Sau dịch, các công ty vàng phải tăng dự phòng do khách hàng bán vàng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức ngày 10-6, bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch HĐQT PNJ - cho biết thực tế trên và PNJ phải dự trữ khối lượng tiền mặt lớn để phòng trường hợp khách hàng đã mua vàng trước đây bán ra.
Điều này khiến chi phí lãi vay của PNJ năm nay tăng thêm 50 tỉ đồng nhưng phải chấp nhận vì vàng miếng là tiền. Nếu kinh tế khó hơn người ta sẽ tăng bán vàng nên công ty có sẵn tiền để mua lại lượng vàng của người dân.
Dẫn trường hợp công ty nữ trang T "bán mình" cho DOJI vừa qua, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết đây là công ty rất tốt nhưng qua đợt dịch vừa qua phải bán công ty vì không đủ thanh khoản để mua lại lượng hàng mà người dân đã mua trước đây bán trở lại.
"Nhiều nhà đầu tư cũng hỏi chúng tôi về thanh khoản, chúng tôi cũng trình bày sẽ không bị ảnh hưởng bởi mọi chuyện đã được tính toán và dự phòng", bà Dung khẳng định.
Ông Lê Trí Thông, tổng giám đốc PNJ, nói thêm rằng việc tăng vay vốn để có tiền mặt dự phòng là để đảm bảo hoạt động. Đó cũng là uy tín của công ty. Một số tiệm vàng nhỏ có thể đóng cửa, ngưng hoạt động một thời gian nhưng PNJ không như vậy.
"Chúng tôi cho rằng sau dịch sẽ là giai đoạn suy thoái trước khi hồi phục và hiện mới là bước đầu tiên giai đoạn suy thoái nên chưa nói trước được điều gì", ông Thông cho biết thêm.
Do dịch bệnh, PNJ cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020. Theo đó doanh thu thuần giảm 15% so với 2019, chỉ tiêu lãi gộp và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 16% và 30% so với cùng kỳ.
Đại hội cổ đông PNJ cũng bầu bổ sung 3 thành viên tham gia HĐQT công ty gồm chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải, tổng giám đốc Công ty nhân sự Talentnet Tiêu Yến Trinh và bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận