13/10/2015 09:34 GMT+7

Doanh nhân mạnh, nền kinh tế mới vững

VÕ VĂN THÀNH thực hiện (thanhvv@tuoitre.com.vn)
VÕ VĂN THÀNH thực hiện ([email protected])

TT - Muốn sánh vai với thiên hạ thì cây gậy thần duy nhất là tinh thần sáng tạo và tinh thần kinh doanh. Tinh thần sáng tạo không chỉ bắt nguồn từ những điều cao xa, mà bắt nguồn ngay từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Các gương mặt doanh nhân tiêu biểu Top 10 được trao giải thưởng Sao vàng đất Việt 2015 - Ảnh: Nam Trần
Các gương mặt doanh nhân tiêu biểu Top 10 được trao giải thưởng Sao vàng đất Việt 2015 - Ảnh: Nam Trần

Từng nhiều năm phụ trách kinh tế đối ngoại, nhân Ngày doanh nhân VN 13-10 năm nay, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã có những chia sẻ về đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh đất nước bước vào “cuộc chơi” hội nhập sâu rộng. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguyên phó thủ tướng nói:

- Điều không may là trong lịch sử nước ta, vì nhiều lý do khác nhau đôi khi doanh nhân không được coi trọng, thậm chí có lúc gần như bị xóa sổ. Từ ngày đổi mới, vị trí và vai trò của doanh nhân ngày càng được đề cao.

Gần đây nhất, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII đã khẳng định chủ trương: “Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh... Phát huy tiềm năng và vai trò tích cực, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân...”.

Hiện nay doanh nghiệp nước ta chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ, thậm chí có người cho là “nhỏ li ti”. Ngay những doanh nghiệp lớn so với thiên hạ cũng chỉ thuộc loại bình bình.

Một đặc điểm nữa là doanh nghiệp nước ta ra đời và chập chững những bước đi ban đầu vào lúc đất nước hội nhập với kinh tế thế giới, nên phải đối mặt ngay với những đối thủ cạnh tranh hùng hậu và dày dạn kinh nghiệm.

Do nguồn lực hạn hẹp, kinh nghiệm kinh doanh chưa nhiều nên số doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực sản xuất vật chất, nhất là trong những ngành công nghệ cao, còn ít.

Ngoài ra, văn hóa kinh doanh thường chịu ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, do đó không ít biểu hiện ăn xổi, sự liên kết hợp tác với nhau rất hạn chế...

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh

Muốn sánh vai với thiên hạ thì cây gậy thần duy nhất là tinh thần sáng tạo và tinh thần kinh doanh. Tinh thần sáng tạo không chỉ bắt nguồn từ những điều cao xa, mà bắt nguồn ngay từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ

Nguyên phó thủ tướng VŨ KHOAN

* Vậy đâu là ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam?

- Người Việt Nam ta có một ưu điểm là thích nghi rất nhanh. Các doanh nghiệp cũng thừa hưởng đặc tính đó.

Tuy “sinh sau đẻ muộn” và mới nhập cuộc nhưng đã sớm tiếp cận thương trường trong nước và quốc tế. Không ít doanh nhân, trong đó có nhiều doanh nhân trẻ, thành đạt. Mà doanh nhân có thành đạt thì kinh tế nước nhà mới thành công.

* Dù linh hoạt nhưng với quy mô nhỏ thì đội “thuyền thúng”, theo ông, liệu có trụ vững khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP?

- Lo lắng là điều dễ hiểu, nhưng phải nói rõ rằng không phải bây giờ chúng ta mới hội nhập. Từ năm 1995 chúng ta đã tham gia Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA), sau đó là Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), rồi WTO.

Như vậy doanh nhân Việt Nam đã rèn luyện, bươn chải ít ra 20 năm rồi. Nhà nước cũng từng bước đổi mới thể chế, tiếp cận với các luật chơi toàn cầu.

Tất nhiên những FTA mới như: FTA với Liên minh Á - Âu, Hàn Quốc, EU, TPP... có quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn và cam kết sâu hơn, nhưng vẫn nằm chung một mạch với những thể chế nước ta đã tham gia.

Doanh nghiệp của ta thuộc loại vừa và nhỏ, nhưng ở khía cạnh nào đó đấy lại là “ưu thế” vì họ dễ cơ động, linh hoạt, dễ len lách trên thương trường!

Quá trình hội nhập của chúng ta có những mặt chưa như mong đợi, nhưng không phải chỉ có thua thiệt. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu năm nào cũng tăng hai con số, kể cả trong những năm khó khăn vừa qua.

* Cạnh tranh bây giờ không chỉ giữa các doanh nghiệp, mà là sự cạnh tranh thắng thua giữa các nền kinh tế bao gồm: chất lượng quản trị của nhà nước, thể chế, bộ máy hành chính có vận hành tốt hay không. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nhà nước và doanh nghiệp phải đồng hành với nhau, trong đó Nhà nước cần đi trước để tạo tiền đề, tạo hành lang cho doanh nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp có cố đến mấy mà gặp những rào cản quan liêu, những nút thắt cổ chai về thể chế, những đòi hỏi “bôi trơn” thì trước sau cũng chịu thua.

Nói đi phải nói lại, trong 30 năm đổi mới Nhà nước đã có những cố gắng lớn, gần đây nhất là việc thông qua Luật doanh nghiệp mới, Luật đầu tư mới, những cải cách hành chính nhằm cắt giảm thời gian nộp thuế, thủ tục hải quan...

Cái đáng ngại nhất là ở bộ máy thực thi. Chủ trương, chính sách có rồi nhưng bộ máy bên dưới không sốt sắng, thậm chí chây ì thì luật lệ Nhà nước đặt ra cũng bằng không.

Cho nên vấn đề chủ yếu lúc này là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát gắt gao, xử lý nghiêm minh trên thực tế chứ không chỉ trên lời nói. Một ngàn lần tuyên bố “xử lý nghiêm” không bằng một vài lần xử lý thật!

* Qua tham dự các hội thảo về kinh tế cũng như nói chuyện ở các hiệp hội ngành hàng, ông thấy doanh nghiệp thường kêu ca điều gì nhất?

- Vấn đề doanh nghiệp kêu nhiều nhất là thiếu thông tin, trong đó có thông tin về TPP. Cũng phải thông cảm với những người đàm phán vì theo “luật chơi” chung, chưa thể thông tin hết nội dung bàn thảo. Sau khi đàm phán kết thúc, một số thông tin ban đầu đã được đưa lên mạng của Bộ Công thương.

Tuy nhiên vẫn mong mỏi hai điều: Một là, các thông tin cần đầy đủ hơn, viết dễ hiểu chứ đừng kiểu “văn Tây”, đọc không hiểu nổi, kèm theo đó là sự giải thích, hướng dẫn. Hai là, các doanh nghiệp tích cực, chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin, cả trên mạng của ta lẫn của các đối tác.

Chẳng hạn với TPP, mỗi doanh nghiệp hãy tập trung tìm kiếm thông tin về ngành hàng và đối tác chủ yếu của mình. Ví dụ anh xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường TPP nói chung và Mỹ nói riêng thì hãy tìm hiểu xem TPP đề cập đến lĩnh vực này như thế nào: về thuế suất, về điều kiện xuất xứ và các quy định khác.

Những chuyện to tát như tái cấu trúc nền kinh tế, công nghiệp hóa, khả năng cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực... đều phải làm nhưng không thể có được trong ngày một, ngày hai. Mỗi doanh nghiệp hãy chọn xem phải ưu tiên làm gì trước trong phạm vi của mình.

* Từ góc nhìn của một người từng tham gia hoạch định chính sách hội nhập của đất nước, theo ông, các doanh nghiệp, doanh nhân cần làm gì trong bối cảnh mới hiện nay?

- Là những người trực tiếp lặn lội trên thương trường, hơn ai hết đội ngũ doanh nhân biết họ cần làm gì. Riêng tôi, điều cần nhất là “biết mình, biết người, biết luật chơi”. Biết mình ở đây là nắm bắt đường lối, chính sách của chính nước mình.

Sự bươn chải hằng ngày cung cấp cho doanh nhân những kinh nghiệm quý, nhưng muốn có tầm nhìn chiến lược thì không thể không dựa trên sự hiểu biết thấu đáo những định hướng lớn của đất nước.

Chẳng hạn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XII vạch ra nhiều định hướng lớn cho sự phát triển, nhưng hình như ít doanh nhân dành thời gian tìm hiểu thấu đáo. Còn “biết người và biết luật chơi” là kiến thức về các cam kết quốc tế, về đối tác quốc tế, về xu thế thế giới. Không có được các loại kiến thức ấy thì khó bề làm ăn.

10 nút thắt cần tháo gỡ cho doanh nghiệp Việt Nam - Dữ liệu: Quỳnh Trung - Đồ họa: Tấn Đạt
10 nút thắt cần tháo gỡ cho doanh nghiệp Việt Nam - Dữ liệu: Quỳnh Trung - Đồ họa: Tấn Đạt

Số lượng doanh nghiệp mới tăng mạnh

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến hết chín tháng đầu năm 2015 tổng số doanh nghiệp đã thành lập ở VN lên tới 852.000.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hồng Minh, cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nêu số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 cục dự báo tăng mạnh so với năm 2014.

Chỉ riêng trong 90 ngày đầu tiên kể từ khi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi có hiệu lực (ngày 1-7-2015), cả nước đã có thêm gần 23.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Minh cho rằng đây là những tác động tích cực bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư...

C.V.KÌNH

* Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI):

Ảnh: C.T.V
Ảnh: C.T.V

Thời làm ăn chụp giật đã qua

Tham gia cuộc chơi toàn cầu nghĩa là chúng ta xác định thời làm ăn chụp giật với tầm nhìn ngắn hạn và tranh thủ mối quan hệ đã qua. Các doanh nghiệp VN hiện nay phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Để có thể giành lợi thế trong cuộc chơi này, doanh nghiệp buộc phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Nhà nước cũng cam kết sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.

Tôi nghĩ lợi ích lớn nhất mà hội nhập quốc tế mang lại chính là tạo công ăn việc làm cho người dân. Sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp dệt may ở VN nhờ TPP, qua đó giúp tạo thêm hàng ngàn việc làm cho hàng triệu người dân lam lũ ở cả nông thôn và thành thị chưa có được “cần câu” thoát nghèo.

* Ông Lê Long Sơn (tổng giám đốc Công ty Esuhai):

Ảnh: N.Bình
Ảnh: N.Bình

Cần nhiều người trẻ khởi nghiệp

Để VN phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, nguồn lực di chuyển giữa các quốc gia nhiều hơn, VN cần có thêm nhiều công ty, doanh nghiệp ra đời, có thể lên 1 triệu doanh nghiệp, thậm chí 2 hay 3 triệu so với vài trăm ngàn doanh nghiệp hiện nay.

Hay nói cách khác, VN đang rất cần một lớp thanh niên dám khởi nghiệp, có hoài bão làm chủ, nhanh nhạy tiếp cận công nghệ, tri thức thế giới.

Lớp doanh nhân trẻ này có quá trình tôi rèn bài bản ở môi trường làm việc quốc tế, có thời gian tích lũy tài chính cũng như các mối quan hệ xã hội... sẽ là động lực phát triển kinh tế VN trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng tương lai.

* Ông Nguyễn Tuấn Anh (giám đốc Công ty du lịch Chữ ký châu Á - Signature of Asia):

Bảo hộ “rào cản ngôn ngữ”

Ảnh: L.S.
Ảnh: L.S.

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP mới đây một lần nữa đặt ra thách thức rất lớn cho đội ngũ doanh nhân trong nước. Với những lợi thế sẵn về vốn, kinh nghiệm đầu tư, quản trị..., các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm lợi thế trong nhiều lĩnh vực.

Do đó tồn tại và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, một trong những giải pháp, theo tôi, rất cần là bảo hộ “rào cản về ngôn ngữ”.

Ở đây ngôn ngữ được hiểu là các doanh nghiệp nước ngoài khi vào làm ăn tại VN cần hiểu rõ ngôn ngữ, văn hóa địa phương. Cụ thể trong các hợp đồng thương mại, chuyển giao công nghệ, hợp đồng lao động... phải sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Trong quá trình làm việc với các đối tác Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc... tôi nhận thấy những hợp đồng thương mại của họ đều sử dụng ngôn ngữ bản địa. Chính rào cản ngôn ngữ này tạo nên lợi thế lớn cho doanh nghiệp bản địa, tránh được những điều khoản khó hiểu, bất lợi. 

VÕ VĂN THÀNH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên