Theo Bộ Công Thương, có tới 16 doanh nghiệp xăng dầu (DN) đề nghị trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu từ đầu năm đến nay. Lý do là họ không duy trì được đủ điều kiện hoạt động nên chủ động trả lại giấy phép, vẫn kinh doanh xăng dầu dưới hình thức đại lý, cửa hàng bán lẻ hoặc đi kinh doanh lĩnh vực khác.
Doanh nghiệp xăng dầu rời thị trường do siết quản lý hay quá khó khăn?
Mặc dù Bộ Công Thương lý giải việc tham gia và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp là "thường xuyên" và "bình thường", song với số lượng lớn doanh nghiệp tự trả lại giấy phép trong hơn 5 tháng đầu năm nay, không ít thương nhân kinh doanh xăng dầu băn khoăn về việc quản lý, cấp phép trong thời gian qua. Bởi từng có thời điểm, số lượng thương nhân phân phối xăng dầu nở rộ lên tới gần 350 doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân phân phối xăng dầu tại Đồng Nai cho rằng việc một số thương nhân phân phối xin dừng hoạt động có một phần hệ quả từ việc một loạt các thương nhân đầu mối bị rút giấy phép, dừng hoạt động.
Trên thực tế, có những thương nhân phân phối được lập nên để đầu tư tài chính, bất động sản, hợp thức hóa dòng tiền, nên khi các thương nhân này bị rút giấy phép, buộc các thương nhân phân phối phải dừng hoạt động.
Thêm nữa, cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn do những biến động của thị trường xăng dầu, cùng việc siết chặt hoạt động của cơ quan quản lý, trong đó có việc siết hóa đơn khi bán xăng dầu, khiến lợi nhuận kinh doanh không còn hấp dẫn, nên đã xin rút khỏi thị trường.
Tuy nhiên, vị doanh nhân này bày tỏ lo ngại hơn khi tới đây có thể có nhiều hơn các thương nhân phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ có thể phải rời bỏ thị trường.
Lý do là trong dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến, đưa ra những quy định có thể làm hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp phân phối, thắt chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó có quy định thương nhân phân phối "chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu".
Ông Hưng, một thương nhân phân phối tại TP.HCM, cho hay các thương nhân đầu mối (được quyền nhập khẩu xăng dầu và mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước) chỉ có khoảng 30 đơn vị, thì số thương nhân phân phối là hơn 300, có vai trò như cánh tay nối dài đưa xăng dầu đến nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo quy định về kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối cũng phải đáp ứng các điều kiện như sở hữu kho, bể có dung tích tối thiểu 2.000m3, có phương tiện vận tải, có phòng thử nghiệm, có tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ và 10 cửa hàng thuộc các đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền.
"Có những địa bàn xa trung tâm, nhiều thương nhân đầu mối không có hệ thống bồn bể, cửa hàng bán lẻ rộng khắp. Nếu chỉ cho được lấy hàng từ doanh nghiệp đầu mối, rất khó khăn trong việc lưu trữ, vận chuyển. Khi thị trường biến động, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng xăng dầu do bị phụ thuộc vào các đầu mối nhập khẩu", vị này nói.
Lo quy định chặt hơn
Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu khác tại Bình Dương phân tích thêm, tại thời điểm diễn ra thiếu xăng dầu cục bộ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều đơn vị không thể mua được xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối đã phải chuyển hướng mua từ các thương nhân phân phối. Điều này giúp cho doanh nghiệp giảm việc phải đóng cửa kéo dài.
Vì vậy, trường hợp chỉ cho doanh nghiệp phân phối được mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối, có thể sẽ gây nên tình trạng đứt nguồn do không đảm bảo lưu trữ, mà còn tăng thêm chi phí vận chuyển và bảo quản, lưu thông.
Là thương nhân phân phối lớn tại miền Bắc có tỉ trọng nguồn hàng bán buôn chiếm tới 50% tổng doanh thu, ông Thanh bày tỏ lo ngại nếu quy định trên được áp dụng, có thể khiến cho khâu bán buôn trên thị trường sẽ không thể phát triển.
Doanh nghiệp xăng dầu không những bị giảm doanh số rất nhiều, siết lại hạn mức kinh doanh và tín dụng của ngân hàng, phải giảm nhân sự, mà thị trường có nguy cơ đứt gãy nguồn cung, không còn sự cạnh tranh như trước. Thực tế này dẫn tới hàng loạt các thương nhân phân phối xăng dầu có nguy cơ phải rời bỏ thị trường do không còn nguồn lực để duy trì hoạt động.
Thêm vào đó, hiện các thương nhân đầu mối duy trì mức chiết khấu rất thấp. Trong khi để tạo sự cạnh tranh ở khâu bán buôn, các thương nhân phân phối với nguồn hàng linh hoạt, mạng lưới hạ tầng rộng khắp, thường có mức chiết khấu cao hơn. Nhờ đó duy trì được sự ổn định của mạng lưới phân phối xăng dầu bán lẻ, giảm bớt tình trạng cửa hàng phải dừng hoạt động, đóng cửa do chiết khấu thấp từ các đầu mối, trong điều kiện Nhà nước kiểm soát giá bán lẻ.
"Việc hạn chế quyền của thương nhân phân phối sẽ khiến mạng lưới này không đủ sức cạnh tranh, bởi hiện nay chiết khấu của các thương nhân đầu mối có thời điểm rất thấp, chỉ 300 - 400 đồng/lít.
Mức chiết khấu này chưa đủ để vận chuyển, các chi phí tài chính khác, đặc biệt là ở những địa bàn xa. Đặc biệt hiện nay chu kỳ điều chỉnh giá chỉ trong bảy ngày, thời gian điều chỉnh quá ngắn khiến cho doanh nghiệp vận chuyển, mua về đến kho đã lỗ vì thay đổi giá, nên nếu không có cơ chế khuyến khích khâu bán buôn, rất khó duy trì đại lý bán lẻ", ông Thanh nói.
Trong đơn kiến nghị mới đây của nhóm thương nhân phân phối xăng dầu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan đã chỉ ra thực tế, hiện hàng ngàn doanh nghiệp phân phối, đại lý và bán lẻ xăng dầu đang bị lệ thuộc vào các thương nhân đầu mối.
Trong khi đó, quy định chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ thương nhân đầu mối, có thể làm tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp lớn, tạo nên những đặc quyền thương mại và làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng, phân phối xăng dầu.
Còn khác biệt về quan điểm
Trả lời về vấn đề trên, một đại diện của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, việc sửa đổi quản lý được đưa ra sẽ có hướng tiếp cận khác so với các mặt hàng bình thường: không đơn thuần là áp chế tài cho chặt mà có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia.
Việc đưa ra các quy định trong nghị định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đồng thời gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung, giảm can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lại cho rằng quy định chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối là chưa phù hợp và cần phải cho thương nhân phân phối mua bán của nhau: Trong điều kiện nguồn cung khan hiếm, nhiều thương nhân phân phối không mua được hàng của thương nhân đầu mối thì có thể mua hàng của nhau. Các công ty cũng được thành lập kinh doanh theo quy định pháp luật, nên việc giới hạn việc mua xăng dầu này là không phù hợp.
Xin được mua trực tiếp từ nhà sản xuất
Trong đơn kiến nghị mới đây gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ ngành, nhóm thương nhân phân phối xăng dầu cho hay mong muốn quy định cần phải đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các khâu trong chuỗi phân phối.
"Doanh nghiệp phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn, bao gồm cả nhà sản xuất xăng dầu. Tách biệt đơn vị độc lập nhập khẩu và phân phối với đơn vị thống lĩnh thị trường, Nhà nước can thiệp bằng các biện pháp điều tiết linh hoạt, bỏ quỹ bình ổn, tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia để can thiệp khi thị trường có biến động", nhóm thương nhân phân phối xăng dầu đề xuất.
Cẩn thận gây lãng phí và tốn kém
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cần cân nhắc các quy định liên quan tới điều kiện hoạt động của thương nhân phân phối xăng dầu. Đơn cử như việc có kho bể dung tích tối thiểu 2.000m3 và hoặc tối thiểu năm cửa hàng. Bởi theo hiệp hội này, trên thực tế các thương nhân phân phối sau khi mua hàng từ thương nhân đầu mối thường gửi hàng tại kho của đầu mối. Do đó, nếu quy định như vậy dẫn tới việc mua hàng của đầu mối này nhưng lại thuê kho gửi hàng của đầu mối khác là không phù hợp, nên quy định sở hữu kho là không cần thiết, gây lãng phí và tốn kém cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận