Các bệnh viện trên sàn chứng khoán làm ăn ra sao?
Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức (mã CK: TTD) cho thấy cả doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế quý 2-2023 đều giảm.
Doanh thu thuần trong kỳ giảm nhẹ 2,3%, đạt 184,6 tỉ đồng. Do giá vốn và các chi phí khác đều tăng khiến lợi nhuận sau thuế của bệnh viện giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 22,37 tỉ đồng.
Sự sụt giảm chủ yếu do cùng kỳ năm ngoái, hoạt động bệnh viện hồi phục và tăng trưởng đột biến sau đại dịch COVID-19.
Ngoài ra bệnh viện cho rằng họ không chủ động được lượng bệnh nhân, mà đặc thù hoạt động khám chữa bệnh là tự nhiên nên ảnh hưởng đến doanh thu.
Hơn nữa lợi nhuận phụ thuộc vào cơ cấu bệnh làm ảnh hưởng đến chi phí thuốc, vật tư hóa chất - đây là chi phí chiếm tỉ trọng lớn. Tỉ trọng này cùng kỳ chỉ chiếm 48,4 - 50% nhưng sang năm nay tăng lên 51,7 - 52,6%.
Quý 2 là thời điểm bệnh viện tăng lương định kỳ, chi phí nhân sự trả theo hoạt động khác nhau do cơ cấu bệnh khác nhau. Bệnh viện chưa điều chỉnh giá để bù đắp chi phí tăng.
Dù kết quả kỳ này giảm, song lãnh đạo bệnh viện cho rằng "vẫn giữ ở mức tốt và ổn định".
Được quan tâm nhiều thời gian qua là Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (mã CK: TAH) - nơi ông Trầm Bê vừa quay trở lại và giữ vị trí thành viên hội đồng quản trị sau thời gian dài vướng vòng lao lý.
Quý 2 vừa qua dù doanh thu thuần có nhích nhẹ song do các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng và thu nhập khác giảm hơn một nửa khiến lợi nhuận sau thuế của TAH chỉ còn hơn 9 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một bệnh viện hiếm hoi niêm yết trên HoSE là Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã CK: TNH) cũng có lợi nhuận ròng quý 2 sụt giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí thuế cao hơn cùng kỳ.
Tuy nhiên điểm sáng là nhờ quý đầu năm kết quả tích cực hơn khiến nửa đầu năm nay các bệnh viện trên đều có lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Như Bệnh viện Tim Tâm Đức, do quý 1 kinh doanh tốt, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt 360 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế 48 tỉ đồng, tăng khoảng 9%.
Còn với Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải, dù báo lỗ hơn 4 tỉ đồng trong quý 2 nhưng lũy kế 6 tháng, lỗ ròng đã giảm bớt hơn so với năm trước nhờ quý 1 tích cực.
Đọ hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp dược phẩm
Tại khối doanh nghiệp dược phẩm, quý 2 vừa qua lại là thời điểm "ăn nên làm ra".
Dược Hậu Giang (mã CK: DHG) - doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán - có mức tăng doanh thu hơn 3% trong quý 2-2023.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 74% so với cùng kỳ và lỗ từ hoạt động khác giảm đi đáng kể giúp DHG đạt lợi nhuận sau thuế 263,3 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo DHG nói trong quý kinh doanh vừa qua, sự tăng trưởng tốt là nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược, chủ lực. Sau nửa năm, DHG đã đạt 48% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngoài DHG, cả Imexpharm (mã CK: IMP) và Bidiphar (mã CK: DBD) đều có lợi nhuận quý 2 tăng đáng kể. Bidiphar đạt 71,8 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 23% nhờ thay đổi cơ cấu kinh doanh, đẩy mạnh bán các mặt hàng dược phẩm tự sản xuất.
Trong khi đó, Imexpharm có một quý thành công với lợi nhuận sau thuế tăng đến 71% so với quý 2 năm ngoái, đạt 79,6 tỉ đồng.
Quý 2 vừa qua, Imexpharm tiếp tục mở rộng thị trường và cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp kỳ này của IMP lên tới 74%, trong khi quý 2 năm ngoái tỉ lệ này là 39%.
Duy chỉ có Traphaco ghi nhận kết quả kinh doanh giảm trong nhóm các công ty sản xuất dược phẩm vốn hóa lớn. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 2 của Traphaco lần lượt giảm 12% và 8% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp kỳ này của Traphaco cũng giảm từ 62% cùng kỳ xuống còn 59%. Do đó, dù doanh thu tài chính tăng mạnh và các khoản chi phí khác được cắt giảm, Traphaco vẫn ghi nhận kỳ kinh doanh tăng trưởng âm.
Tuy vậy xét về hiệu quả kinh doanh, Traphaco vẫn có ROA (tỉ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) cao hơn so với Bidiphar hay Imexpharm trong nửa đầu năm. Tính chung, DHG có hiệu suất vượt trội hơn khi ROA đạt 11%, ROE 14%.
Ở phía các bệnh viện công bố báo cáo tài chính, chỉ có Bệnh viện Tim Tâm Đức đạt được mức hiệu suất này, thậm chí còn nhỉnh hơn DHG một chút trong nửa đầu năm. Còn các bệnh viện được đề cập khác, hiệu suất kinh doanh khá thấp (dưới 5%).
Với sự quan tâm ngày càng tăng của người dân và Chính phủ vào lĩnh vực y tế, nhu cầu về dịch vụ y tế và dược phẩm tăng cao, tạo ra các cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, y tế - dược phẩm là một trong những ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận khá ổn định và sẽ tiếp tục duy trì được xu hướng khả quan này trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận