Công trình Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) bản tiếng Việt ra mắt đúng dịp tròn 400 năm (1624-2024) ngày linh mục Alexandre de Rhodes - người có đóng góp quan trọng vào việc sáng tạo chữ quốc ngữ - đặt chân đến Hội An.

"Tôi coi đó là duyên lành trên hành trình nghiên cứu của mình" - TS Phạm Thị Kiều Ly, tác giả công trình này, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động - Ảnh 1.

* Cuốn sách đã ra mắt tại Việt Nam với bản tiếng Việt. Cảm xúc của chị lúc này như thế nào?

- Tôi bắt tay vào nghiên cứu chữ quốc ngữ từ năm 2014. Cuốn sách này bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của tôi ở Đại học Sorbonne nouvelle năm 2018. Sau đó tôi tiếp tục chỉnh lý và cập nhật, và được NXB Les Indes Savantes xuất bản năm 2022 tại Pháp.

Không chỉ cảm thấy vinh dự và hạnh phúc, tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi đọc bản thảo bằng tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của tôi. Cho dù có nói và viết tiếng Pháp tốt đến đâu, việc được đọc công trình của mình bằng tiếng mẹ đẻ vẫn khiến tôi rất cảm động.

Cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ này trước tiên là dành cho người Việt, bởi viết về lịch sử chữ viết mà chúng ta tuy vẫn dùng hằng ngày nhưng lại ít khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó.

* So với nghiên cứu của các học giả đi trước, công trình của chị có mốc thời gian sớm hơn và khung thời gian rộng hơn, lý do chính là gì?

- Khi nghiên cứu về chữ quốc ngữ, các học giả trước tôi thường chỉ quan tâm tới một giai đoạn với mục đích cụ thể. Ví dụ, nhà nghiên cứu Đỗ Quang Chính vốn là một linh mục dòng Tên đã xuất bản cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ vào năm 1972 với mốc thời gian 1620 - 1659 (thời kỳ đầu truyền giáo của dòng Tên tại Việt Nam).

Sau đó, các công trình của giáo sư Roland Jacques tập trung nghiên cứu vai trò của người Bồ Đào Nha trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ, có nghĩa cũng vào thời kỳ đầu khi các thừa sai Bồ Đào Nha tới Việt Nam và tiến hành ghi tiếng Việt bằng văn tự Latin.

Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động - Ảnh 2.

Một số nhà nghiên cứu khác như Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Võ Long Tê cũng đã có những công trình nghiên cứu về quá trình sáng tạo và phát triển của chữ quốc ngữ dựa trên những tư liệu mà các ông sưu tầm được. Cho nên các mốc thời gian đôi khi lại là mốc của một văn bản quan trọng nào đó.

Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá dành cho mình.

Khi bắt đầu làm luận án tiến sĩ, tôi hiểu rằng quá trình các thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin nằm trong trào lưu chung của ‘ngữ học truyền giáo’ từ thế kỷ 16. Nghĩa là các thừa sai đã có một phương pháp học tiếng khá bài bản.

Khi họ tiếp xúc với người bản xứ, họ đã biết cần phiên âm tiếng đó bằng mẫu tự Latin để cho dễ học. Chính vì vậy tôi đã lấy mốc thời gian là năm 1615 vì đó là năm các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên tới Đàng Trong.

Khi đi tìm tư liệu tại các trung tâm lưu trữ ở châu Âu, tôi đã sưu tầm được khá nhiều văn bản viết tay cho phép tái hiện một cách khá trọn vẹn lịch sử chữ viết hệ Latin của tiếng Việt. Tôi chọn khung thời gian nghiên cứu từ năm 1615 - 1919 vì muốn khảo sát quá trình hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ cũng như những nhân tố như tôn giáo, chính trị, giáo dục… ảnh hưởng tới số phận của chữ viết này.

Tôi chọn thời điểm kết thúc kỳ thi Hội năm 1919 để kết thúc nghiên cứu vì 1919 là năm cuối cùng tổ chức khoa thi Hội ở kinh đô Huế; đánh dấu sự kết thúc của việc cần thiết phải thông thạo chữ Hán, bên cạnh chữ quốc ngữ, trong triều đình. Lựa chọn mốc này vì tôi và thầy mình - giáo sư Dan Savatovsky - không chỉ muốn nghiên cứu về lịch sử của chữ viết mà còn cả lịch sử mang tính xã hội của việc thực hành viết và đọc.

Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động - Ảnh 3.

Tác giả Phạm Thị Kiều Ly tại Domaine de Rhodes ở Avignon tháng 6-2024 - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Lịch sử chữ quốc ngữ hay quá trình văn tự Latin hóa tiếng Việt diễn ra song hành với lịch sử truyền bá Kitô giáo vào Việt Nam, nối tiếp là lịch sử thực dân với các vấn đề giáo dục, báo chí, hành chính… nói chung là một câu chuyện liên ngành. Quá trình từ luận án thành sách có khiến chị gặp trở ngại gì không?

- Tôi đã dành gần 5 năm để hoàn thành luận án. Hai năm đầu tôi học tiếng Latin và tiếng Bồ Đào Nha để có thể tiếp cận các văn bản gốc liên quan đến chữ quốc ngữ; tham dự các buổi seminar về lịch sử Việt Nam ở Paris và theo học một khóa đọc các văn bản cổ ở Sorbonne. Tôi đi sưu tầm tư liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ ở Lisbon, Roma, Madrid, Ávila, Lyon, Paris.

Luận án khi bảo vệ dày 640 trang, nghiên cứu cả về lịch sử biên soạn ngữ pháp của tiếng Việt và lịch sử chữ quốc ngữ nên nếu xuất bản hết sẽ bị dàn trải, tôi quyết định chuyển phần lịch sử chữ viết thành sách.

*Nguồn tham khảo là một điểm nhấn quan trọng của công trình nghiên cứu này với các tài liệu gốc, thư từ khai thác được từ các thư viện Tòa thánh Vatican, Văn khố bí mật Vatican, Văn khố Thánh bộ Truyền bá Đức tin… Các thủ bản và Văn bản Macao 1632 có vai trò đặc biệt gì, thưa chị?

- Thủ bản viết ở Macao năm 1632 gồm có bản Kinh lạy cha bằng tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Việt cùng một bản mô tả các đặc điểm chính của các ngôn ngữ trên. Thủ bản này được lưu trữ tại phông lưu trữ của dòng Tên tại Roma (ARSI, Jap-Sin 194, fol. 005r-011v).

Giáo sư Savatovsky thầy tôi gọi đây là "phiến đá Rosetta"(*) về cách ghi ba ngôn ngữ Viễn Đông có lượng người nói nhiều nhất. Kế hoạch dịch bản Kinh lạy cha và đối chiếu ba ngôn ngữ đã được khởi thảo vào năm 1630 và hoàn thành sớm nhất vào năm 1632.

Thủ bản Macao 1632 quan trọng ở hai khía cạnh: hoàn cảnh ra đời của thủ bản đó và chính nội dung thủ bản. Năm 1629, các nhà truyền giáo dòng Tên bị trục xuất khỏi Đàng Trong và trở về Macao qua ngả Champa vào tháng 8-1630. Các anh em đồng tu của họ ở Đàng Ngoài cũng buộc phải chạy trốn vào tháng 5-1630 vì những cấm đoán của chúa Trịnh.

Tất cả linh mục dòng Tên hoạt động ở hai miền đã trở về trường São Paolo ở Macao cùng năm đó.

Ở đó họ gặp những thừa sai từng đi sứ vụ ở Trung Hoa và Nhật Bản. Đây chính là cơ hội để thảo luận các phương pháp ghi các âm, lĩnh vực mà các nhà truyền giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản đang đi trước các anh em đồng tu tại Đại Việt. Sự hợp tác của họ tạo nên thành quả là văn bản Macao.

Tháng 2-1631, các giáo sĩ được phép trở lại Đàng Ngoài và tiếp tục sứ vụ. Nhờ cuộc hội ngộ ở Macao, họ đã có thể hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ học. Quá trình văn tự Latin hóa tiếng Đàng Ngoài vì thế cũng đạt được những tiến bộ lớn, bằng chứng là trong văn bản năm 1631 của António de Fontes, ta thấy vị thừa sai này đã tìm đủ 5 dấu thanh để ghi 6 thanh điệu của tiếng Việt và đủ ký tự để ghi hệ thống nguyên âm.

Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động - Ảnh 4.

* Các phông tư liệu nói trên đang tồn tại khắp nơi từ Rome đến Lisbon, Madrid, Paris… có thể coi là "tài liệu gốc" cả trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm khai thác các phông lưu trữ này?

- Tôi xin phép giải thích sơ qua vì sao tài liệu liên quan đến lịch sử chữ quốc ngữ nói riêng và lịch sử xã hội, văn hóa của Việt Nam nói chung lại nằm rải rác ở các phông lưu trữ tại châu Âu.

Đầu tiên cần kể đến các thủ bản của dòng Tên. Khi đó, các thừa sai cần viết báo cáo hằng năm hoặc hằng quý, mỗi thủ bản cần sao chép thành 3 bản: bản gốc thường do chính tác giả viết ký hiệu là 1avia, bản sao có thể do chính tác giả hoặc thợ chép chép lại đặt ký hiệu là 2avia, 3avia.

Vì thời đó đi lại khó khăn, tàu có thể bị đắm nên cần 3 bản để ít nhất có 1 văn bản đến được đích. Các báo cáo được gửi về trường Tổng ở Roma và có thêm bản lưu tại trường dòng Tên São Paolo tại Macao.

Năm 1742, Hàn lâm viện Hoàng gia về Lịch sử Bồ Đào Nha cử một nhóm tu sĩ và nhà bác học tới Macao để chép tài liệu lưu trữ tại trường São Paolo, năm 1759 dòng Tên bị tạm thời giải thể, các tu sĩ vẫn kịp gửi tài liệu tới Manila.

Rồi khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia nhau tài liệu, một phần tư liệu được lưu trữ tại Madrid, còn thư viện Ajuda tại Lisbon lưu giữ 61 tập tài liệu (khoảng 60.000 trang), trong đó có 41 tập liên quan đến Việt Nam.

Thời đó dòng Tên hoạt động dưới sự bảo trợ của vua Bồ nhưng lại chịu sự quản lý của Thánh bộ Truyền bá Đức tin (Propaganda Fide) tại Roma, nên các thừa sai dòng Tên cũng gửi cả báo cáo về Thánh bộ Truyền bá Đức tin. Ngoài ra lịch sử truyền giáo ở Việt Nam còn gắn với Hội thừa sai Paris, dòng Đa Minh (trụ sở tại Ávila)… nên việc thu thập tài liệu tại các phông lưu trữ này là cần thiết. Chúng ta cũng cần kể đến thời thuộc địa với các phông lưu trữ tại Việt Nam và Aix-en-Provence (Pháp)…

Dòng Tên gần như đã số hóa hết tài liệu, tôi chỉ cần lựa chọn thủ bản để đặt mua (1 euro/trang đã số hóa, 2 euro/trang với tài liệu chưa số hóa). Với các lưu trữ khác tại Lisbon, Madrid, Vatican, quy trình tương tự, nhưng rẻ hơn một chút.

Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động - Ảnh 5.

Trang đầu tờ Gia Định báo, số ra ngày 1-2-1870, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam - Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp

* Các giáo sĩ dòng Tên và các linh mục Hội thừa sai Paris có sự chống đối nhau và khác biệt về mục tiêu đào tạo linh mục bản xứ người Việt nên đã thực hiện các chính sách ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên cả hai bên đều coi chữ quốc ngữ là công cụ hữu hiệu để học tiếng Việt. Vậy chữ quốc ngữ dưới thời Hội thừa sai đã phát triển và thay đổi vai trò như thế nào?

- Lịch sử chữ quốc ngữ dưới thời Hội thừa sai đã có những thay đổi đáng kể. Trước tiên về cách thức chữ quốc ngữ được dạy và sử dụng. Dưới chế độ padroado (bảo trợ) của Bồ Đào Nha, các thầy giảng người Việt được coi là trung gian giữa các linh mục người Âu và giáo hữu bản xứ.

Hội thừa sai được thành lập năm 1658 với tôn chỉ đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, tức cần đào tạo chủng sinh để rồi sẽ phong chức linh mục cho người Việt.

Vì tiếng Latin làm ngôn ngữ phụng vụ của Giáo hội nên trình đào tạo giới tăng lữ này nhất thiết phải bao gồm việc học tiếng Latin. Nhưng tiếng Latin rất khó học, vì vậy các giám mục người Pháp để các chủng sinh người Việt học cách viết tiếng Việt bằng ký tự Latin (chữ quốc ngữ), coi như một bước đệm để dễ bề học tiếng Latin.

Sau khi được thụ phong linh mục, các vị linh mục người Việt có vai trò ngang hàng với các linh mục châu Âu, nên họ có thể tự viết báo cáo gửi sang trụ sở của Hội thừa sai Paris. Nhưng vì các vị người Việt chưa đủ giỏi tiếng Latin để viết báo cáo, nên họ đã chọn viết bằng chữ quốc ngữ. Hiện ở văn khố của Hội thừa sai còn lưu trữ hàng trăm trang văn bản báo cáo của các vị linh mục người Việt.

Một thay đổi đáng kể nữa diễn ra trong thời kỳ này: chữ quốc ngữ trở thành một mật ngữ trong giao tiếp của giới tăng lữ Công giáo sau biến cố có tính giai thoại: năm 1685, trong một đợt cấm đoán, quân lính đã bắt giữ người phụ giúp cho một linh mục ở trấn Nghệ An, khi người này mang theo các báo cáo viết bằng chữ tượng hình và chữ châu Âu.

Quân lính mở bọc thư viết bằng chữ châu Âu. Vì họ không hiểu nên thả cho người giúp việc đi mà không hề để ý rằng trong tài liệu còn có cả chữ Hán hoặc chữ Nôm. Mà những tài liệu viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm lại chứa thông tin rất quan trọng, nếu bị lộ sẽ ảnh hưởng đến giáo hội non trẻ tại Việt Nam.

Ý thức được nguy hiểm vẫn tồn tại, Deydier - giám mục Đàng Ngoài - vội ra lệnh "từ nay khi viết thư nói về bất cứ điều gì liên quan tới thánh đạo, cần viết bằng chữ của châu Âu".

Do vậy, chữ quốc ngữ đã biến đổi vai trò: không chỉ là công cụ học tiếng của các giáo sĩ châu Âu, mà còn là công cụ được dùng để đưa tin tức nhạy cảm giữa các linh mục Đàng Ngoài và thừa sai người châu Âu.

Khi chữ quốc ngữ được dùng để viết báo cáo và các thông tin quan trọng thì việc tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho chủng sinh và linh mục cũng được chú trọng hơn, chữ quốc ngữ cũng được sử dụng rộng rãi hơn và hoàn thiện hơn.

Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động - Ảnh 6.

* Trong cuốn sách, chị đã phần nào khắc họa được vai trò hết sức quan trọng của các thầy giảng người Việt trong tiến trình hình thành và phát triển lịch sử chữ quốc ngữ, đặc biệt là các tài liệu của Filippe Bỉnh còn lưu lại. Trong bối cảnh khó khăn lúc bấy giờ, những vị này đã đánh đổi những gì?

-Mùa hè năm 2015, tôi qua lưu trữ Vatican làm việc và tiếp cận khoảng 40 tập tài liệu (mỗi tập từ 500-700 trang) của Filippe Bỉnh và các anh em đồng tu. Các tài liệu này được viết bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Latin và Bồ Đào Nha.

Filippe Bỉnh sinh năm 1759 tại Hải Dương, theo học một cha dòng Tên ở Đàng Ngoài từ năm 17 tuổi và được phong chức linh mục năm 1793. Trước tình thế dòng Tên bị giải thể từ năm 1759, Filippe Bỉnh có ý định đến Lisbon gặp vua Bồ để xin bổ nhiệm một giám mục đứng đầu các nhà truyền giáo dòng Tên đang ở châu Á.

Cùng với ba thầy Thomé Vincente Quình Nhân, Trung và Ngần, nhóm linh mục đã đến Lisbon năm 1796 và vào yết kiến vua Bồ, nhà vua không thể giúp họ nhưng cho phép cả đoàn ở lại Lisbon và chu cấp cho mọi sự.

Suốt 37 năm (1796-1833), Filippe Bỉnh cùng các anh em đồng tu đã thu thập và sao chép các từ điển, tác phẩm về lịch sử Việt Nam, về cuộc đời các thánh… Ngoài ra, ông cũng tự ghi chép về văn hóa, xã hội phương Tây và so sánh với phương Đông. Thành quả công việc của các vị ấy hiện đang được lưu giữ ở phông Fondo Borgiani Tonchinesi (thư viện Vatican).

Tôi đã rất cảm động khi đọc một số trang ghi chép của Filippe Bỉnh về các anh em đồng tu, từng thầy một bỏ ông ra đi, ông chỉ còn lại một mình, ông chua xót viết: "Tôi ghi chép lại mọi sự kể cả việc các thầy Nhân, thầy Ngần và thầy Trung mất trước tôi trong tập Truyện Anam Đàng Ngoài, Cuyển nhất [nguyên văn].

Tôi cũng chạnh lòng cho số phận mấy thầy trò chúng tôi, cả gan lặn lội qua xứ người, rồi bỏ xác ở lại nơi này. Không biết sau này có ai biết đến chúng tôi".

Đối với người Công giáo, việc được chết cho đức tin là một vinh dự, nhưng trong hoàn cảnh của Filippe Bỉnh, ông sống mấy chục năm ở xứ người và biết chắc sẽ không thể quay về quê hương được, chắc chắn khi viết những dòng trên, ông đã cảm thấy rất tủi thân và đau buồn.

Cũng may các tài liệu của các ông đã được gửi sang Vatican và thư viện đã lưu trữ cẩn thận, để hậu thế chúng ta biết được đã có những người Việt ra nước ngoài rất sớm và để lại nhiều di cảo quý.

* Chị kết thúc cuốn sách bằng cách đặt vấn đề ngữ pháp hóa các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, phải chăng để mở ra một nghiên cứu tiếp nối?

- Ý tưởng tiếp tục nghiên cứu các công trình ngữ học truyền giáo của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã manh nha từ khi tôi làm việc tại lưu trữ của Hội thừa sai Paris, biết rằng các thừa sai của Hội thừa sai đã tiến hành biên soạn ngữ pháp và sáng tạo chữ viết cho khoảng chục ngôn ngữ các dân tộc ở Tây Nguyên.

Từ vài năm nay, tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử biên soạn ngữ pháp và chữ viết Latin của tiếng Bahnar. Khi các linh mục của Hội thừa sai Paris đặt chân lên Tây Nguyên kể từ năm 1850, để có thể học tiếng Bahnar, họ đã ghi các âm của tiếng Bahnar bằng ký tự Latin và biên soạn ngữ pháp.

Trong số hơn 20 ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam đã có chữ viết hệ Latin, tiếng Bahnar là ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam được tạo chữ viết (chỉ sau tiếng Việt).

Tôi đã và đang thu thập tư liệu để viết và xuất bản chuyên khảo về ngữ pháp hóa tiếng Bahnar và nền giáo dục bằng tiếng Bahnar kể từ thời thực dân. Họa sĩ Tạ Huy Long và tôi cũng sẽ xuất bản một cuốn truyện tranh về Lịch sử chữ viết tiếng Bahnar. Sau chữ viết của tiếng Bahnar, tôi sẽ tiếp tục đến chữ viết của tiếng Jrai, Se-dang, Koho…

NGUYỄN QUANG DIỆU
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên