Tuy nhiên, để hàng tái chế "phủ sóng" nhiều hơn nữa trên kệ hàng, các doanh nghiệp vẫn đau đầu giải quyết bài toán chi phí và đầu ra khi các sản phẩm xanh này luôn gặp rào cản về giá thành cao hơn sản phẩm thông thường từ 10 - 30%.
Doanh nghiệp tăng sản xuất hàng tái chế
Bước vào bên trong nhà máy của Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP.HCM), khách hàng bất ngờ khi ngay giữa văn phòng có một không gian trưng bày hàng trăm sản phẩm quần áo của các hãng thời trang lớn trên thế giới như đang đi trung tâm thương mại. Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm tại đây đều là quần áo vải tái chế từ chai nhựa, mía, bắp...
Trong đó có những sản phẩm 100% từ chất liệu tái chế từ vải, chỉ lẫn bo cổ áo. Theo doanh nghiệp này, những quần áo cũ sẽ được doanh nghiệp tái chế để làm ra một chiếc áo mới và xuất đi các thị trường lớn. Bên cạnh các sản phẩm tái chế do doanh nghiệp chủ động thiết kế và sản xuất, có nhiều sản phẩm tái chế do các đối tác lớn từ Mỹ, EU và Nhật Bản đặt hàng doanh nghiệp này sản xuất.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng dần dần thay thế các sản phẩm tái chế trong các sản phẩm của mình. Đại diện Nestlé cho biết doanh nghiệp này đã chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy trên các sản phẩm sữa uống liền dù các loại ống hút giấy này có giá thành đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa.
Trong khi đó, Công ty Lamipak cũng sẽ giới thiệu các loại hộp sữa không tráng nhôm, giúp hộp sữa dễ tái chế gấp bội lần so với hộp sữa bình thường. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cung cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn các sản phẩm hộp sữa không tẩy dễ phân hủy, giảm tối đa mực in hóa học...
Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, ông Jacobo Perez Polaino - tổng giám đốc Sika Việt Nam - cho biết doanh nghiệp đang dùng các can chứa sản phẩm làm từ nhựa tái chế và có những sản phẩm doanh nghiệp sẽ thu hồi để tái sử dụng cho các đơn hàng sau. "Ngay cả các pallette đóng hàng cũng được doanh nghiệp thu gom, phân loại, sửa chữa để tiếp tục dùng cho những chuyến hàng sau", ông Jacobo Perez Polaino cho biết.
Chưa chủ động nguồn hàng, giá sản phẩm còn cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Như Tùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, cho biết các sản phẩm quần áo từ chất liệu tái chế là xu hướng tiêu dùng trên thế giới, song mức độ tiêu thụ vẫn chưa tăng cao so với các chất liệu cũ. Doanh thu các sản phẩm tái chế chiếm khoảng 20 - 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp dệt may này.
Tuy nhiên theo ông Tùng, rào cản lớn nhất đối với sản phẩm tái chế là giá thành vẫn còn cao, cao hơn 15 - 20% những sản phẩm thông thường khác. Hơn nữa, các thiết bị máy móc để sản xuất ra hàng tái chế cũng có giá cao hơn các loại máy móc thông thường. "Nền kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn nên giá cả sản phẩm vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động được nguồn nguyên liệu khi phải nhập khẩu nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh. Tuy vậy, ông Tùng cho hay vẫn có các tín hiệu tích cực là có những phân khúc khách hàng đồng ý trả giá cao hơn để mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Khuất Quang Hưng - giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam - cho biết dù chi phí sản xuất ống hút giấy đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa song doanh nghiệp phải đảm bảo việc thay ống hút không làm thay đổi giá sản phẩm. Theo ông Hưng, doanh nghiệp không quá chú trọng đến bài toán kinh tế ngắn hạn. Thay vào đó, doanh nghiệp muốn thay đổi thói quen người tiêu dùng với sản phẩm xanh.
Ông Lê Tâm Khôi, giám đốc marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương Công ty Lamipak, cho biết giá của các hộp sữa không có màng nhôm cao hơn so với hộp sữa thông thường khoảng 12% và giá của hộp sữa không tẩy lại cao hơn đến 19%.
Theo ông Khôi, dù áp dụng công nghệ tiên tiến và dùng nguồn nguyên liệu hiệu quả song việc sản xuất hộp giấy thân thiện với môi trường mới chỉ dừng lại ở sản xuất quy mô nhỏ, đơn hàng lẻ tẻ. Điều này đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm đại trà.
"Chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể chịu được chi phí khổng lồ này, tuy nhiên họ chỉ đặt hàng với số lượng rất ít bởi số lượng sản phẩm bán ra không đáng kể so với sản phẩm thường bởi trở ngại về giá", ông Khôi cho hay.
Ngày càng nhiều thương hiệu lớn quan tâm
Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững Duytan Recycling, cho biết chi phí nhựa tái sinh cao hơn nhựa nguyên sinh khoảng 25 - 35% tùy công dụng sản phẩm. Trong đó, nhựa tái sinh dùng cho thực phẩm có giá thành cao nhất.
Trong thực tế, dù bắt đầu sản xuất năm 2021 song đến nay Duy Tân vẫn đang "gồng lỗ", thậm chí có thời điểm hàng tồn nhiều, công ty phải tạm ngưng hoạt động nhà máy. Tuy vậy, ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới quan tâm và đặt vấn đề hợp tác cùng Duy Tân để mua các đơn hàng lớn cho các sản phẩm nhựa tái chế.
"Thách thức lớn nhất của ngành tái chế nhựa Việt Nam vẫn là phân loại rác tại nguồn khi với doanh nghiệp này, chỉ 50% nguyên liệu được thu gom đáp ứng đủ tiêu chuẩn để làm ra hạt nhựa tái sinh chất lượng cao", ông Lê Anh cho biết.
Nỗ lực vì môi trường xanh
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để tái chế các sản phẩm, cải tiến quy trình và hợp tác với các đối tác để giảm phát thải, tăng tái chế sản phẩm. Chẳng hạn, Tập đoàn Friesland Campina đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Công ty giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty cơ khí xây dựng Trường Thịnh cam kết tái chế 100% rác thải bao bì của mình tới năm 2030.
Theo đó, doanh nghiệp ngành sữa này sẽ hỗ trợ các đối tác trong việc thu gom và tái chế bao bì giấy vỏ hộp sữa và giấy carton do doanh nghiệp này sản xuất. Ông Richard Kiger - tổng giám đốc Friesland Campina Việt Nam - cho hay đây là bước đi tiên phong của doanh nghiệp này trong việc chủ động thực thi nghị định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Trong khi đó, ông Binu Jacob - tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - cho biết cam kết sẽ giảm 20% lượng phát thải vào 2025 và giảm đến 50% lượng phát thải vào 2030 để đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Trong năm 2023, doanh nghiệp này đã giảm đến 13,58% lượng phát thải nhờ những nỗ lực thay đổi trong quy trình sản xuất, trong đó có việc tăng dùng các sản phẩm tái chế.
Tương tự, ông Jacobo Perez Polaino - tổng giám đốc Sika Việt Nam - cho biết doanh nghiệp này cam kết giảm 20% khí thải nhà kính, giảm 15% tài nguyên thiên nhiên trong xử lý chất thải và lượng nước xả trên mỗi tấn hàng hóa bán ra. Tại Việt Nam, Sika cũng cam kết đồng hành với Chính phủ đưa mức phát thải ròng về 0 trong năm 2050.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận