TTCT - "Hãy quên đi những đơn hàng lớn ở thời điểm này, các doanh nghiệp đều nói đến thị trường ngách". Trong showroom chuyên về hàng nội thất nằm ở vị trí mặt tiền tại khu vực sầm uất và "nhà giàu" của TP Thủ Đức là phường Thảo Điền, ông Nguyễn Văn Sang, giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hàng Việt (Viet Products) trầm ngâm nói: "Kinh doanh lâu năm, sống sót sau hai năm dịch COVID-19, vậy mà chưa bao giờ doanh nghiệp của tôi lại rơi vào trạng thái như bây giờ: đó là không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơn 3 tháng!".Ngày này còn khó gấp bội ngày đại dịch"Công ty tôi vừa xuất khẩu thành công hai container hàng với hơn 100 mã hàng mỗi container, tức có đủ thứ cho một ngôi nhà trong một container đó. "Bán lẻ" kiểu này là điều chưa từng xảy ra với các doanh nghiệp xuất khẩu có xưởng sản xuất lớn. Nhưng khách hàng quốc tế cũng khó, để hạn chế tồn kho, họ chỉ mua số lượng ít nhưng đa dạng món" - ông Sang nói.Chỉ 2-3 năm về trước, mỗi mã hàng của một công ty sản xuất xuất khẩu quy mô như Viet Products có thể xuất khẩu đến vài chục container. Nhưng bây giờ tình hình đã khác.Nhiều doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng xuất khẩu đã tập trung kích cầu tiêu dùng ở thị trường nội địa nhưng không dễ dàng. Trong ảnh: Một cửa hàng nội và ngoại thất ở TP Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Phương QuyênHơn một năm trước, cùng với nhiều công ty xuất khẩu nội thất khác, công ty của ông Sang khấp khởi bước ra khỏi đại dịch với nhiều hy vọng về phục hồi hoạt động. Thời điểm đầu của dịch tuy có nhiều bất ổn nhưng lúc đó các ông chủ doanh nghiệp vẫn có cái nhìn lạc quan rằng: dịch rồi sẽ qua, vắc xin sẽ có, việc đoán định được thời điểm dịch kết thúc cũng dễ dàng.Thời điểm đó, cũng có khách mua hàng quốc tế tuyên bố phá sản, dừng hoạt động nhưng nhìn chung đơn hàng vẫn tăng. Nhà mua hàng đặt nhiều, thậm chí đặt dư ra vì sợ bị đứt hàng, phần vì logistics khan hiếm, khó khăn. Vì thế, ngay khi vừa ra khỏi dịch, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất. Những doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất còn nhìn thấy triển vọng từ làn sóng dịch chuyển khách hàng lớn ở Mỹ sang Việt Nam. Đó là khoảng giữa năm 2022.Bước qua đại dịch, các doanh nghiệp bắt đầu tính chuyện "lấy lại những gì đã mất". Một số mạnh dạn tuyển lại lao động, khởi động lại các nhà xưởng, thậm chí còn vay thêm để mở rộng lại nhà xưởng… Nhưng rồi từ tháng 11-2022, các đơn hàng có dấu hiệu giảm dần, và đến tháng 1-2023, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi các biến động của lạm phát quốc tế, xung đột Ukraine - Nga… bắt đầu thấm vào doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả đều tệ khi sản xuất ở các ngành hàng đều suy giảm, thị trường xuất khẩu chao đảo, chi tiêu của người dân bắt đầu thắt lại, trong nước tiêu dùng cũng suy giảm."Đến bây giờ có thể thẳng thắn rằng hoạt động kinh doanh đã giảm đến 70%, chứ không phải là 30 - 40% như các doanh nghiệp vẫn kháo nhau nữa. Khó lắm rồi" - vị giám đốc bày tỏ.Chưa bao giờ các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp này lại ngắn như hiện nay, các bộ phận chỉ có thể lên kế hoạch kinh doanh cho 3 tháng chứ không thể có "tầm nhìn" dài hơn vì không biết mình sẽ sản xuất cái gì và bán cho ai. Tình huống bây giờ còn khó gấp nhiều lần khi còn trong dịch!"Hãy quên đi những đơn hàng lớn ở thời điểm này, các doanh nghiệp đều nói đến thị trường ngách, đó là bán cho khách hàng nhỏ, với những đơn hàng lên đến cả 100 mã hàng trong cùng một container, chứ không còn một mã nhưng số lượng đến vài chục container của những ngày tháng trước. Những đơn hàng này không hẳn đem lại lợi nhuận mà chỉ giúp chúng tôi có thể duy trì hoạt động nhà máy. Họ chấp nhận, cố gắng xoay xở, thích nghi" - ông Sang nhìn nhận.Biết ra sao ngày maiCửa hàng chuyên trang trí nội thất này cũng bắt đầu treo bảng khuyến mãi cho dịp lễ 30-4 và 1-5. Giữa lúc thị trường bất động sản và xây dựng đóng băng, chỉ có cách khuyến khích người dân mua sắm thì doanh nghiệp mới có nguồn thu, tránh hàng tồn. "Cửa hàng ở ngay khu vực khá giả của thành phố, lớp thu nhập trung lưu những tưởng sẽ ít bị ảnh hưởng, nhưng thực tế là thu nhập ai cũng giảm chung. Những người khá giả trước đây vào mua nhiều món, mua không nhìn giá, cứ đưa lên xe chở về. Nhưng bây giờ khách chủ yếu là người làm cho các tập đoàn, người nước ngoài sống trong khu vực này" - ông Sang nói.Ông Sang có hai nhà máy ở Đồng Nai và Đồng Tháp, nhưng công suất các nhà máy giảm dần, bây giờ cũng chỉ có thể duy trì khoảng 30%. "Chúng tôi buộc phải cho 70% công nhân nghỉ, chờ có đơn hàng mới tính tiếp được".Điều làm ông day dứt là về nhóm lao động có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Họ là nhóm chịu nhiều tổn thương. Những công nhân ở các nhà máy trước kia có mức lương bình quân từ 8-9 triệu đồng/tháng, bây giờ chưa đến 4-5 triệu vì không đủ ngày công, phải nghỉ làm cả ngày thứ sáu vì thiếu việc. "Một nhà máy của chúng tôi cũng phải cắt giảm đến 70% lao động. Đấy là chuyện rất đau xót, nhưng khi ông chủ doanh nghiệp còn chưa thể biết kế hoạch kinh doanh trong 3 tháng tới của mình như thế nào thì việc giữ chân người lao động là rất không khả thi" – ông Sang nói.Khi nghe hỏi bi kịch lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là gì, câu trả lời thường chỉ có một: Chắc chắn là lãi suất cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải nai lưng ra trả lãi suất nhưng lại không có đơn hàng và doanh số. Hầu hết đều dùng đòn bẩy tài chính để sản xuất, hoạt động. Hiện tại, họ ở trong tình trạng không có sản xuất nhưng lãi suất vẫn phải trả với mức cao ngất ngưởng. Từ cuối năm ngoái, lãi suất tăng cao như một đòn giáng thêm. Nó cũng đáng sợ không khác gì lúc các doanh nghiệp chạy đôn đáo vay ngân hàng để kịp có vốn mua nguyên vật liệu, sản xuất phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm ngoái. Nhưng gõ cửa đâu cũng nghe lời từ chối "hết room". "Nhiều doanh nghiệp chết vì cú đó. Nếu được bơm vốn kịp thời, có thể họ đã khác".Mới đây, doanh nghiệp của ông Sang được cơ cấu lại các khoản vay, giúp doanh nghiệp này thoát khỏi nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu.Năm ngoái, Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận, nếu có tiếp cận thì cũng bỏ luôn ý định vay. "Ngân hàng nêu ra các quy định, điều kiện để được hưởng gói lãi suất… nhưng cũng bỏ nhỏ rằng họ sợ không quyết toán được, sau này thanh tra vào kiểm tra thì không biết mình có phải đối tượng phù hợp hay không. Vậy là mình thôi".Một câu chuyện cụ thể như chuyện doanh nghiệp của ông Sang cũng có thể giúp đúc kết ít nhiều chuyện cụ thể cần sửa. Chẳng hạn, muốn phát huy các chính sách hỗ trợ, cần nhất là có thiết kế riêng cho từng đối tượng cụ thể. Môi trường kinh doanh cũng là yếu tố hàng đầu được doanh nghiệp quan tâm. Tuần trước, nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở nhiều ngành nghề ngồi lại với nhau, cái khó mà ai cũng nêu ra đầu tiên là việc hoàn thuế xuất khẩu. Tiền của mình muốn lấy về sao mà gian nan. Kế tới là những cản trở khiến doanh nghiệp mất tính cạnh tranh như chi phí đường bộ, cảng biển quá cao làm tăng chi phí logistics, họ than hoài cũng chưa thấy gì được cải thiện.Dẫu đã từng trải qua nhiều đợt khủng hoảng của kinh tế, chính trị quốc tế, nhưng các tác động của khủng hoảng lên doanh nghiệp Việt Nam lúc này mới thực sự nặng nề vì độ mở kinh tế của Việt Nam đã lớn hơn trước rất nhiều. Quy mô của các doanh nghiệp Việt cũng lớn hơn, mà những doanh nghiệp lớn thì không thể xoay xở theo cách doanh nghiệp nhỏ, họ đều phải theo quy trình đã được chuẩn hóa. Điều đó khiến các doanh nghiệp cần phải được cấp cứu khẩn trương hơn.Giữa trưa tháng 4, không gian trưng bày của showroom nóng nực, các máy điều hòa tắt bớt vì vắng khách, cũng có thể để tiết kiệm chi phí. Và ngành điện đã tính đầy đủ các phương án tăng giá trong thời gian tới. ■ Tags: Doanh nghiệp ViệtXuất nhập khẩuCông ty sản xuấtXưởng sản xuấtDoanh nghiệp xuất khẩuDoanh nghiệp Việt NamHàng xuất khẩuThị trường nội địaHoạt động kinh doanhXây dựng kế hoạchKế hoạch kinh doanhChủ doanh nghiệp
Bầu cử Mỹ: Suýt có khủng bố tại tòa nhà Quốc hội Mỹ? DUY LINH 05/11/2024 Một người đàn ông đã bị bắt tại Trung tâm Du khách thuộc Điện Capitol. Theo miêu tả của cảnh sát, người này "có mùi xăng, cầm đuốc và súng bắn pháo sáng”.
TP.HCM góp ý về vị trí đặt trạm thu phí ở dự án mở rộng quốc lộ 13 qua Bình Dương ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 1.360 tỉ đồng.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.