Quầy rau củ trong nhiều siêu thị trống trơn dù mới về chiều - Ảnh: N.BÌNH
Dịch cúm do virus corona đã ảnh hưởng đến sức mua thị trường sau tết: người dân hạn chế đi đến các trung tâm thương mại, siêu thị đông người nên mỗi lần đi là mua "sạch sành sanh".
Tại một siêu thị ở Q.2, nhiều khách hàng ngỡ ngàng vì mới 16h ngày cuối tuần nhưng hàng hóa ở quầy rau củ quả đã nhanh chóng hết sạch, một số gian hàng đồ mát như sữa, phô mát... cũng trống rỗng. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các siêu thị mini nằm trong khu dân cư đông đúc, mà những siêu thị lớn cùng chung tình cảnh, từ kệ hàng nước rửa tay đến quầy rau củ quả, trái cây.
Gia đình chị Hoài Anh, ngụ Q.Gò Vấp, cho biết mới tầm chiều nhưng siêu thị gần nhà không còn loại rau lá nào, chỉ lèo tèo một vài loại rau củ có thể là hàng tồn trước tết như bí đỏ, khoai tây... một số có hàng mới hơn như khổ qua, dưa leo... thì kém tươi. Nhân viên siêu thị cho biết sau tết, nhiều nhà cung cấp còn nghỉ nên lượng hàng chưa ổn định. Tuy nhiên, vào ngày mai, bắt đầu tuần mới sau kỳ nghỉ tết, hàng hóa hi vọng sẽ dồi dào hơn.
Theo ghi nhận, từ mùng 2 một số nhà bán lẻ đã mở cửa hoạt động và đến mùng 6 hầu hết đã hoạt động trở lại bình thường. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhà cung cấp nghỉ tết nên nguồn hàng chưa về nhiều. Mặt khác, do giá các mặt hàng thiết yếu còn neo khá cao nên người bán cũng không dám nhập hàng nhiều. Hiện nay, các loại khổ qua, súp lơ, rau tần… vẫn đứng giá cao ngang trong tết như khổ qua 25.000-30.000 đồng/kg, đậu cove 38.000 đồng/kg...
Tâm lý người đi siêu thị trong thời buổi dịch cúm corona là mua tích trữ để hạn chế đi lại nhiều lần - Ảnh: N.BÌNH
Tình trạng quầy kệ bị trống hàng sớm còn vì lý do khác là người dân có xu hướng mua sắm với tâm lý tích trữ, ai cũng mua nhiều hơn trong mỗi lần đi mua sắm. "Dịch corona khiến nhà tôi cũng ngại đi đến chỗ đông người, mỗi lần đi tranh thủ mua tối đa để khỏi đi sắm nhiều lần" - anh Tùng, khách đi mua hàng cho biết.
Những ngày này, phần lớn người đi siêu thị mang khẩu trang, bản thân các siêu thị cũng triển khai phương án phòng chống dịch cúm virus corona như cho nhân viên quầy thu ngân đeo khẩu trang, tăng nhiệt độ một số khu vực trong siêu thị, đặt chai dung dịch rửa tay ở một số khu vực, cập nhật thông tin thường xuyên...
Tại các chợ lẻ, nguồn hàng hóa có phong phú hơn, về chiều chợ hoạt động mua bán càng sôi động. Các mặt hàng bán chạy nhất vẫn là trái cây, hoa quả phục vụ lễ cúng, đi chùa đầu năm, vẫn còn giá tết.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, xu hướng mua sắm tết của người dân năm nay là mua vừa đủ, không còn tích trữ nhiều. Khách mua sắm nhiều món hàng nhưng với lượng vừa phải. Các món ăn tiện lợi, chế biến sẵn vẫn được bà nội trợ lựa chọn nhiều.
Chợ lẻ hàng hóa dồi dào nhưng giá còn neo cao - Ảnh: N.BÌNH
Các hệ thống bán lẻ khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá, có hệ thống giữ được mức tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cho biết tăng trưởng kinh doanh mùa tết sẽ trọn vẹn hơn nếu nhóm thức uống có cồn không bị sụt giảm mạnh.
Giám đốc tiếp thị một hệ thống bán lẻ trong nước cho biết ước tính doanh số nhóm thức uống có cồn gồm bia, rượu giảm đến 25%, một số điểm bán của hệ thống tồn một lượng bia tết khá lớn. "Trong ngày cận tết, nhiều điểm bán chấp nhận cắt lợi nhuận giảm 20.000-30.000 đồng/thùng nhưng sức mua vẫn rất chậm", vị này cho biết.
Ngoài thức uống có cồn, sức mua nhóm thực phẩm biến từ thịt heo trong mùa tết năm nay cũng có dấu hiệu chững lại so với năm ngoái do ảnh hưởng của giá thịt heo tăng. Giá các loại giò chả, xúc xích, lạp xưởng.... đã tăng 10-15%, riêng mặt hàng giò lụa tăng 30 - 35% so với năm trước khiến nhiều người mua ít lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận