Các giảng viên và sinh viên nhiều thế hệ của Trường đại học Nha Trang đã dày công lặn lội đến nhiều vùng đất xa xôi để sưu tầm, khôi phục những ngư cụ cổ mà nay không còn hoặc hiếm thấy trong nghề cá Việt Nam cùng với những hiện vật nghề cá hiện đại, lập thành Bảo tàng Ngư cụ thuộc Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản của trường.
Hơn 100 mẫu vật hiếm thấy ở Bảo tàng Ngư cụ
Theo các giảng viên, từ năm 2007, Trường đại học Nha Trang chuyển phòng trưng bày ngư cụ thành bảo tàng với diện tích gần 500m2, bổ sung nhiều hiện vật để những đoàn khách tham quan, chiêm ngưỡng.
Thầy Nguyễn Viết Hùng, người quản lý bảo tàng, cho biết các mẫu vật được chia thành năm nhóm, gồm: ngư cụ đóng, ngư cụ lọc, ngư cụ kéo, ngư cụ cố định, ngư cụ bẫy và ngư cụ câu.
Chỉ tay vào chiếc dậm đánh cá được đan bằng tre, thầy Hùng nói: "Nhìn đơn giản vậy thôi chứ để tạo đúng mẫu này phải mất cả tháng trời. Đây là loại ngư cụ phổ biến ở miền Bắc dùng để đánh bắt các loài thủy sản ở những nơi nước không quá sâu, bây giờ hầu như ít ai dùng đến. Để có mẫu vật này chúng tôi phải ra tận Thái Bình xem mẫu vật gốc rồi ghi lại cả quá trình đánh bắt của người dân".
Theo thầy Hùng, làm bảo tàng là làm văn hóa, nên cái khó nằm ở chỗ phải dày công nghiên cứu. Có một số mẫu vật không còn nữa, cộng với nguồn tài liệu khan hiếm nên rất khó có thể phục chế lại.
Ở đây, bạn có thể nhìn thấy cái bẫy ốc để bắt bạch tuộc, chiếc la bàn, cây đèn bão đã hoen gỉ, những tấm lưới đăng, Lộ Hạc thuyền (phương tiện đánh bắt phổ biến vào thế kỷ 15 tại Đà Nẵng)... Cạnh mỗi mẫu vật đều được chú thích tên, công dụng, kết cấu để người xem hiểu rõ hơn.
Thầy Hùng nói mẫu vật kỳ công và mất nhiều thời gian bố trí nhất của Bảo tàng Ngư cụ là sa bàn nội đồng với các vùng nước như ao hồ, đầm phá, tương ứng là những loại ngư cụ đặc trưng theo từng vùng.
"Chúng tôi không chỉ muốn tái hiện lịch sử khai thác thủy sản, mà còn muốn khẳng định vị trí lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, qua đó giúp sinh viên, du khách khi đến đây sẽ biết thêm nhiều kiến thức và hiểu giá trị nghề cá" - thầy Hùng chia sẻ.
Điểm tham quan, học thuật đầy thú vị
Bảo tàng Ngư cụ còn là địa điểm tham quan, học tập lý thú dành cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và du khách. Với những môn học cần quan sát trực tiếp, thay vì phải ra các cảng biển hoặc vùng có ngư cụ cần tìm hiểu, sinh viên chỉ cần đến bảo tàng để trực tiếp quan sát, tìm hiểu thông tin.
Việc này càng thêm ý nghĩa đối với nhu cầu tìm hiểu những ngư cụ cổ xưa không còn thông dụng.
Bạn Nguyễn Quỳnh Như, sinh viên ngành kinh doanh thương mại Trường đại học Nha Trang, thích thú chia sẻ: "Tuy không học môn liên quan đến thủy sản, nhưng khi đến đây ngắm nhìn các hiện vật tôi rất ấn tượng, nhất là bản đồ Việt Nam có gắn đèn LED được đặt giữa phòng".
Tiến sĩ Huỳnh Lê Hồng Thái - trưởng bộ môn kỹ thuật tàu thủy (khoa kỹ thuật giao thông Trường đại học Nha Trang) - cho hay bên cạnh nghiên cứu khoa học, bảo tàng còn giáo dục tri thức biển cho thế hệ trẻ.
Theo thầy Thái, một số mẫu tàu đang trưng bày tại bảo tàng do sinh viên và giảng viên của khoa thực hiện.
"Việc thực hiện mô hình tàu thuyền giúp sinh viên vận dụng lý thuyết vào thực tế. Từ những sản phẩm đó, các em hiểu và yêu hơn những công cụ khai thác đánh bắt của cha ông" - thầy Thái nói.
Hiện Bảo tàng Ngư cụ liên tục bổ sung các mẫu vật của nghề khai thác thủy sản không chỉ của dân tộc Kinh mà còn của các dân tộc Chăm, Raglai và những dân tộc khác.
Ông Võ Thiên Lăng - phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - đánh giá: "Tôi đã có dịp đến thăm Bảo tàng Ngư cụ của Trường đại học Nha Trang. Tuy không phải là những người làm bảo tàng chuyên nghiệp, nhưng thầy và trò nơi này đã tạo ra một bảo tàng rất giá trị, có ý nghĩa. Bảo tàng là cách để sinh viên đi từ lý thuyết đến thực tế về nghề khai thác thủy sản".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận