“Điều này thật không thể tưởng tượng được”, giáo viên địa phương Pan Sombo nói khi ngước nhìn những dự án nhà cao tầng bị đình trệ tại thành phố Sihanoukville.
Giáo viên Pan Sombo cho biết năm 2019 là thời điểm thị trường bất động sản Campuchia bùng nổ mạnh mẽ. Khi đó, một doanh nghiệp Trung Quốc đã đặt vấn đề về việc xây dựng tòa nhà chung cư cao 10 tầng trên khu đất trống rộng 750m².
Với lời hứa tòa nhà sẽ được hoàn thành vào năm 2021, cùng mức giá cho thuê lên đến 5.000 USD/tháng - gấp 10 lần thu nhập của một giáo viên, Pan Sombo đã đồng ý hợp tác.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng nổ, các doanh nghiệp Trung Quốc tháo chạy khỏi Campuchia và cho biết không thể tiếp tục hợp tác. Đây là những thông tin cuối cùng về dự án mà Pan Sombo biết được.
Không chỉ trường hợp này, thành phố Sihanoukville hiện không thiếu những dự án dang dở như vậy.
Theo thống kê từ chính quyền thành phố, Sihanoukville có khoảng 360 tòa nhà chưa hoàn thiện và khoảng 170 tòa nhà khác đã hoàn thành nhưng vẫn để trống.
Với vị trí đắc địa bên vịnh Thái Lan, Sihanoukville trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thu hút làn sóng đầu tư từ Trung Quốc giai đoạn 2010. Thậm chí, nơi đây còn được mệnh danh là Macao thứ hai với hàng chục sòng bạc mọc lên.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi hoàn toàn từ sau đại dịch. Theo thống kê từ Bộ Du lịch Campuchia, năm 2023 Campuchia tiếp đón khoảng 550.000 khách du lịch Trung Quốc, giảm 77% so với năm 2019.
Ngoài ra, sân bay quốc tế Sihanoukville đón 15.754 lượt khách vào năm ngoái, giảm 98% so với năm 2019, thời điểm gần nhất được ghi nhận trước khi đại dịch bùng nổ.
Theo báo Nikkei Asia, Campuchia phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Năm 2022, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt khoản đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 1,9 tỉ USD, trong đó 90% đến từ Trung Quốc.
“Thật khó để lấp đầy khoảng trống do Trung Quốc để lại bằng các khoản đầu tư từ các quốc gia khác”, giám đốc một công ty xây dựng Campuchia nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận