Tác động tỉ giá lên các khoản vay USD khó tránh, nhưng mỗi doanh nghiệp chịu ảnh hưởng "nặng, nhẹ" khác nhau tùy thuộc vào điều kiện trong hợp đồng, kỳ hạn, loại lãi suất…
Giá USD tăng, lỗ vài trăm tỉ đồng sau 3 tháng
Một trong các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ ở mức lớn là Tổng công ty Phát điện 3 - EVNGENCO3 (PGV).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2024 cho thấy, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn PGV hơn 34.500 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 3 này, giảm so với đầu năm.
Đặc thù ngành điện với các dự án đầu tư kéo dài, chiếm tỉ trọng lớn nhất tại PGV vẫn là các khoản vay nợ dài hạn. Báo cáo quý không thuyết minh nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán 2023 cho thấy, PGV vay USD rất lớn.
PGV có khoản vay 21.644 tỉ đồng bằng USD cho dự án nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 và một khoản vay khác trị giá 2.930 tỉ đồng cho Vĩnh Tân 2. Chưa kể còn các khoản vay khác bằng đồng nhân dân tệ, yen Nhật.
Tỉ giá từ đầu năm đến nay tăng gần 5%. PGV cũng ghi nhận khoản lỗ ròng do chênh lệch tỉ giá hơn 617 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi hơn 172 tỉ đồng.
Dư nợ vay lớn, lãi vay riêng 3 tháng đầu năm của EVNGENCO3 là 604 tỉ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - PV Power (POW) áp lực không kém khi đến cuối năm 2023, dư nợ vay bằng USD có xu hướng tăng lên và đạt hơn 2.543 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023). Các khoản vay của POW chủ yếu lãi suất thả nổi.
PV Power là một trong số ít những tập đoàn lớn trong ngành sản xuất điện của Việt Nam, nắm giữ 11% công suất phát điện cả nước. Tại báo cáo cuối tháng 3-2024, khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) lo ngại POW sẽ chịu rủi ro lỗ tỉ giá tiềm tàng từ dư nợ vay khoảng 700 triệu USD tài trợ cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4.
Theo tính toán của MBS, với mỗi 1% tỉ giá tăng, POW có thể ghi nhận lỗ tỉ giá khoảng 160 - 180 tỉ đồng trong những năm đầu tiên vận hành.
Loạt doanh nghiệp vay nợ USD lớn
Một doanh nghiệp xây lắp điện khác cũng có các khoản vay lớn bằng USD là Tập Đoàn PC1. Báo cáo tài chính quý 1-2024 cho thấy, tổng nợ vay tài chính doanh nghiệp này hơn 10.800 tỉ đồng, trong đó nợ vay bằng USD gần 3.900 tỉ đồng và tỉ lệ lãi suất thả nổi tương đối lớn.
Trong cơ cấu chi phí tài chính quý 1-2024, khoản lỗ chênh lệch tỉ giá do PC1 đánh giá lại số dư cuối kỳ gần 81 tỉ đồng, cùng kỳ 2023 chỉ 408 triệu đồng. Tổng chi phí tài chính cũng tăng hơn 27%, lên gần 270 tỉ đồng.
Năm ngoái chi phí lãi vay PC1 ở mức 843 tỉ đồng cùng gần 92 tỉ đồng khoản lỗ chênh lệch tỉ giá chưa thực hiện.
Tổng công ty Nước - môi trường Bình Dương (Biwase - BWE) cũng có phần lớn dư nợ gốc ngoại tệ. Cuối tháng 3-2024, dư nợ vay USD của Biwase xấp xỉ 3.000 tỉ đồng, chiếm quá nửa tổng dư nợ vay tài chính.
Năm ngoái, Biwase lỗ ròng gần 27 tỉ đồng từ chênh lệch tỉ giá. Quý đầu năm nay, doanh nghiệp lỗ ròng tiếp hơn 1 tỉ đồng do tỉ giá, trong khi cùng còn lãi.
Vietnam Airlines cũng là doanh nghiệp vay USD lớn. Năm ngoái hãng lỗ ròng từ chênh lệch tỉ giá 902 tỉ đồng, năm 2022 còn lớn hơn với 1.500 tỉ đồng.
Đến cuối năm ngoái, dư nợ vay tài chính USD của VNA ở mức hơn 6.000 tỉ đồng, chưa kể các khoản nợ thuê tài chính có gốc ngoại tệ gần 420 triệu USD…
Báo chí tường thuật lại, tại một hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giữa tháng 3, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết cứ tỉ giá tăng 1% thì chi phí của tổng công ty tăng thêm 300 tỉ đồng.
Doanh nghiệp thiệt kép khi USD neo cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Nhật Nam - cựu phó tổng giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội - cho biết doanh nghiệp vay nợ USD có thể chịu thiệt kép từ tỉ giá và lãi suất USD trong bối cảnh hiện nay.
Những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ "chật vật" hơn những khoản vay lãi suất cố định. Bởi ngoài chênh lệch tỉ giá hối đoái, doanh nghiệp còn phải chịu thêm chi phí lãi vay khi lãi suất USD neo cao.
Việc tỉ giá tăng không chỉ gây áp lực cho các khoản vay của doanh nghiệp mà còn của Chính phủ. Bởi vậy, việc cân đối, kiểm soát tỉ giá là mục tiêu quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận