10/10/2018 14:03 GMT+7

Doanh nghiệp Việt chịu chi mua công nghệ mới

N.BÌNH - M.PHƯỢNG - N.AN
N.BÌNH - M.PHƯỢNG - N.AN

TTO - Hội nhập ngày càng sâu, nhiều doanh nghiệp (DN) đang chuyển mạnh từ kinh doanh bất động sản, thâm dụng tài nguyên, lao động... sang đầu tư vào sản xuất, áp dụng công nghệ cao, dần tạo nên sự thay đổi chung.

Doanh nghiệp Việt chịu chi mua công nghệ mới - Ảnh 1.

Nhờ ứng dụng công nghệ, gốm sứ Minh Long I đã tăng chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không chỉ một số DN bất động sản lớn công bố đầu tư vào sản xuất, thậm chí cả trí tuệ nhân tạo, nhiều DN đang quyết liệt bỏ tiền vào công nghệ, tạo nên một cuộc cạnh tranh cân sức hơn với khối ngoại.

Ứng dụng robot vào sản xuất

Khi thương hiệu gốm sứ Minh Long I đã được biết đến nhiều với sản phẩm chén bát thì ông chủ Minh Long I quyết định bước rẽ mới với dòng sản phẩm nồi dưỡng sinh. Đây cũng là một trong những DN đầu tiên có thể làm ra dòng sản phẩm nồi sứ có thể sử dụng trên bếp điện từ của thế giới.

Khi công nghệ sản xuất lên một mức cao hơn, khó mà chấp nhận chuyện hai cái chén sứ úp vào nhau bị chênh nhưng ông Lý Huy Sáng, phó tổng giám đốc Minh Long I, cho biết để có thể giảm 95% lao động, thay thế bằng máy móc như hiện nay là cả quá trình dài. 

"Chúng tôi tính toán, trong lĩnh vực của mình, chỉ trong vòng 2 năm nữa những lợi thế cạnh tranh cũ, như nhân công giá rẻ sẽ mất đi" - ông Sáng nói. Nên đến nay, cùng một khối lượng công việc, chất lượng sản phẩm, công ty gốm sứ Minh Long I đã giảm số lượng nhân công từ 400 xuống còn 20.

Dù ngành gốm sứ trước đây phụ thuộc nhiều vào tay nghề thủ công của người thợ, như là một đặc thù của ngành, nhưng theo ông Sáng, điều đó cũng có nghĩa chất lượng sản phẩm sẽ phập phù vì tùy tay nghề người thợ. Tự động hóa sẽ giải quyết được bài toán này. 

Và quả thực, sau thời gian đầu tư công nghệ, không chỉ sản lượng tăng lên mà chi phí sản xuất cũng được giảm xuống, chất lượng sản phẩm ổn định...

Công ty CP Traphaco cũng vừa ứng dụng robot trong vận hành dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP - WHO). 

Nhà máy Traphaco Hưng Yên có công suất 1,2 tỉ đơn vị sản phẩm mỗi năm đã giảm 1/2 số người tham gia vận hành so với quy trình cũ nhưng năng suất tăng gấp 3 lần.

Đại diện Traphaco cho hay nguyên tắc "no touch, no dust" (không chạm, không bụi) được áp dụng, đã giúp không gây nhiễm chéo, giúp tối ưu hóa chất lượng sản phẩm.

Ông Muralidhar, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Deloitte Consulting SEA, cho biết cùng với Philippines, VN là một trong những quốc gia áp dụng robot nhanh nhất khu vực. 

"Tôi có đơn vị ở VN đã hợp đồng nhập đơn hàng 300 robot" - ông Muralidhar nói.

Muốn xuất khẩu phải có

Thép là ngành luôn bị "định kiến" là sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, tiêu hao nguyên liệu và gây ô nhiễm môi trường, song nhiều DN đang chuyển hướng đầu tư gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ. 

Như tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Tuấn Dương, phó chủ tịch HPG, cho biết định hướng phấn đấu là phát triển theo chiều sâu, gắn với đầu tư công nghệ hiện đại của các nước G7, thân thiện môi trường. 

Dẫn thực tế từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, ông Dương cho hay đã ứng dụng quy trình sản xuất khép kín, tận dụng toàn bộ nhiệt, khí than để sản xuất và tự chủ khoảng 50% điện sản xuất. Xỉ lò luyện thép cũng được tái sử dụng để sản xuất trở lại làm phụ gia ximăng, bêtông chịu mặn. 

Hiện Hòa Phát đang xuất khẩu được các sản phẩm sang Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN... khoảng 10% tổng sản lượng bán ra.

Với dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất với 4 triệu tấn/năm, máy móc thiết bị chính đều được nhập từ châu Âu. Theo ông Dương, Khu liên hợp Dung Quất mà Hòa Phát đang xây dựng khi đi vào vận hành sẽ có doanh thu gần 3 tỉ USD và đóng góp vào GDP khoảng 1 tỉ USD/năm.

Theo ông Nguyễn Liêm - tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt (tỉnh Bình Dương), đằng sau thành tích xuất khẩu lớn, ngành gỗ VN đang xây dựng thương hiệu thông qua không ngừng đầu tư công nghệ, cải thiện năng suất. 

Như DN của ông, chỉ trong năm 2016 đầu tư hơn 1 triệu USD cho trang bị máy móc và sẽ tiếp tục đầu tư, tập trung vào các thiết bị công nghệ cao tự động, bán tự động... để cạnh tranh.

Thoát cảnh năng suất thấp

Trong nhiều thống kê, VN được khẳng định là nước có năng suất lao động thấp của khu vực. 

"Năm 2017, Minh Long I bắt đầu đưa robot vào quy trình sản xuất, để viết được câu chuyện cải thiện năng suất lao động" - ông Lý Huy Sáng giải thích quyết định trên: nếu phụ thuộc vào lợi thế nhân công giá rẻ sẽ khó bền vững khi mức lương lao động ở VN tăng lên nhanh nhưng khó tăng giá thành sản phẩm lên tương ứng.

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, một số thương hiệu trong ngành mất đi do áp lực cạnh tranh. Nhưng hiện nhiều DN đã đầu tư công nghệ, chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Như SaigonFood, từ hạt gạo đã cho ra cháo ăn liền cao cấp.

Cháo ăn liền dạng gói trên thế giới đã thay đổi chất liệu để chịu đựng được trong lò viba. Nhưng sau bao nhiêu thử nghiệm, DN phát hiện với môi trường nhiệt độ tại VN, sản phẩm trong túi không có màng nhôm (để hâm nóng được trong lò viba) sẽ bị rút ngắn thời gian bảo quản và ảnh hưởng màu sắc. 

Vậy là sau đầu tư công nghệ, sản phẩm dạng chén ra đời.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - phó tổng giám đốc Saigon Food, giá cả sản phẩm sau khi cải tiến rất cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 giá hàng nhập khẩu từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

"Nếu đầu tư, ngành công nghiệp bao bì VN sớm đáp ứng thì chắc chắn giá sản phẩm còn cạnh tranh hơn nữa" - bà Lâm nói.

Xu hướng tất yếu

43573197_1751613291614335_2868454901464170496_n (1) 3(read-only)

Dây chuyền sản xuất hiện đại của một DN dược VN - Ảnh: M.P.

TS Võ Trí Thành, nguyên viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, những lợi thế mà VN đang tận dụng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài như chi phí thấp, nhân công giá rẻ ngày càng trở nên mong manh.

Về dài hạn, xu hướng hiện đại hóa máy móc sản xuất là tất yếu, bên cạnh đó cũng phải tìm cách thoát bẫy về vốn, công nghệ trung bình...

Ông Nguyễn Thành Long, chuyên gia về marketing số, đánh giá thời gian gần đây đã có doanh nghiệp chuyển mình thành công. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt chưa coi sáng tạo là một giá trị cốt lõi.

Nếu muốn đi xa hơn, VN cần có nhiều hoạt động đầu tư sáng tạo mới có thể hi vọng hình thành những thương hiệu lớn, ra thế giới.

TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright VN):

Doanh nghiệp thay đổi, nền kinh tế sẽ chuyển mình

3767350huynhthedu 3(read-only)

TS Huỳnh Thế Du - Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu DN ban đầu kinh doanh bất động sản, thâm dụng tài nguyên... tích lũy đủ tiềm lực tài chính rồi chuyển sang được giai đoạn đầu tư cho sáng tạo, phát triển công nghiệp chế tạo, với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan làm được thì nền kinh tế sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Còn trong thời gian dài các "đại gia" cứ phụ thuộc vào bất động sản như tại Indonesia và Philippines, không đầu tư cho đổi mới sáng tạo, và công nghiệp chế tạo không phát triển được thì các nền kinh tế luôn trục trặc...

Gần đây một số DN trong nước đã chủ động đưa ra hướng phát triển mới, tập trung vào sản xuất, đó là xu hướng tích cực, nhưng rõ ràng ở tầm quốc gia cần một sân chơi, môi trường rộng hơn.

Các chính sách hỗ trợ hướng vào DN cụ thể thường nhạy cảm và dễ mất ý nghĩa. Muốn chuyển sang giai đoạn sản xuất, đổi mới, sáng tạo để phát triển, tôi cho rằng Nhà nước nên tập trung vào các hỗ trợ nền tảng như nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới sáng tạo...

Những yếu tố này sẽ quyết định thành công của một quốc gia, tốt cho tất cả DN. Nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhờ có nền tảng giáo dục, tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo.

iFind - sân chơi mới của các doanh nghiệp Việt

Nhiều người trong số họ quyết định tìm đến những sân chơi mới giàu tiềm năng, cho phép họ chủ động hơn và mang lại doanh số thực sự như iFind.

N.BÌNH - M.PHƯỢNG - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên