Ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa sản xuất là xu hướng chung của các doanh nghiệp khi hội nhập. Trong ảnh: robot tại Nhà máy Vinamilk ở Bình Dương - Ảnh: T.T.D.
Đó là khẳng định cũng như thực tế được các doanh nhân chỉ ra tại tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp Việt chuyển mình" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 12-10. Từ chuyện kể làm ăn của doanh nhân, có nhiều bài học được rút ra.
Chế biến là cách "giải cứu" tốt nhất
Ông Phan Minh Thông - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh - là người được biết đến với danh hiệu "Vua hồ tiêu". Nhiều năm qua ông đã đưa Phúc Sinh vượt qua những công ty đa quốc gia để dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng này tại Việt Nam.
Không chỉ kinh doanh trong nước, Phúc Sinh còn đặt trụ sở tại châu Âu, châu Mỹ để buôn bán nông sản trên quy mô toàn cầu, lĩnh vực mà chỉ những công ty đa quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời có lợi thế.
Ông Thông cho hay tuy ngành hồ tiêu hay cà phê của Việt Nam vẫn chịu cảnh giá tăng giảm thất thường nhưng không còn tình trạng nông sản làm ra không tiêu thụ được, phải "giải cứu". Đó là nhờ các doanh nghiệp ngành này đã đầu tư nhiều vào nhà máy và công nghệ chế biến cũng như phát triển thị trường rất tốt sau khi sản lượng trong nước tăng liên tục.
Việc đầu tư vào chế biến cũng làm tăng thêm giá trị nông sản để doanh nghiệp Việt Nam có thể tích lũy, mở rộng và phát triển thị trường. Ngoài ra, việc am hiểu thị trường trong nước sẽ là lợi thế để cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí là vượt trên cả những doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Thông cho rằng thị trường nội địa là cơ hội lớn. Dù thị trường cà phê tại Việt Nam rất cạnh tranh nhưng ông Thông tự tin rằng K Coffee vẫn có cơ hội thành công, vì là đơn vị đầu tiên đưa cà phê đạt hai tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu là BRC và UTZ để bán cho người tiêu dùng trong nước.
"Tôi làm cà phê với thông điệp người Việt Nam có quyền uống cà phê chuẩn châu Âu. Khi thói quen của người tiêu dùng thay đổi sang lựa chọn cà phê theo chất lượng, chúng tôi sẽ thành công. Thị trường nội địa là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhưng đang bị bỏ quên.
Khi sang Đài Loan hay Nhật Bản, tôi thấy có hàng trăm loại bánh gạo khác nhau, trong khi Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới có bao nhiêu thương hiệu bánh gạo? Nếu có thêm các nhà máy chế biến thanh long, hành, khoai lang... sẽ không còn cảnh kêu gọi giải cứu. Không chỉ tiêu thụ trong nước, chế biến xuất khẩu cũng tăng thêm giá trị cho nông sản Việt Nam" - ông Thông nói.
Dây chuyền hiện đại được một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư và cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp lớn như Canon, LG... - Ảnh: THANH HƯƠNG
Tư duy từ trái dừa xiêm Bến Tre trên đất Mỹ
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty Vina T&T - chia sẻ câu chuyện đưa trái dừa xiêm Bến Tre giành thị trường dừa tươi trên đất Mỹ. Khoảng 2 năm trước, dừa nước tại Mỹ chủ yếu là hàng Thái Lan. Việt Nam cũng có dừa nhưng không được khách hàng ưa chuộng.
Sang Mỹ tìm hiểu, ông Tùng mới phát hiện trái dừa của Việt Nam đang bán tại Mỹ là dừa lai với độ ngọt và hương vị không bằng dừa Thái. Một số doanh nhân đã bán dừa lai với tên gọi dừa xiêm nên khách hàng tại Mỹ không thích.
Ông Tùng bàn với một đối tác tại Mỹ quyết tâm giành lại thị trường cho trái dừa xiêm Bến Tre bằng cách tặng một container dừa để đối tác dùng thử và giới thiệu với người tiêu dùng.
Trái dừa xiêm Bến Tre chính hiệu có chất lượng cao và giá rẻ hơn dừa Thái Lan ngay lập tức nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng tại Mỹ. Đơn đặt hàng tăng liên tục và đến nay ở nhiều khu vực tại Mỹ, dừa xiêm Bến Tre đã đẩy lùi được dừa Thái.
"Việt Nam có nhiều mặt hàng trái cây ngon nhưng thiếu công nghệ bảo quản và chi phí logistics quá cao nên khó cạnh tranh với hàng của các nước khác. Nếu được hỗ trợ ở hai lĩnh vực trên, hàng Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính với số lượng lớn hơn nhiều.
Để chiến thắng ở thị trường quốc tế thì doanh nghiệp phải có cái nhìn vượt xa bản thân doanh nghiệp mình, phải có tư duy "hàng Việt Nam tại Mỹ" để so với hàng Thái Lan chứ không phải là hàng của công ty A hay công ty B ở Mỹ".
Ông Tùng cũng cho hay thị trường trong nước có nhu cầu rất lớn các loại trái cây và thực phẩm chất lượng cao. Sau nhiều năm xuất khẩu trái cây cao cấp sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Vina T&T đang lên kế hoạch đưa trái cây cao cấp quay lại thị trường nội địa bằng chuỗi cửa hàng vào cuối năm nay.
"Không chỉ có chất lượng cao nhờ vùng trồng được kiểm soát theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, chúng tôi sẽ bán trái cây tới tay người tiêu dùng rẻ hơn ở chợ đầu mối nhờ cắt giảm được các khâu trung gian" - ông Tùng nói.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đừng để doanh nghiệp cô đơn
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ - phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, người đã có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, nên cảm nhận được nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt. Dù có cải cách nhưng cơ quan thừa hành bên dưới vẫn hành doanh nghiệp.
"Trong các ngành, rủi ro nhiều nhất là doanh nhân. Nhìn bề ngoài "hoành tráng" vậy nhưng có rất nhiều rủi ro bủa vây" - bà Huệ cho hay.
Bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết trong hai, ba năm trở lại đây đã có sự thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Dù vậy, xét cả về mục tiêu của Chính phủ đặt ra cũng như mong muốn của giới doanh nhân thì chưa đạt. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm 50% trong số gần 6.000 điều kiện kinh doanh nhưng đến quý 3-2018 chỉ đạt 30% yêu cầu.
Khảo sát từ doanh nghiệp, bà Thảo cho biết phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định kinh doanh ở Việt Nam khó khăn vô cùng vì chi phí không chính thức. Trong đó, chi phí chi cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, các bộ phận trong cơ quan quản lý nhà nước khi làm thủ tục... là nhiều vô kể. Người ta gọi những doanh nghiệp không chịu chung chi là "doanh nghiệp cô đơn".
Nhà nước cần có tư duy doanh nhân
Ông Đỗ Hòa - tổng giám đốc Công ty Tinh hoa quản trị - chia sẻ quan sát của cá nhân về việc phát triển thị trường nội địa của Việt Nam khó khăn vì thiếu vắng các doanh nghiệp phân phối lớn. Đó là do các chính sách làm khó doanh nghiệp, đẩy chi phí lên quá cao, doanh nghiệp càng lớn càng rủi ro nên không muốn "lớn".
Theo ông Hòa, nhà nước cần có tư duy doanh nhân. Mỗi quyết định đưa ra cần cân nhắc sẽ đem lại gì cho doanh nghiệp, giúp người kinh doanh thuận lợi như thế nào thay vì tốn thời gian và chi phí của họ. Vì vậy, chính sách phải làm cho doanh nghiệp và doanh nhân tốt hơn.
Kinh doanh - nghề rủi ro nhất
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, công ty phá sản thì công nhân về quê nghỉ ngơi rồi xin việc tiếp, nhưng doanh nhân thất bại đánh đổi bằng gia đình, hạnh phúc và nhiều khi là cả cuộc sống của họ nữa. Làm doanh nhân khổ hơn người bình thường vì người ta ăn cơm ngày ba bữa, còn doanh nhân có khi ăn ngày một bữa cơm.
Bà Phạm Thị Bích Huệ cùng đồng ý rằng doanh nhân là nghề rủi ro nhất. Trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam thì doanh nhân càng rủi ro hơn và thường đối mặt với một tương lai bất định. Có những doanh nhân năm này làm ăn tốt, xuất hiện trước công chúng nhiều, tham gia nhiều chương trình từ thiện nhưng năm sau đã thấy mất hút.
Báo chí đồng hành với doanh nghiệp
Ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ:
Tuổi Trẻ luôn đồng hành, cổ vũ những nỗ lực của doanh nghiệp trên con đường phát triển. Chúng tôi đã thấy được vẻ đẹp của doanh nhân Việt Nam trong cuộc cạnh tranh hết sức khó khăn hiện nay. Doanh nhân không chỉ đam mê mà còn có tấm lòng rất lớn đối với xã hội, đất nước mới vượt qua được những khó khăn thầm lặng.
Chúng tôi mong muốn và đề nghị doanh nhân gợi ý cho các cơ quan truyền thông thực hiện các nhiệm vụ giám sát xã hội, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn tiềm ẩn, những trở ngại mà cộng đồng doanh nhân đang đối mặt hằng ngày trên thương trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận