Thầy giáo Nguyễn Văn Lực dạy giáo dục công dân bằng những câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: NVCC
Sáng 3-3 vào lớp 8/5 để dạy môn giáo dục công dân (tiết 23, bài 16) "Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác...", tôi đem theo ba tờ báo Tuổi Trẻ để làm tư liệu dạy học bởi thấy chúng chứa nhiều thông tin thời sự phù hợp với nội dung bài dạy hôm nay.
Thay vì cho học sinh đọc phần "đặt vấn đề" trong sách giáo khoa trang 44, 45 như thường lệ, tôi quyết định dùng ba tờ báo Tuổi Trẻ để dạy bài 16 thay vì dạy theo sách giáo khoa. Không biết mình có mạo hiểm không nhưng tôi vẫn quyết định thực hiện.
Mở đầu tôi đọc thông tin trên báo Tuổi Trẻ số 51/2018 ngày 28-2: "Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho học sinh không tham của rơi". Thấy các em lắng nghe chăm chú, tôi tiếp tục đọc tờ báo Tuổi Trẻ số 52/2018 ngày 1-3 với bài "Những mầm thiện trong sáng".
Sau khi đọc xong thấy cả lớp im lặng, với kinh nghiệm dạy học lâu năm tôi hiểu được sự im lặng khác thường này của các em. Chắc chắn đó là sự thán phục, kính nể của học sinh dành cho em Đỗ Văn Bằng, lớp 10A8 Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã trả lại hơn 40 triệu đồng cho người mất và em Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng trả lại 44 triệu đồng cho người mất.
Sau đó, cả lớp xôn xao bàn tán sôi nổi. Tôi hỏi: "Em nào cho thầy biết việc anh Bằng và em Nam trả lại số tiền nhặt được cho người mất thể hiện đức tính gì?". Nhiều cánh tay giơ lên và nhiều câu trả lời: "Tính trung thực, tính thật thà, tính liêm khiết, tính dũng cảm..." Tôi tiếp tục hỏi: "Nếu như nhặt được số tiền lớn như vậy, các em sẽ làm gì?"; "Vì sao phải trả lại số tiền mình nhặt được?"...
Với phương pháp đàm thoại diễn ra suốt 45 phút, nội dung diễn ra xung quanh hai câu chuyện trả lại tiền nhặt được cho người đánh rơi, có thể nói đó là tiết học giàu cảm xúc và ấn tượng nhất đối với tôi trong 32 năm giảng dạy môn giáo dục công dân ở Trường THCS Trịnh Phong.
Cảm nhận những cung bậc cảm xúc hân hoan, vui vẻ, ngưỡng mộ... hiện trên những khuôn mặt ngây thơ của học sinh, tôi biết đó là sự thành công của tiết dạy. Bởi dạy môn giáo dục công dân, theo tôi, chính là dạy đạo lý làm người cho các em.
Với không khí thích thú vì các em được nghe thầy đọc báo mà không cần phải ghi chép bài, tôi mạnh dạn trích đọc tiếp thông tin trên báo Tuổi Trẻ số 52/2018 ngày 1-3: "Phát hiện 94 người chưa đủ chuẩn GS, PGS" nhưng câu chuyện này ít được học sinh hào hứng bàn tán như hai câu chuyện trả lại tiền, có thể vì không gần gũi với các em như chuyện học sinh nhặt của rơi trả lại cho người mất.
Thú thật đây là lần đầu tiên tôi thoát ly khỏi giáo án và sách giáo khoa, dùng báo Tuổi Trẻ làm nguồn tư liệu chính để dạy cho học sinh, nhưng thật sự những câu chuyện đăng trên báo đáng đưa vào giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong môn giáo dục công dân ở trường.
Tôi tin học sinh mình sẽ hứng thú học, và tin những câu chuyện thực ấy dễ đi vào nhận thức của các em hơn là những khẩu hiệu, tuyên truyền, lý thuyết suông (nghe - chép, đọc - chép).
Chắc chắn bài học công dân hôm nay từ báo Tuổi Trẻ, thông qua người thầy, sẽ cho các em sự nhận biết, thông hiểu để vận dụng vào cuộc sống. Các em sẽ có cảm nhận thế nào là sự trung thực trong nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác (cũng là mục tiêu cần đạt được của bài giáo dục công dân số 16).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận