17/02/2023 10:51 GMT+7

Doanh nghiệp TP.HCM nói ngành nào cũng khó, cũng khát vốn

Các doanh nghiệp đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm giải phóng nguồn lực vốn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp TP.HCM nói ngành nào cũng khó, cũng khát vốn - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp - Ảnh: TIẾN LONG

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa nêu ra thực trạng như vậy tại buổi gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, do Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Văn Nên trực tiếp chủ trì.

Doanh nghiệp thấm khó khăn khi sử dụng hết nguồn lực dự trữ

Báo cáo tại hội nghị sáng 17-2, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết kết quả khảo sát cuối năm 2022 cho thấy số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chỉ còn chiếm tỉ lệ tối thiểu là 14%, so với 17% của quý trước.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 64%, tăng đáng kể so với 57% của quý trước.

"Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỉ lệ 26% của quý trước đó. Điều này cho thấy một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ", ông Hòa nói và cho biết bên cạnh những tín hiệu tích cực, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khá nhiều khó khăn.

Theo ông Hòa, hiện hầu hết doanh nghiệp đang khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng, với lý do "đang hết room tín dụng", không có nguồn tiền gửi để cho vay, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay…

Bên cạnh đó, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Ông Hòa kiến nghị ngân hàng cần nhận diện các khó khăn này để hỗ trợ doanh nghiệp, bằng cách mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỉ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay…

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay.

Thậm chí, việc khống chế tỉ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Nhà nước cũng cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm.

"Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước công bố sớm chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân với khách hàng để tránh đưa doanh nghiệp vào tình trạng bất ngờ", ông Hòa nhấn mạnh.

Doanh nghiệp TP.HCM nói ngành nào cũng khó, cũng khát vốn - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM Đỗ Phước Tống phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TIẾN LONG

Cải cách hành chính tối đa để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp

Người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng kiến nghị TP.HCM tiếp tục tập trung siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất có thể để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Hòa, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiện nay khó khăn hơn trước do các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ công chức không nhiệt tình với công việc.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị thành phố quan tâm tháo gỡ kịp thời kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch cấp chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng...

Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM - cho rằng ngành cơ khí là ngành công nghiệp cơ bản nhưng tại Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng. Nếu không có hậu thuẫn chính sách thì ngành cơ khí rất khó phát triển.

Chương trình kích cầu đầu tư, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đã triển khai, nhưng thành phố vẫn chưa duyệt hỗ trợ lãi suất cho vay theo chương trình kích cầu, doanh nghiệp phải bán nhà để giải quyết vốn vay với ngân hàng.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó về "định kiến" chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp làm tốt nhưng vẫn phải chọn cách xuất khẩu hàng sang nước ngoài rồi nhập lại để đảm bảo xuất xứ "G7".

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM - cũng nhìn nhận lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất trong những tháng đầu năm.

"Với lãi suất vay trên 10% thì không thể nào ngành chế biến, lương thực thực phẩm kinh doanh có lãi. Kết hợp với giá điện, nước, chi phí đầu vào cũng đang làm cho lợi nhuận ngành thấp. Nhiều doanh nghiệp hạ tỉ suất lợi nhuận đến 50-70%", bà Chi nêu.

Khó khăn về tài chính, dòng tiền cũng đẩy doanh nghiệp thực phẩm, trong đó có những doanh nghiệp quy mô vừa "bán mình" cho quỹ đầu tư. Đây là điều đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến chương trình xây dựng những doanh nghiệp chủ lực của thành phố.

Doanh nghiệp bất động sản loay hoay vượt khóDoanh nghiệp bất động sản loay hoay vượt khó

"Doanh nghiệp làm gì để đứng vững trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay?" đang là câu hỏi khiến không ít chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản phải đau đầu tìm giải pháp


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên