03/06/2015 00:02 GMT+7

​Doanh nghiệp thủy sản sau FTA

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam
Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Sau các hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế non trẻ Việt Nam sẽ bước ra sân chơi rộng cùng các nền kinh tế lớn.

hinh-20-1433388212.jpg

Cơ hội xuất khẩu nhiều hơn với thuế quan ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài tăng lên nhưng cam kết mở cửa lại tỷ lệ nghịch với không gian chính sách. Để tận dụng thời cơ, tránh những thất bại đáng tiếc, doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng mong mỏi nhiều hơn vào những chính sách có hiệu quả của Nhà nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên sân chơi lớn.

Trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 09 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt các FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU...

Các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền, thậm chí là cấm Chính phủ được thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế. 

Theo quy định của WTO về trợ cấp, cụ thể là trong Hiệp định về Chống trợ cấp và Các biện pháp đối kháng (SCM) thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho sản xuất chính là các chương trình trợ cấp và cho tới nay hầu hết các chương trình trợ cấp đều có nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp. Sau các hiệp định thương mại tự do, các hiệp hội, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có sự hỗ trợ nhưng trên thực tế Chính phủ đang bị ràng buộc bởi các quy định rất chặt chẽ của WTO và pháp luật của các nước.

Do đó khi doanh nghiệp nhận được một chính sách hỗ trợ chính là khoản trợ cấp của Chính phủ thì trong tương lai các chương trình trợ cấp này có thể bị điều tra và các doanh nghiệp sẽ phải tham gia vào các vụ chống trợ cấp đó. Do đó, càng cam kết nhiều thì không gian chính sách càng bị thu hẹp, Nhà nước khó có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp mà chỉ có thể làm bằng các biện pháp như: nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá để giảm thiểu những bất lợi của FTA…

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp thủy sản cần những chính sách đầy đủ hơn, đặc biệt là theo thông lệ, cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều chính sách đặt ra về mục tiêu theo thông lệ quốc tế nhưng những điều khoản, quy định phía trong lại phát sinh hoặc gây khó cho các doanh nghiệp và có tác dụng ngược lại.

Thủy sản đang là một ngành tạo ra giá trị lớn cho đất nước và tập hợp được nguồn lực của cả nông ngư dân và doanh nhân, trong đó, kinh tế tư nhân có vai trò chủ chốt. Do đó, năng lực cạnh tranh đang là vấn đề quan trọng nhất mà các doanh nghiệp thủy sản đang quan tâm và tập trung sau các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, giá thành sản xuất nông lâm thủy sản trong nước quá cao khiến cho chuyện bỏ ao, hiện tượng được mùa mất giá xảy ra thường xuyên. Giá thành quá cao là nguyên nhân chính làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Hơn nữa, khi Việt Nam tiếp cận với một sân chơi rộng và mở, để tạo nên sản phẩm có năng lực cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp thủy sản đã phải nhập khẩu thêm thủy sản và nguyên vật liệu như: bao bì, phụ gia… Tuy nhiên những chính sách về thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu lại không thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính những chính sách này đang làm đáng kể năng lực của doanh nghiệp. Vậy thì, sau hội nhập, trước hết, doanh nghiệp mong muốn những quy định chính sách trong nước phải tính tới việc phù hợp hơn sao cho doanh nghiệp có thể thực hiện được và nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, ngành bán lẻ Việt Nam hầu như không được hỗ trợ nhiều trong không gian chính sách sau hiệp định thương mại tự do, nếu có được hỗ trợ thì cũng chưa tương xứng và hiệu quả chưa cao. Trong tương lai, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn Nhà nước tiếp tục và trợ giúp nhiều hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, quảng bá thương hiệu… để thích nghi nhanh sau hội nhập.

Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập là tất yếu. Tuy nhiên, ở một sân chơi quốc tế lớn với những cường quốc lớn, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn quy mô vừa và nhỏ, để không gánh những bài học thất bại không đáng có, Nhà nước cần tận dụng không gian chính sách hẹp hợp lý hơn, phù hợp hơn để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên trường quốc tế. Như ý kiến của một vị đại biểu tại hội hội thảo: quan trọng nhất là Nhà nước cần định hướng, ngành nào có thể đi xa và đi đến đâu? Ngành nào có thể là sức mạnh đưa Việt Nam lên thành cường quốc. Nếu nông nghiệp là một thế mạnh thì cần cố gắng tận dụng chuyển giao công nghệ giảm giá thành sản xuất, đào tạo nhân lực, có những chính sách hỗ trợ tích cực để phát triển.

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thủy sản FTA