13/08/2024 10:43 GMT+7

Doanh nghiệp tăng tuyển dụng, thiếu 200.000 - 300.000 lao động qua đào tạo

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động trong khi nguồn cung giáo dục nghề nghiệp không đủ, thiếu tới 200.000 - 300.000 người.

Doanh nghiệp tăng tuyển dụng, thiếu 200.000 - 300.000 lao động qua đào tạo- Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ được tư vấn, định hướng học nghề từ sớm tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" - Ảnh: HÀ QUÂN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có trả lời cử tri Long An về tuyển dụng lao động khó khăn và đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề, qua đào tạo.

Nhiều học sinh không thích học nghề

Theo cử tri tỉnh Long An, việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định. Có thể kể đến như chất lượng đào tạo nghề tại một số trường còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc đào tạo liên thông các trường để học tập, nâng cao trình độ còn hạn chế, học sinh không thích vào học các trường nghề.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề. Nguyên nhân do nguồn cung lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ.

Số lượng đầu vào học giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng hạn chế từ 400.000 - 500.000 người/năm so với gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm. Rất nhiều người trẻ chọn vào học đại học hoặc đi làm ngay mà không qua đào tạo.

Năm 2024, theo bộ, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động. Trong đó 44% không qua đào tạo, 19% trình độ đại học trở lên và khoảng 37% trình độ trung cấp, cao đẳng (tương đương khoảng 700.000 người).

Qua tính toán, nguồn cung lao động học nghề còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người.

Lao động học khối nghề có cơ hội việc làm tốt ngay khi ra trường, mức lương hấp dẫn - Ảnh: GIA ĐOÀN

Lao động học khối nghề có cơ hội việc làm tốt ngay khi ra trường, mức lương hấp dẫn - Ảnh: GIA ĐOÀN

Các công ty "đỏ mắt" tuyển dụng nhân sự khối nghề

Hiện các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển lao động chưa qua đào tạo với nhiều chính sách đãi ngộ tốt khiến nguồn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hạn chế.

Việc liên thông giữa các trình độ đào tạo thuận lợi dẫn đến số người học tốt nghiệp ra trường đi làm ngay giảm.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, quý 3-2024, nhu cầu nhân lực tại tỉnh hơn 37.000 lao động. Trong đó, các công ty sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao cần lao động có tay nghề, qua đào tạo.

Cuối tháng 7-2024, báo cáo phiên giao dịch việc làm 6 địa phương gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn cho biết nhu cầu lao động phổ thông chỉ khoảng 1/3 tổng số chỉ tiêu (khoảng 11.000 người), còn lại là trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên.

Với mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, nhà tuyển dụng cần ứng viên có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, chịu áp lực công việc cao.

Thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng là các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng…

Nhóm tuyển nhiều nhất thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng chủ yếu là kế toán hoặc nhân viên kỹ thuật có tay nghề.

Đầu tháng 8-2024, ManpowerGroup có báo cáo thị trường lao động ngành công nghệ thông tin 2024.

Khoảng 78% doanh nghiệp ngành này gặp khó khi tuyển dụng.

Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị liên tục diễn ra, các doanh nghiệp chất bán dẫn đang chuyển sang nội địa hóa sản xuất, kéo theo nhu cầu nhân lực lành nghề. 

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn để đáp ứng nhu cầu tăng 10-15%/năm.

ManpowerGroup cũng nêu 82% doanh nghiệp đang đầu tư vào nhân sự mới để làm chủ những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, ví dụ phổ cập của công nghệ AI, đòi hỏi các kỹ năng mới.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu các giải pháp như phân luồng, định hướng người học vào giáo dục nghề song song chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường thông tin, tư vấn tuyển sinh.

Bộ còn phối hợp với hệ thống giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông phân luồng, định hướng người học để tăng số lượng đầu vào khối nghề, cải thiện cả chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trường đại học, cao đẳng đáp ứng 85% nhu cầu lao động tại TP.HCMTrường đại học, cao đẳng đáp ứng 85% nhu cầu lao động tại TP.HCM

Theo báo cáo, các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM hiện đang đáp ứng khoảng 85% nhu cầu lao động của thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên