10/05/2016 12:05 GMT+7

Doanh nghiệp xả trộm bị phát hiện rất ít so với thực tế

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - TS. Trần Thế Loãn, nguyên phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm đã nói như vậy tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức sáng 10-5.

TS. Trần Thế Loãn, nguyên phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết, doanh nghiệp xả thộm bị phát hiện thấp hơn rất nhiều so với thực tế

Cuộc tọa đàm liên quan đến ba nhóm nội dung: quy chuẩn xả thải và sức chịu đựng của môi trường; giám sát xả thải, kiểm soát ô nhiễm và quan trắc môi trường; quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch môi trường và quy hoạch bảo vệ môi trường.

Chuyện xả trộm vẫn có, nhưng việc phát hiện được các đơn vị xả trộm luôn thấp hơn so với thực tế rất nhiều. Đây là vấn đề liên quan đến dân trí và ý thức của doanh nghiệp, tuy nhiên trong việc giám sát, các cơ quan nhà nước cũng không kiên quyết.
TS. Trần Thế Loãn

“Người làm quy chuẩn chịu nhiều sức ép, như sức ép phát triển kinh tế, sức ép với dân cư, sức ép với các nhà quản lý môi trường. Làm quy chuẩn, quan trọng nhất là vấn đề sức chịu tải môi trường từng khu vực một. Để đánh giá tốt sức chịu tải từng khu vực một là rất khó, và đến nay chúng ta chưa đánh giá được” - ông Loãn chia sẻ.

Theo ông Loãn, để đưa ra được sức chịu tải, đưa ra quy chuẩn về môi trường thì phải quản lý tốt quy hoạch.

“Ví dụ khu vực này có 5 nhà máy, được xác định như vậy là đủ rồi, nhưng mai kia lại thêm vào 1 nhà máy nữa thì sẽ phá vỡ hết sức chịu tải môi trường của khu vực” - TS Loãn khẳng định.

Đề cập đến nhóm nội dung về kiểm soát ô nhiễm, ông Loãn cho hay các quy định hiện nay cũng nhằm quản lý nguồn thải, nhưng giữa quy định và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước chưa đáp ứng được.

Ông cho rằng việc quy hoạch trong quản lý hiện nay vẫn là vấn đề tồn tại, với môi trường càng là vấn đề.

“Quy hoạch phải dựa trên sức chịu tải về môi trường. Ví dụ quy hoạch ngành xi măng, mỗi năm lại bổ sung thêm nhà máy thì làm sao quản lý được về môi trường. Tôi cho rằng khâu yếu nhất là quản lý quy hoạch” - ông Loãn nói.

Formosa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân "còn “tham” về kinh tế"

Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường - Ảnh: Xuân Long

Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường nói vậy khi nêu ý kiến tại buổi tọa đàm.

Đề cập đến nội dung giám sát xả thải, kiểm soát ô nhiễm và quan trắc môi trường, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ khẳng định hiện nay đã có đầy đủ luật, quy định để thực hiện giám sát. Tuy nhiên phải nói tính tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của VN, của doanh nghiệp còn hạn chế.

"Qua báo chí, các lãnh đạo đã nói rất nhiều không vì kinh tế mà bỏ môi trường. Thực tế, qua câu chuyện Formosa vừa rồi, tôi cho rằng đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân cho thấy còn tham về kinh tế quá. Có khía cạnh tham, nóng vội về lợi nhuận kinh tế quá nên bây giờ có khả năng mắc bẫy về môi trường” - ông nói.

“Như vậy có thể nói chúng ta làm chưa đi đôi với nói. Vậy giải pháp phải như thế nào? Vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm của những ông chủ nhà máy phải kèm theo sự giám sát từ người dân địa phương. Nếu doanh nghiệp, các ông chủ cố tình không tuân thủ thì có giám sát đến mấy cũng không đủ thời gian, không đủ năng lực để giám sát cả ngày lẫn đêm” - GS Nhuệ nói tiếp.

Tuy nhiên, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ thẳng thắn cho rằng, đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tính tuân thủ về môi trường cao nhất vẫn là các doanh nghiệp của Nhật Bản, sau đó mới đến châu Âu, rồi mới đến Trung Quốc, Đài Loan.

Về nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cũng chia sẻ từ năm 2003, Luật quy chuẩn, tiêu chuẩn đã ra đời.

“Khách quan mà nói thì nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đến nay. Tất nhiêu chưa thể nói đã đầy đủ và chi tiết. Vì vậy, trong mấy trăm hệ sản xuất công nghiệp, chúng ta cần phải cụ thể, chi tiết hơn đối với quy chuẩn, tiêu chuẩn của từng ngành” -GS Nhuệ nói.

Theo GS Nhuệ, chất lượng quy chuẩn, tiêu chuẩn của VN hiện đã tiệm cận thực tế. “Trước đây khi xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường chúng ta cóp nhặt từ nước ngoài, còn bây giờ từ quy chuẩn, tiêu chuẩn đã đi sát với thực tế” - ông Nhuệ cho hay.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên