27/04/2025 21:16 GMT+7

Doanh thu dịch vụ du lịch dẫn đầu, vì sao doanh nghiệp vẫn lo?

Với doanh thu dịch vụ du lịch quý 1-2025 đạt 4,2 tỉ USD, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn. Liệu chiến lược dài hạn cho ngành du lịch có đủ sức để duy trì đà tăng trưởng ấn tượng này hay chỉ là giấc mơ tạm?

Doanh thu dịch vụ du lịch dẫn đầu, vì sao doanh nghiệp vẫn lo? - Ảnh 1.

Khách quốc tế thưởng thức ẩm thực Việt Nam - Ảnh: T.T

Quý 1-2025, doanh thu dịch vụ du lịch khởi sắc nhất, đạt 4,2 tỉ USD, chiếm 55,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước.

Đẩy mạnh xuất khẩu tập trung vào ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu dịch vụ như du lịch, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng ngành du lịch còn nhiều việc phải làm.

Lo chưa có chiến lược phát triển du lịch dài hạn cho thị trường chiến lược!?

Ngày 27-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Châu Á - nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Oxalis Group - cho rằng du lịch Việt Nam ở tầm vĩ mô, ông lo lắng vì Việt Nam chưa thực sự nghiên cứu về chiến lược phát triển du lịch dài hạn cho các thị trường chiến lược.

Ông Á lý giải: "Khi làm, sẽ có chiến lược quy hoạch, phát triển sản phẩm cho từng thị trường một cách rõ ràng hơn. Ví dụ nhu cầu của khách Á Đông khác hoàn toàn với nhóm khách Âu Mỹ.

Dễ thấy như Ba Na Hills, Phú Quốc là sản phẩm rất phù hợp với khách Á Đông (Hàn Quốc, Trung Quốc và khách nội địa). Trong khi đó nhu cầu trải nghiệm của khách thị trường Âu - Mỹ có phần khác hơn. Như vậy cần có một chiến lược quốc gia để phát triển sản phẩm phù hợp cho từng nhóm khách khác nhau".

Tương tự, dẫn ra ngôi làng du lịch Tân Hóa ở Quảng Bình cho khách Tây, ông Á nói ở Việt Nam có nhiều ngôi làng nông thôn, độc đáo kiểu khác. Nếu có chiến lược để bảo tồn và duy trì một chuỗi làng quê, sau này có thể phát triển du lịch cho khách Tây rất tốt.

"Những làng du lịch thế này là văn hóa, là bản sắc, là tập tục, là cảnh đẹp nông thôn, là cảnh trâu cày ruộng tìm khắp phương Tây sẽ không có. Còn tìm tòa nhà cao tầng màu mè thì họ có nhiều. Du lịch quan trọng nhất là sản phẩm, kế đến mới là marketing", ông Á nhấn mạnh.

Trong khi đó, luôn giữ mức độ tăng trưởng thị trường inbound trên 50% và là mục tiêu chiến lược kinh doanh trung hạn của doanh nghiệp, đại diện Vietluxtour cũng nhìn nhận tài nguyên du lịch có thể không thay đổi được nhưng tư duy phát triển kinh tế du lịch luôn cần đổi mới.

Đó là cần chiến lược phát triển lâu dài, khác biệt để khai thác các thị trường cũ và mới; du lịch Việt phải tạo sự khác biệt… kỳ vọng sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng và đạt thành quả mới.

Kiếm ngoại tệ dài lâu khi ngành du lịch biết dự báo, thích ứng

Nhìn ở góc độ phát triển chung, tiến sĩ Dương Đức Minh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - đánh giá xuất khẩu dịch vụ du lịch không đơn thuần bán tour hay cung cấp lịch trình, mà là "xuất" trải nghiệm tại chỗ cho khách quốc tế đến tiêu dùng ngay trên lãnh thổ mình, qua đó "xuất" ra thế giới hình ảnh đất nước.

"Cần xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu dịch vụ du lịch giai đoạn 2025-2035, với trọng tâm vào đổi mới sản phẩm, chuyển đổi số. Riêng chuyển đổi số cần được đẩy nhanh vào từ marketing, đặt dịch vụ, đổi tượng đáp ứng, đến quản trị hậu cần…

Khách đến Việt Nam không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng mà còn kèm nhu cầu kinh doanh, đầu tư… Để phát triển tài nguyên du lịch cần đồng đều từ chính sách quốc gia, hạ tầng vật chất, năng lực con người và trình độ ứng dụng công nghệ…", ông Minh nói.

Ngoài ra, theo ông Minh, để xuất khẩu trải nghiệm toàn diện, du lịch Việt Nam cần xây dựng năng lực dự báo và thích ứng rủi ro như chủ động theo dõi biến động thị trường quốc tế (thay đổi hành vi tiêu dùng, dịch chuyển địa chính trị, khủng hoảng môi trường, dịch bệnh…); kịch bản cho các tình huống khủng hoảng như gián đoạn dòng khách, biến động chi tiêu du lịch…

"Một ngành du lịch biết dự báo và thích ứng sẽ không chỉ là công cụ kiếm ngoại tệ tức thời, mà sẽ trở thành nền tảng vững chắc để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế hội nhập chủ động, sáng tạo và bền vững", ông Minh nhấn mạnh.

Giao dịch du lịch là thông điệp truyền tải về kinh tế, tiềm năng thị trường

Theo FutureBrand Country Index 2024, Việt Nam xếp thứ 47/100 về hình ảnh quốc gia, tăng 6 bậc so với năm 2022, đặc biệt được đánh giá cao ở lĩnh vực du lịch, ẩm thực và nghề truyền thống. Điều này cho thấy du lịch không chỉ đem lại doanh thu ngay lập tức, mà còn là kênh đẩy mạnh sự nhận diện và vị thế quốc gia trong dài hạn.

Từ đây, theo ông Minh, mỗi giao dịch du lịch không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập trực tiếp, mà còn là một thông điệp truyền tải ra thế giới về trình độ kinh tế, tiềm năng thị trường và độ hấp dẫn đầu tư của đất nước.

Doanh thu dịch vụ du lịch dẫn đầu, vì sao doanh nghiệp vẫn lo? - Ảnh 3.Miễn visa thu hút khách du lịch nhưng kêu khó đến đâu mới mở đến đó

Chính sách visa hiện tại chưa hiệu quả nhiều để thu hút khách du lịch. Việc mở rộng visa là cơ hội mở toang cánh cửa cho du lịch Việt Nam tăng trưởng. Các doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa visa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên