ngã Bảy vì nơi đây thuận giao thông, có thể kết hợp tham quan mũi Cà Mau trong chuyến du lịch.
* TS Trần Hữu Hiệp - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long:
Cần khôi phục, phát huy giá trị chợ nổi bảy dòng sông hội tụ
Từ góc nhìn du lịch, theo tôi, tỉnh Hậu Giang nói chung, thành phố Ngã Bảy nói riêng cần làm một số việc để du lịch Ngã Bảy thật sự đột phá, mang nét riêng của xứ sở "Tình anh bán chiếu" để thu hút du khách mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ nhất, cần xây dựng, phát triển thương hiệu Ngã Bảy bằng cách khôi phục, phát huy giá trị chợ nổi, bảy dòng sông hội tụ. Thứ hai, hình thành các tuyến điểm du lịch kết nối Lung Ngọc Hoàng, du lịch đường thủy với sông Hậu, du lịch miệt vườn, làng nghề, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Thứ ba, cần tổng kết nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ trước về định hướng xây dựng, phát triển thành phố Ngã Bảy, trong đó chọn du lịch là khâu đột phá phát triển.
Đồng thời gia đình muốn đến tận bến sông nơi ra đời bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" và cho các con tìm hiểu về bảy nhánh độc đáo này.
"Hơn nữa về đây, các con tôi có thể đạp xe, câu cá, tát cá, tắm sông thỏa thích, thưởng món ngon dân dã", chị Thơi nói.
Không chỉ níu chân du khách với sông nước, với vườn cây ăn trái, Ngã Bảy còn có những làng nghề truyền thống để du khách có một trải nghiệm khó quên. Làng nghề đan cần xé nằm dọc bờ kênh xáng Cái Côn, trải dài khoảng 2km là làng nghề truyền thống đan cần xé thủ công của hàng trăm hộ dân thuộc khu vực 6, phường Ngã Bảy.
Bước chân đến làng nghề này, du khách sẽ cảm nhận được nét chân quê của bà con nơi đây.
Dù bận rộn, người chẻ tre, vót nan, người "nọ" đan, người làm quai… để kịp hoàn thiện sản phẩm cung ứng ra thị trường, nhưng du khách đến sẽ được bà con chào đón bằng nụ cười đôn hậu, và sẵn sàng "cầm tay" giúp du khách thử tài đan lát.
Bà Nguyễn Thị Lý - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang - cho biết tỉnh ưu tiên cho phát triển du lịch chợ nổi Ngã Bảy để xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
"Đầu tư xây dựng phát triển một số công trình trọng điểm như: đài quan sát bảy nhánh sông từ trên cao, phục dựng chợ nổi Ngã Bảy, đồng thời xây dựng hệ thống bờ kè các doi ở Ngã Bảy để phục vụ phát triển du lịch sông nước. Nâng cấp công trình cầu tàu, bờ kè, các tàu mô hình tại điểm phục hồi chợ nổi Ngã Bảy", bà Lý nói.
* Địa danh với nhiều câu chuyện ly kỳ
Ngã Bảy - Phụng Hiệp, một địa danh với rất nhiều điều đặc biệt, ngồn ngộn câu chuyện ly kỳ thú vị. Đầu thế kỷ XX, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, người Pháp tiến hành đào kênh xáng kết hợp mở lộ (dưới có kênh, trên có lộ). Nhìn từ trên cao bảy con kênh chụm lại như ngôi sao bảy cánh, với tên gọi các dòng kênh là: Cái Côn, Mang Cá, Lái Hiếu, Búng Tàu, Mương Lộ, Xẻo Vông, Xẻo Môn. Thế nên người Pháp còn gọi là "Ngôi sao Phụng Hiệp".
Các địa điểm du lịch:
- Cầu Tàu Chợ nổi Ngã Bảy
- Khu di tích lịch sử cấp quốc gia "Ủy ban liên hợp đình chiến Nam Bộ"
- Đình Thần Phụng Hiệp
- Làng nghề đan cần xé
- Chùa Giác Long Cổ tự
- Chùa Giác Long
- Chùa Vĩnh Hiệp
- Nhà thờ Thái Hải
- Nhà thờ Nữ Vương hòa bình
Các điểm du lịch miệt vườn: Hơn 20 địa điểm
Dịch vụ ăn uống và sản phẩm lưu niệm:
- Khu chợ đêm Ngã Bảy, phố đêm ẩm thực Ngã Bảy
- Sản phẩm OCOP: rượu Cam sành Thành Phát, rượu Bách Nhật, trà gấc, kem gấc.
- Bún tươi, bún khô khoai lang Huỳnh Đức, bánh tráng Lộc Phát
- Nón lá Ngã Bảy, cần xé, rổ, thúng
- Coffee Like: trưng bày hơn 700 máy ảnh cổ, với 100K, du khách được tặng 30 kiểu ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận