14/06/2021 14:41 GMT+7

Doanh nghiệp xoay xở xuất hàng đi Mỹ giữa đại dịch COVID-19

HẢI KIM
HẢI KIM

TTO - Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước, đặc biệt là Mỹ, vẫn tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị trong những tháng gần đây.

Doanh nghiệp xoay xở xuất hàng đi Mỹ giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các nhà xuất khẩu có nhiều lựa chọn để đưa hàng đi các nước, không nhất thiết phải hiện diện ở nước đó - Ảnh: N.BÌNH

Một thương hiệu nước mắm Việt Nam đã trở thành sản phẩm được bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử Amazon. Từ thành công này, doanh nghiệp nước mắm bắt đầu quay trở về chinh phục thị trường nội địa.

Một doanh nghiệp sản xuất hạt điều nhỏ cũng xuất khẩu nhiều container đi khắp thế giới cho những đối tác nước ngoài chưa gặp mặt trực tiếp bao giờ, và đang thừa thắng xông lên, đưa hàng lên sàn thương mại điện tử để đánh vào thị trường Mỹ.

Thực tế rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường nước ngoài mà không cần văn phòng hay đại lý bán hàng, trong đó nhiều mặt hàng đã vượt qua những nhà xuất khẩu thế giới để vào tốp dẫn đầu.

Sự thay đổi nhanh chóng, nhạy bén trong quảng bá và bán hàng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh đã tạo đà cho doanh nghiệp Việt Nam tìm được lối ra trong khó khăn chung.

Bà Nguyễn Hương, đại diện doanh nghiệp Hạt điều vàng (Bình Phước), cho biết khi doanh nghiệp chứng nhận để xuất sang thị trường Úc, nơi được đánh giá khó tính, bà cũng rất hồi hộp. Đến lúc phía Úc nhận được container hàng đầu tiên, họ đã rất hài lòng và ngay lập tức muốn đặt thêm những container hàng mới.

Hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành các chứng nhận Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ISO, HACCP, HALAL…, xúc tiến đàm phán để đưa vào hệ thống siêu thị cũng như nhà hàng, tiệm kem ở Mỹ, nhưng trước mắt sẽ ưu tiên chọn xuất khẩu qua kênh online để phù hợp với công việc kinh doanh cũng như tình hình dịch COVID-19.

"Hiện nay dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp, vì vậy đưa qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có thể giúp doanh nghiệp này vượt qua được khó khăn", bà Hương nói.

Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý để vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.

Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết một nền tảng triển lãm trực tuyến dành cho ngành gỗ được HAWA khai sinh trong cao điểm của đại dịch COVID-19 đã trở thành lối ra cho các doanh nghiệp ngành này ở Việt Nam.

Đến nay, sàn trực tuyến đã nhận hơn 20.000m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm đến từ 70 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nói doanh số họ tăng trưởng 30-40% nhờ các đơn hàng từ gian hàng trực tuyến.

Thực tế, có rất nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng tốc sau đại dịch.

Từ năm 2020, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi vì những ảnh hưởng đại dịch, những sản phẩm chất lượng của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm chủ lực của thành phố ngày càng có uy tín đối với người tiêu dùng quốc tế, nhất là các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.

Bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành AmCham Vietnam - cho biết Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản, chế biến gỗ, đồ tiêu dùng... trong khi Hoa Kỳ là thị trường cung ứng nhiều nguyên liệu cho Việt Nam, cũng là thị trường có sức tiêu thụ bậc nhất toàn cầu, cơ hội để tăng sản lượng xuất khẩu qua Mỹ là rất lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết thông qua bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 đã vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp ba lần năm 2019.

Thực tế có không ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã kinh doanh rất thành công trên thị trường xuất khẩu online và đang tìm cách chinh phục lại thị trường nội địa.

"Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến kênh thương mại truyền thống này khi nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại phải đóng cửa. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng khiến lượng đặt hàng online tăng nhanh. Qua kênh thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và giữ được thị trường", ông Dũng nói.

Ông Bùi Đức Tuệ - giám đốc One IBC Việt Nam, tập đoàn chuyên hỗ trợ các thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - nhận định: Mỹ và EU là 2 thị trường mang đến cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt nhưng đi kèm là những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nước sở tại cần phải đảm bảo.

Những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã nỗ lực ký kết với các quốc gia đã giúp gia tăng tính minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy hàng hóa trong nước dễ dàng thâm nhập thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc tập trung cho chất lượng hàng hóa xuất khẩu thì doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác.

Theo ông Tuệ, One IBC thống kê được rằng hiện chỉ có chưa tới 10% tổng số công ty trong nước có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế, trong khi đây là thủ tục quan trọng giúp bảo vệ tài sản cho bản thân doanh nghiệp khi kinh doanh ở nước ngoài.

photo-1

Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.

Ai sẽ lên ngôi Ai sẽ lên ngôi 'vua' trong cuộc đại chiến cà phê tỉ đô?

TTO - Masan chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long, PhinDeli về đội Novaland… cùng cạnh tranh với những Starbucks, Highlands, Trung Nguyên... Sự tham gia của các đại gia khiến cho cuộc đại chiến cà phê ngày càng khốc liệt.

HẢI KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên