VinFast công bố báo cáo lần đầu sau niêm yết
Tại báo cáo tự lập quý 2-2023, VinFast ghi nhận tổng doanh thu lên tới 334 triệu USD (tương đương 7.953 tỉ đồng), tăng 303% so với quý liền trước và 147% so với cùng kỳ.
Doanh thu chủ yếu đến từ bàn giao 9.535 ô tô điện, tăng 436% so với quý 1-2023. Còn số lượng xe máy điện bàn giao 10.182, tăng 4%.
Lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh kỳ này của VinFast 2.715 tỉ đồng (114,1 triệu USD), tăng 7,5% so với cùng kỳ nhưng giảm đáng kể (28,7%) so quý liền trước.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức -34,1% tại quý 2-2023 so với mức -73,4% của cùng kỳ và -193,2% quý 1-2023.
Kết quả, hãng xe điện tỉ phú Phạm Nhật Vượng lỗ 9.230 tỉ đồng (387,8 triệu USD), giảm 20% so với cùng kỳ.
Nhờ doanh số cải thiện, lỗ ròng VinFast về 12.535 tỉ đồng (526,7 triệu USD), giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11,2% so với quý liền trước.
Tính đến 30-6-2023, VinFast có 122 showroom ô tô điện trên toàn cầu và 245 showroom và xưởng dịch vụ xe máy điện. Tổng tài sản ở mức 116.828 tỉ đồng (4,9 tỉ USD) cuối tháng 6-2023.
Đại lý phân phối xe Mercedes báo lãi sụt thảm hại
Nhiều doanh nghiệp phân phối xe, đặc biệt dòng cao cấp "thê thảm" về doanh số bán hàng.
Như CTCP dịch vụ ô tô Hàng Xanh - Haxaco (HAX), nhà phân phối Mercedes-Benz tại Việt Nam, báo doanh thu nửa đầu năm nay sụt 44,19% so với cùng kỳ, đạt 1.789 tỉ đồng.
Các loại chi phí đều tăng, đặc biệt lãi vay, khiến lãi ròng HAX giảm 95% so với cùng kỳ, còn hơn 6 tỉ đồng.
Chỉ năm trước, khi thị trường tốt, cả 5 đại lý của HAX đều vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng và nằm top đầu đại lý về doanh số bán xe Mercedes-Benz tại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế 2022 hơn 300 tỉ đồng, vượt 41% kế hoạch.
Sang 2023, thị trường ảm đạm, đơn vị chiếm 38% thị phần phân phối xe Mercedes tại Việt Nam lập tức gặp khó.
CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC), nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, "cùng cảnh" khi báo lãi sau thuế giảm 90% cùng kỳ, đạt 24,8 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu SVC 9.246 tỉ đồng, giảm gần 2%. Các loại chi phí đều tăng, trong khi lãi từ công ty liên doanh liên kết lại giảm mạnh.
Savico cho biết dù doanh thu mảng dịch vụ ô tô có tăng nhẹ, tuy nhiên không đủ bù đắp cho sụt giảm từ doanh thu xe mới. Doanh nghiệp này phân phối dòng Ford, Volvo, Toyota...
Một doanh nghiệp khác mới chuyển hướng sang ô tô (trong đó có đại lý ủy quyền đầu tiên của Mercedes) là CTCP G-Automobile (GMA) đã lỗ hơn 7 tỉ đồng, dù doanh thu tăng đột biến với hơn 1.230 tỉ đồng.
Tổng giám đốc GMA Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và không ưu tiên cho hàng tiêu dùng không phải thiết yếu như ô tô, đặc biệt xe hạng sang.
Đại diện GMA dẫn chứng, với hãng Mercedes, doanh số nửa đầu năm nay tại thị trường Việt Nam giảm khoảng 40% so với cùng kỳ.
Những tháng đầu năm, người tiêu dùng "nghe ngóng" Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ nên công ty này cho biết rất thận trọng triển khai lĩnh vực mới.
Một công ty khác cũng có doanh thu tăng, lợi nhuận giảm là CTCP Auto City (CTF) - nhà phân phối xe Ford lớn nhất Việt Nam.
CTF có doanh thu thuần 3.213 tỉ đồng trong 6 tháng, tăng 25%. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 60%, chỉ xấp xỉ 15 tỉ đồng.
Với nhóm sản xuất, lắp ráp, CTCP ô tô TMT - TMT Motors (TMT) báo lãi sau thuế nửa đầu năm "bốc hơi" 98% so với cùng kỳ, đạt hơn 1 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu giảm, chi phí tài chính tăng cao.
Còn tại VEAM (VEA) doanh thu bán niên 2023 đạt 1.986 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 3.182 tỉ đồng. Khoản lời có được phần lớn do hoạt động tài chính (cổ tức, lợi nhuận từ các đơn vị có vốn góp, lãi tiền gửi ngân hàng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận