Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng phân tích dữ liệu trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Đó là nhận xét của ông Võ Tân Thành, phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm giám đốc VCCI-HCM, tại hội thảo "Trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu hình ảnh, tiềm năng chưa được khai thác cho doanh nghiệp" diễn ra ngày 1-3.
Cụ thể, theo ông Thành, việc hiểu đúng, xây dựng được văn hóa dữ liệu ở doanh nghiệp, tái lập cách ra quyết định bằng dữ liệu là xu hướng chuyển đổi số tất yếu khi phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn chưa được các doanh nghiệp chú trọng và khai thác hết tiềm năng, đặc biệt là dữ liệu hình ảnh.
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cũng đồng tình rằng bài toán ứng dụng dữ liệu data là mấu chốt trong công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn với hầu hết các doanh nghiệp Việt hiện nay là vấn đề nhận thức và triển khai văn hóa dữ liệu ở doanh nghiệp, cách doanh nghiệp ra quyết định bằng dữ liệu như thế nào cho hiệu quả, thu thập được data, lưu trữ như thế nào và phân tích dữ liệu giúp ích gì cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Công ty HP, sự gia tăng của xu hướng làm việc từ xa, làm việc qua mạng cũng đặt các doanh nghiệp trước nguy cơ dễ bị tấn công mạng nhiều hơn. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần có cách tiếp cận mới trong việc bảo vệ mình, đặc biệt là dữ liệu của doanh nghiệp mình.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới. Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển 3 trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.
Thực tế hiện nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong nước và start-up khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI và ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây gần hai năm, việc ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng trở thành điểm sáng trên thế giới. AI đã giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên y tế và lực lượng chống đại dịch thông qua các ứng dụng truy tìm và bản đồ dịch tễ học. Theo hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo và trí tuệ tính toán 2020, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về lĩnh vực AI.
Các ý kiến tham dự hội thảo cũng cho rằng tác động từ dịch COVID-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc, cũng như việc xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số...
Đây được ví như là thời cơ, "cú hích trăm năm" để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận