Trong thế giới võ hiệp của Kim Dung có nhiều loại võ công lợi hại và đặc sắc. Tuy nhiên, để có thể danh trấn giang hồ, đả bại quần hùng, các cao thủ võ lâm gần như chỉ sử dụng loanh quanh vài món công phu tối thượng như Cửu Dương thần công, Cửu Âm chân kinh, Quỳ Hoa bảo điển, Lục Mạch thần kiếm, Dịch Cân Kinh hay Độc Cô cửu kiếm.
Trong số này, Lục Mạch thần kiếm và Dịch Cân Kinh tuy lợi hại nhưng xét về mặt võ học, lại không thể được xem là võ công có thể giúp người sử dụng một mình đả bại tất cả. Một vũ khí khác cũng khá lợi hại đó là Ảm nhiên tiêu hồn chưởng của Dương Quá.
Tuy nhiên, nếu nói Dương Quá có thể dùng môn võ công này để xưng bá thiên hạ thì e là hơi quá lời. Cơ bản, đại hiệp mất một tay của bộ Thần Điêu Đại Hiệp cũng chưa bao giờ sử dụng nó để danh trấn giang hồ.
Vì vậy, những thứ võ công còn lại có thể được lọt vào vòng chung kết về độ “vô đối” trong các tác phẩm của Kim Dung bao gồm Độc Cô cửu kiếm, Cửu Dương thần công, Giáng Long Thập Bát Chưởng, Cửu Âm chân kinh và Quỳ Hoa bảo điển.
Đầu tiên là Quỳ Hoa bảo điển. Đây là thứ võ công có phần quái đản nhưng lại mang đến cho người sở hữu một sức mạnh vô địch. Trong Tiếu ngạo giang hồ, ba đại cao thủ là Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành và Hướng Vân Thiên cùng Nhậm Doanh Doanh lên Hắc Mộc Nhai để tiêu diệt Đông Phương Bất Bại, giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo.
Nhưng Đông Phương Bất Bại chỉ bằng một chiếc kim thêu cũng đủ sức đánh cho Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành và Hướng Vân Thiên xấc bấc xang bang.
Tốc độ là điểm mạnh nhất của Quỳ Hoa Bảo Điển. Môn võ công này không phải không có sơ hở, nhưng vì tốc độ quá nhanh chỉ để lại tàn ảnh nên có tìm được yếu điểm cũng không dễ dàng khai thác.
Lệnh Hồ Xung là người hiểu rõ nhất điều này. Anh học được Độc Cô Cửu Kiếm nên nhìn ra sơ hở của Quỳ Hoa Bảo Điển nhưng không thể đánh trúng Đông Phương Bất Bại vì y ra chiêu quá nhanh.
Cửu Âm chân kinh là một môn võ bá đạo khác. Theo lời Chu Bá Thông, đây là tác phẩm của kỳ nhân Hoàng Thường, một vị quan đời Tống. Trong quá trình tu luyện trên núi ông đã tạo ra thứ võ công này dựa trên đạo lý võ học Đạo gia. Tuy nhiên, Hoàng Thường chưa có cơ hội sử dụng vì khi đó ông và các kẻ thù đã sắp “chầu ông vải”.
Trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên, Trung Thần Thông Vương Trùng Dương đánh bại Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế và Bắc Cái và giành được Cửu Âm chân kinh, nhưng ông không luyện tập mà giao lại cho Chu Bá Thông.
Thực tế, Chu Bá Thông cũng chưa bao giờ sử dụng Cửu Âm chân kinh để xưng bá quần hùng. Người dùng nó phổ biến nhất có lẽ cặp vợ chồng Hắc Phong Song Sát, sau này có thêm hậu duệ của Dương Quá và Tiểu Long Nữ hay Chu Chỉ Nhược.
Tuy nhiên, Kim Dung chưa bao giờ cho các nhân vật này sử dụng hết độ lợi hại của Cửu Âm chân kinh nên cũng khó mà nói đây là môn võ không ai địch nổi.
Cửu Dương thần công là bí kíp nội công đỉnh nhất trong Ỷ Thiên Đồ Long ký. Trương Tam Phong của Võ Đang hay Quách Tương của Nga Mi đều nhờ vào căn bản của Cửu Dương thần công mà uy trấn giang hồ.
Người lĩnh hội đầy đủ nhất Cửu Dương thần công là Trương Vô Kỵ nhờ tình cờ phát hiện bí kíp trong bụng con khỉ lớn sống nơi hẻm núi. Nhờ Cửu Dương thần công, Trương Vô Kỵ luyện thêm Càn Khôn Đại Na Di hay Thái Cực quyền.
Dù cũng là nội công như Dịch Cân Kinh, nhưng Cửu Dương thần công được Kim Dung cho chinh chiến khá nhiều và thể hiện sự vô đối qua nhân vật Trương Vô Kỵ. Tuy nhiên, chính Trương Vô Kỵ cũng chỉ dùng Cửu Dương thần công để bổ trợ cho việc học các môn võ khác, nên khó mà nói đây là môn võ mạnh nhất trong thế giới của Kim Dung.
Cuối cùng được đánh giá cao nhất, theo quan điểm của người viết phải là Độc Cô cửu kiếm. Đầu tiên, phải nói về việc Độc Cô cửu kiếm chính là kiếm thuật có thể dùng để khắc Quỳ Hoa bảo điển, một thứ võ bá đạo khác.
Nếu trong cuộc đấu với Đông Phương Bất Bại, người xài Độc Cô cửu kiếm là Độc Cô cầu bại chứ không phải Lệnh Hồ Xung thì họ Đông thua chắc.
Độc Cô cửu kiếm được xem là đỉnh cao nghệ thuật kiếm pháp trong thế giới của Kim Dung. Độc cô cửu kiếm dựa trên triết lý cao thâm của Đạo gia để hình các chiêu pháp sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt theo phương châm "dùng vô chiêu thắng hữu chiêu".
Trong tiểu thuyết Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại chỉ xuất hiện qua lời kể của các nhân vật khác như Phong Thanh Dương trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ và trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ khi con Thần Điêu, người bạn trong những năm còn sống của Độc Cô cầu bại đã đưa Dương Quá đến mộ ông. Dương Quá nhờ đó học được một phần Độc Cô cửu kiếm và “ẵm” luôn cây kiếm được chôn cùng.
Độc Cô cửu kiếm của Độc Cô Cầu Bại gần như được Kim Dung mô tả là vô song và “không đối thủ”. Chừng đó cũng đủ nói lên độ bá đạo của môn võ này. Đây gần như là võ công duy nhất qua lời văn của Kim Dung là chưa hề bị đánh bại và không có nhược điểm.
Tất nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng Kim Dung đã mô tả Độc Cô cửu kiếm bá đạo đến mức thái quá. Làm gì trên đời này có thứ võ công “vô đối” và không nhược điểm? Nhưng mà Kim Dung lại thích thế mới đau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận