23/02/2016 09:37 GMT+7

Doanh nghiệp xuất khẩu kêu thiếu thông tin

TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH (tranvunghi@tuoitre.com.vn)
TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH ([email protected])

TT - Cứ hai năm một lần, hơn 60 tham tán, công sứ VN trên khắp thế giới lại có những buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp VN để lắng nghe những câu chuyện khó khăn tìm đường đưa hàng Việt ra bên ngoài.

Các đại biểu trao đổi với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa (phải) tại hội nghị - Ảnh: Tự Trung
Các đại biểu trao đổi với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa (phải) tại hội nghị - Ảnh: Tự Trung

Trong buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh phía Nam ngày 22-2 tại TP.HCM, những người có trách nhiệm thừa nhận rằng ở thời điểm hội nhập cách làm xúc tiến cần phải thay đổi, cần sự gắn kết giữa doanh nghiệp VN và tham tán hơn nữa.

Chưa kết nối chặt chẽ

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Minh Thông, tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho biết mặt hàng tiêu xuất khẩu của VN đang gặp rất nhiều rào cản về dư lượng thuốc trừ sâu.

Trong khi đó, giữa doanh nghiệp và các thương vụ chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ. Chẳng hạn, chỉ đến khi báo chí VN thông tin rằng hồ tiêu VN xuất không đạt tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh, lấy từ nguồn thương vụ VN tại Tây Ban Nha, các doanh nghiệp mới biết.

“Thông tin rơi đúng vào mùa thu hoạch tiêu, làm doanh nghiệp không ai dám mua vào vì sợ, nhưng nông dân trồng tiêu là người bị ảnh hưởng nặng nhất. Lẽ ra trước khi công bố thông tin, thương vụ nên trao đổi với hiệp hội để nhận được thông tin phản hồi và tìm cách bảo vệ ngành hàng của VN” - ông Thông nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giám đốc Công ty Phước Thành - Bảy Mập, cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Mỹ do không biết chất cấm nào, tỉ lệ ra sao... bởi thị trường này đưa ra rất nhiều rào cản, trong khi doanh nghiệp không thể cập nhật hết các quy định mới phát sinh.

“Dù doanh nghiệp đã đưa hàng đi kiểm dịch thực vật ở VN trước khi xuất khẩu, nhưng Hoa Kỳ vẫn yêu cầu niêm phong chờ hải quan lấy mẫu kiểm định. Nếu đạt mới giao cho khách hàng, nếu không đạt sẽ bị buộc tái xuất. Vậy doanh nghiệp bị buộc phải kiểm dịch tại VN làm chi cho mệt?” - bà Nhung đặt câu hỏi.

Không chỉ phàn nàn về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của cơ quan VN tốn quá nhiều thời gian, bà Tô Tuệ Lan, tổng giám đốc Công ty XNK Bình Thuận, cho biết doanh nghiệp phải tự thân tìm cách để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật, kiểm tra vi sinh... khi xuất hàng, rồi phải đối diện với nhiều rủi ro trong khâu thanh toán nhưng không tìm được sự hỗ trợ nào.

Chưa hết, theo bà Lan, mặt hàng cồi sò điệp của Bình Thuận hiện đang bị “tắc” khi vào châu Âu vì quy định sơ chế phải 120 giây thay cho 5 giây như trước đây, dẫn đến chất lượng giảm, mất tính cạnh tranh, nhưng trước đó các doanh nghiệp không nhận được cảnh báo từ các tham tán thương mại.

Tương tự, ông Lê Vĩ, chủ tịch HĐQT Công ty Phú Tài (Bình Định), cho biết đã có trường hợp doanh nghiệp gỗ từ chối hạ giá bán theo yêu cầu của một đối tác ở Ai Cập, sau đó mới biết tỉ giá nước này giảm đến 7%, nhưng thời điểm bán hàng trôi qua nên doanh nghiệp phải ôm hàng.

Cần cách xúc tiến mới

Ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, cho biết có trường hợp doanh nghiệp gửi gần 30 email mà không nhận được trả lời từ tham tán thương mại! Theo ông Nam, việc tìm được thị trường xuất khẩu là cả một câu chuyện rất nhiều khó khăn, nên doanh nghiệp rất cần thông tin chia sẻ từ phía các tham tán.

Trong đó, những thông tin mà doanh nghiệp cần chủ yếu là về sức mua, thị hiếu, nhu cầu, văn hóa tập tính tiêu dùng... tại các thị trường, bên cạnh đó là thông tin cảnh báo về những lô hàng sản phẩm trả về do bị hư hỏng, sai sót hay nguyên nhân nào khác để doanh nghiệp rút kinh nghiệm.

Dẫn trường hợp Cần Thơ xuất khẩu khoảng 1,3 tỉ USD hàng hóa mỗi năm, với cơ cấu hàng hóa xuất khẩu lên tới hàng trăm mặt hàng, trong đó chủ yếu là gạo và thủy sản, ông Nam cho biết một trong những cái thiếu nhất của các doanh nghiệp là thông tin về ngành hàng.

Chẳng hạn, muốn tìm thông tin về thủy sản doanh nghiệp không biết tìm ở đâu, hoặc có thông tin cho biết Liên Hiệp Quốc muốn mua hàng rất lớn, chủ yếu là hàng thực phẩm và may mặc để làm công tác nhân đạo nhưng các doanh nghiệp cũng không nắm được nguồn.

“Các doanh nghiệp muốn tiếp cận kênh này từ người mua để xuất khẩu thì các tham tán giúp đỡ được không?” - ông Nam hỏi.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Phạm Trung Nghĩa, tham tán thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cho biết trong năm 2015, thương vụ này nhận được khoảng 3.300 thư từ qua email của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Về nguyên tắc, theo ông Nghĩa, thương vụ phải trả lời tất cả các câu hỏi được gửi đến.

Tuy nhiên thực tế có nhiều email nội dung chưa cụ thể nên rất khó trả lời, một số email không thể trả lời ngay vì cần thời gian nghiên cứu.

“Các thương vụ VN ở nước ngoài thường gửi báo cáo về cho các vụ thị trường nước ngoài tại VN, những thông tin này có thể phối hợp để chuyển về sở công thương địa phương. Ngoài ra, những doanh nghiệp nhận được thư trả lời của thương vụ cũng có thể gửi luôn cho doanh nghiệp trong hiệp hội để nắm thêm thông tin” - ông Nghĩa gợi ý.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ, ông Đào Trần Nhân - tham tán công sứ thương mại tại Mỹ - cho biết Bộ NN&PTNT đang làm việc với Mỹ về vấn đề dư lượng thuốc kháng sinh (MRL) đối với mặt hàng gạo, dù phía Mỹ cũng đang rất mập mờ về chuyện này do chưa ban hành hàm lượng cụ thể.

“Chúng tôi đang làm việc với Mỹ để yêu cầu cần có định lượng cấm cụ thể”, ông Nhân nói, đồng thời lưu ý một số thủ tục với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2016.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại VN tại Nhật, cho rằng ngoài sự nỗ lực của các tham tán, bản thân các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cũng cần hỗ trợ cung cấp thông tin cho nhau và cho cả các thương vụ.

“Chẳng hạn, doanh nghiệp, hiệp hội phải cho thương vụ biết ngành hàng mới nào mà VN đang có thế mạnh, nhiều tiềm năng để có thể tiếp cận được với thị trường. Đổi lại, thương vụ cũng sẽ phải chủ động hơn trong việc nghiên cứu kỹ, sâu rộng những phân khúc, loại hình doanh nghiệp Nhật phù hợp để hợp tác với doanh nghiệp trong nước” - ông Dũng gợi ý.

Ông Nguyễn Thanh Đức (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang):

Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Các tham tán cũng giống như “ông mai”, nhưng thời gian qua thông tin từ các tham tán cung cấp cho doanh nghiệp khá khiêm tốn, trong khi doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm đến. Doanh nghiệp và các tham tán phải cởi mở hơn, thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên. Xây dựng niềm tin cho hai bên là rất quan trọng và cần tìm ra cách làm việc để giải quyết được điều này.

* Ông Nguyễn Trung Dũng (tham tán thương mại VN tại Nhật):

Hàng xuất sang Nhật là một sự bảo chứng tốt

Việc đưa hàng vào Nhật không đơn thuần chỉ nằm ở chỗ chúng ta xuất được mặt hàng con cá, quả xoài, cái áo vào Nhật. Mục tiêu chính và quan trọng hơn tất cả nằm ở chỗ nếu hàng VN xuất khẩu vào được thị trường cực kỳ khó tính là Nhật, những thị trường khác sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt và quan điểm khác.

Đó cũng là lý do vì sao sau khi thanh long ruột trắng xuất khẩu thành công vào Nhật, Mỹ cũng mở cửa để “đón” thanh long vào Mỹ một cách dễ dàng hơn, dù phải vượt qua rất nhiều rào cản yêu cầu kỹ thuật do Chính phủ Mỹ đặt ra.

TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên