Phóng to |
Một gian hàng Ninomaxx Concept trong trung tâm thương mại Crescent mall, quận 7, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM |
Khi hai cửa hàng Ninomaxx và Maxstyle rất lớn đồng loạt đóng cửa trên đường Hai Bà Trưng (TP.HCM), chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thời Trang Việt Nguyễn Hữu Phụng lập tức dính ngay nghi án tin đồn phá sản. Không tin cũng khó khi đồng loạt các cửa hàng còn lại trong hệ thống ồ ạt treo băngrôn to đùng “mua 1 tặng 1” khắp nơi.
Đóng cửa hàng nhỏ để mở cửa hàng to
"Chúng tôi cũng không nhìn hiện tượng bán hàng giảm giá như một sự thất bại, mà xem đây là cơ hội để nhiều người tiêu dùng được sở hữu sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình tại những cửa hàng bán hàng giảm giá của công ty đầu tư" |
Với quan điểm “đóng cửa hàng nhỏ, mở cửa hàng to hơn”, 185 cửa hàng hiện có của công ty khắp cả nước sẽ thay đổi theo chiến lược phát triển mới này, trong đó việc bán hàng tồn và đưa hàng mới vào bán trong hệ thống sẽ được làm song hành, liên tục.
Theo ông Thomas J. Ngo, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thời Trang Việt, với hệ thống quản lý được quản trị bằng công nghệ thông tin, việc kiểm soát hàng tồn kho sẽ được biết chính xác trên từng sản phẩm ở từng cửa hàng một. “Điều này giúp chúng tôi quyết định nhanh việc chuyển sản phẩm từ cửa hàng này sang cửa hàng khác nếu hàng bán không chạy, hoặc thanh lý dứt điểm bằng giá sốc để dọn chỗ cho sản phẩm mới lưu thông” - ông Thomas giải thích.
Khẳng định mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện chậm nhất vào tháng 7-2012 tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, ông Phụng cho rằng nền tảng lớn nhất để công ty mạnh dạn tái cấu trúc lần này chính là thương hiệu sản phẩm đã được nhận diện, có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng và hệ thống tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, ổn định. Tùy từng phân khúc sản phẩm “đánh” vào từng tầng lớp người tiêu dùng khác nhau, ông Phụng tự tin khẳng định sản phẩm của Ninomaxx, Maxstyle trong giai đoạn mới sẽ rẻ 30-40% so với giá bán hiện tại “do được tổ chức sản xuất với số lượng cực lớn nên kéo giá thành sản xuất xuống ở mức thấp nhất”.
Tạo hướng đi riêng
Càng khó càng phải... tiếp thị Ông Trần Việt Tiến, giám đốc Công ty CP mỹ thuật Gia Long (TP.HCM), cho biết trong khó khăn càng không thể nằm im... chờ chết mà phải chủ động tìm kiếm hợp đồng mới. Cuối năm 2011, do khủng hoảng kinh tế ở châu Âu lan rộng, hầu hết khách hàng cũ của công ty đã tạm ngưng ký hợp đồng mới cho những tháng đầu năm 2012. Tình thế của công ty đang đối mặt nhiều khó khăn do thị trường nội địa, địa bàn mà công ty tập trung phát triển trước đó đã có dấu hiệu chững lại. Do đó, công ty bỏ ra một số tiền lớn để mang sản phẩm của mình qua châu Âu giới thiệu. “Chúng tôi tự tin đem hàng đi vì Gia Long đã coi sáng tạo trong thiết kế sản phẩm là lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Có một sản phẩm mà cứ giục người ta xem và ký hợp đồng nhiều lần thì người ta bực, nhưng chỉ cần thay đổi thiết kế màu sắc một chút rồi gửi cho khách hàng thì họ lại thích và mua hàng” - ông Tiến nói. |
Ông Trần Đăng Khoa, giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Khánh Linh (Kalix, TP.HCM), xác định không cạnh tranh trực tiếp với các công ty lớn mà tự tìm hướng đi riêng: chỉ sản xuất các loại phân bón chuyên biệt cho từng loại cây trồng cụ thể, thay vì để người dân mua nhiều loại phân bón như hiện nay sẽ tốn kém vì lãng phí mà còn tốn nhiều công chăm sóc.
Do đó, Kalix chủ động hợp tác với các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và trường đại học để xác định nhu cầu cụ thể về thành phần dinh dưỡng cho từng loại cây trồng, sau đó đầu tư kinh phí để làm thí nghiệm chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây. Có sản phẩm theo đơn đặt hàng của mình, công ty đưa đi áp dụng ở Tây nguyên.
Thay vì mỗi năm người trồng cà phê, điều, cao su... bón 5-6 loại phân bón khác nhau thì nay chỉ cần sử dụng hai loại phân của Kalix cho mỗi loại cây trồng là đủ nhu cầu dinh dưỡng. Nhờ đó, chi phí sản xuất nông nghiệp của nông dân thấp hơn khoảng 15% tiền mua phân bón, trong khi chi phí nhân công giảm một nửa. Theo ông Khoa, ngoài cà phê, đến nay công ty đã có phân bón chuyên biệt cho các cây trồng chủ lực như tiêu, cao su, cây ăn trái và đang mở rộng ra cây lúa ở khu vực ĐBSCL.
Tạo khác biệt
Theo ông Thomas J. Ngo, thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống quản trị và giá bán phải thật cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài lẫn thương hiệu trong nước. “Chúng tôi không e ngại tiếp tục đóng cửa những cửa hàng kinh doanh không hiệu quả để mở mới những điểm hiệu quả hơn” - ông Thomas tự tin.
Còn Kalix tự nhận mình là doanh nghiệp nhỏ mới thành lập nên không có nhiều vốn để đầu tư nhà máy lớn công nghệ cao. Do đó, công ty quyết định thuê sản xuất bên ngoài nhằm hạn chế việc vay với lãi suất cao cho việc đầu tư nhà xưởng. “Nhiều người cứ nghĩ rằng phải là những công ty lớn mới thuê sản xuất bên ngoài nhưng không phải, quan trọng là bí quyết công nghệ và xây dựng thương hiệu của mình, còn thuê ngoài thì ở quy mô nào cũng làm được” - ông Khoa chia sẻ.
Thậm chí Kalix còn đàm phán với nhiều nhà máy phân bón không sử dụng hết công suất để các nhà cung ứng và sản xuất cho Kalix được trả chậm hoặc gối đầu. Cách làm này không những giúp công ty tạo được thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời buổi suy thoái, lượng hàng bán ra bốn tháng đầu năm 2012 vẫn tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận