Hương án chùa Keo, tỉnh Thái Bình được người xưa chế tác công phu theo kiểu chân quỳ dạ cá - Ảnh: KHÁNH LINH
Hương án chùa Keo được làm bằng chất liệu gỗ sơn son, thếp vàng từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, với dạng hình hộp chữ nhật được kết cấu ba phần chính: mặt, thân và chân.
Hiện vật này có kích thước dài 227,0cm; rộng 156,0cm; cao 153,0cm với hình dáng đặc biệt kiểu chân quỳ dạ cá, trang trí hoa văn dày đặc với các họa tiết "lưỡng long chầu nguyệt", "long ẩn vân", "long giáng" cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu...
Hương án có 1.032 họa tiết được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu luyện, với tầng tầng lớp lớp hoa văn, tạo sự uy nghiêm cho nơi thờ tự - Ảnh: KHÁNH LINH
Ông Đỗ Quốc Tuấn - giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình - cho biết có ba điều tạo nên hình thức độc đáo của hương án chùa Keo, đó là kích thước lớn, hoa văn trang trí dày đặc và hệ thống bánh xe.
Người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng để tạo khối nổi, khối chìm, tạo ra tầng tầng, lớp lớp hoa văn tạo nên một hương án đặt ở nơi thờ tự tôn nghiêm - đền thờ Thánh chùa Keo, tỉnh Thái Bình.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, hương án chùa Keo, tỉnh Thái Bình được công nhận là bảo vật quốc gia - Ảnh: KHÁNH LINH
Đặc biệt, do có kích thước lớn và nặng nên dưới chân hương án còn được gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra, vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên.
Chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm (từ thế kỷ XVII đến nay), hương án chùa Keo Thái Bình vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Với các giá trị về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ, hương án chùa Keo Thái Bình cùng với 22 hiện vật thuộc các tỉnh, thành khác đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12-2021, lễ trao bằng được thực hiện trong ngày 5-10, đúng dịp khai hội chùa Keo mùa thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận