20/10/2017 12:15 GMT+7

Doanh nhân chỉ bí kíp làm giàu từ gạo trắng nước trong

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Sống trên vựa lúa và sản vật, vậy mà người Miền Tây "mãi không giàu được". Vậy có cách nào thay đổi điều đó? Hãy cùng nghe các doanh nhân nói về bí kíp làm giàu.

Các khách mời nói về ap dụng công nghệ quản lý lúa gạo - Thực hiện: HỮU THUẬN 

ĐBSCL có rất nhiều đặc sản, từ sen, từ gạo và các sản vật khác. Ngồi trên mỏ vàng nông sản nhưng vì sao người dân lại vẫn chưa biết cách khai thác làm giàu. Đã đến lúc phải hành động vừa đưa công nghệ vào.

Doanh nhân chỉ bí kíp làm giàu từ gạo trắng nước trong - Ảnh 2.

Dù VN nằm trong top về xuất khẩu gạo của thế giới nhưng nông dân trồng lúa VN vẫn nghèo - Ảnh: H.TH.VÂN

Dù Việt Nam nằm trong tốp những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu gạo đem lại chưa cao, nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo, người tiêu dùng trong nước thiếu gạo sạch. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty gạo Trung An (Cần Thơ), doanh nghiệp có diện tích trồng lúa hữu cơ lớn nhất hiện nay với khoảng 100ha, cho rằng sản xuất gạo hữu cơ vẫn đang bị lỗ do nhiều nguyên nhân như giá, thị trường, thương hiệu...

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Mỹ Lan Group và Rynan Agrifood, cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần tập trung trồng giống lúa cho ra hạt gạo có chất lượng và giá trị cao. 

Trong thực tế, theo ông Mỹ, Nhật Bản hiện có những chủng loại gạo được bán với giá lên đến gần cả trăm USD/kg, do áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

"Nếu không thay đổi, chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam khó được cải thiện, nông dân trồng lúa vẫn mãi nghèo", ông Mỹ cảnh báo.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group và Rynan Agrifood, nói lên tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ trong canh tác tại ĐBSCL - Thực hiện: CHẾ THÂN - HỮU THUẬN

Hai doanh nghiệp, một trồng lúa, một công nghệ cao đều khẳng định như vậy tại tọa đàm với chủ đề "Làm giàu tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ", do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức chiều 19-10 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Minh Đức - giám đốc điều hành Công ty CP phát triển Hùng Hậu - cho rằng ngoài một chính sách nhất quán trong quan điểm phát triển của vùng, điều doanh nghiệp cần nhất là việc quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, có tính ổn định cao.

"Nếu chúng ta có quy hoạch các vùng trồng sen bài bản, đầu tư nghiêm túc mới mong du lịch phát triển thông qua các tour thưởng ngoạn sen. Thậm chí, việc phát triển nhiều loại sản phẩm mới, độc đáo từ sen sẽ thất bại ngay từ trứng nước nếu doanh nghiệp không có đủ nguồn nguyên liệu cung cấp" - ông Đức cảnh báo.

Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Minh Long I chia sẻ cácH biến đất thành vàng đó chính là sử dụng công nghệ hiện đại - Thực hiện: CHẾ THÂN - HỮU THUẬN

Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam dẫn câu chuyện một doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ sau hai năm đã xuất khẩu được sản phẩm cá thát lát rút xương ra nước ngoài bằng chính công nghệ và kỹ thuật riêng do doanh nghiệp này phát triển, chưa kể sản phẩm của doanh nghiệp này cũng đã vào được hầu hết hệ thống các siêu thị trong cả nước. 

"Điều này cho thấy chỉ cần được chuyển giao công nghệ phù hợp với quy mô và năng lực sản xuất, doanh nghiệp sẽ phát triển và làm giàu. Còn nếu chỉ dựa vào tài nguyên bản địa nhưng vẫn làm theo cách cũ, chỉ tăng năng suất, không thể thoát nghèo được" - ông Nam nói.

Bà Vũ Kim Hạnh (chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao):

Đã đến lúc phải hành động

bakimhanh 2(read-only)

Ảnh: HỮU THUẬN

Khi chuẩn bị cho sự kiện Mekong Connect 2017 - Diễn đàn kinh tế khu vực ĐBSCL lớn nhất - sắp khai cuộc với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, cá nhân tôi và các doanh nghiệp đều hiểu rằng cần tính chuyện hành động cho khu vực ĐBSCL.

Thậm chí, doanh nghiệp còn nói với tôi rằng phải hành động để thay đổi. Thay đổi hay là chết đã trở nên cấp bách, sống còn.

Không chỉ kết nối với các tổ chức quốc tế, các nhà phân phối hàng hóa tìm đầu ra cho kênh tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi xác định Mekong Connect 2017 sẽ không chỉ có họp rồi tan.

Thay vào đó, sẽ thống nhất đi thẳng vào từng hành động cụ thể để phát triển được các nguồn tài nguyên tiềm năng, đặc sắc của chính khu vực ĐBSCL, cũng như đưa sức mạnh công nghệ vào thực tiễn hoạt động sản xuất của từng doanh nghiệp, người dân khu vực này.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ trong buổi toạ đàm - Thực hiện: CHẾ THÂN - HỮU THUẬN

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho ra mắt nhóm nghiên cứu nông nghiệp chuyên biệt cho khu vực ĐBSCL do nhiều tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học có uy tín đứng đầu tham gia.

Hiện chúng tôi đã có trong tay các nghiên cứu cụ thể và sẽ chuyển cho lãnh đạo các tỉnh đánh giá, thẩm định.

Chúng tôi cũng xác định rõ quan điểm khi ứng dụng công nghệ vào khu vực ĐBSCL là không cần các công nghệ đó ở đẳng cấp quốc tế hay cao siêu gì, mà chỉ cần phù hợp với lợi ích quy mô của người tiêu dùng, của doanh nghiệp sản xuất.

Các ứng dụng này phải phù hợp với nhu cầu ngày càng cá biệt hóa, chứ không cần đại trà hay hàng loạt. Và tất nhiên, nó phải có ưu thế cạnh tranh, từ chất lượng cho đến giá thành sản phẩm.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên