Người dân đổ xăng ở cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Nhưng theo ông Tuấn, việc điều hành giá xăng dầu là theo thị trường và có sự kiềm chế bằng việc sử dụng quỹ bình ổn để tránh gây sốc cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc tăng giá xăng dầu liên tục thời gian qua là không tính đến quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là người tiêu dùng - người tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong lần điều chỉnh ngày 7-7, nếu không cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá đối với xăng là 500 đồng/lít thì mức tăng giá sẽ là 410 đồng/lít. Vì kể từ ngày 23-6, diễn biến giá xăng dầu liên tục tăng ở mức cao, đỉnh điểm là mức 126 USD/thùng vào ngày 1-7.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch HĐQT Tổng công ty xăng dầu Tự Lực I, bày tỏ ngạc nhiên về động thái tăng giá xăng hiện nay khi cho rằng những ngày gần đây giá xăng thế giới đang đi xuống, khoảng 2-3 USD/thùng.
Cũng theo ông Tiu, sau năm lần tăng giá bán lẻ xăng dầu từ đầu năm đến nay, với mức tăng tổng cộng là 1.430 đồng/lít, giá xăng dầu hiện đã lên mức cao nhất từ trước tới nay, với xăng A95 vùng 1 là 26.140 đồng/lít và vùng 2 là 26.660 đồng/lít (theo bảng giá xăng bán lẻ do Petrolimex công bố).
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng cơ quan quản lý cần phải xem xét lại việc tăng giá xăng liên tiếp từ đầu năm đến nay trong bối cảnh doanh nghiệp còn quá khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm sút.
Theo ông Long, giá xăng tăng cao sẽ tác động đến mặt bằng giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm. “Giá xăng dầu cao kỷ lục hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát sáu tháng cuối năm” - ông Long nhận định.
Dù ủng hộ quan điểm điều hành xăng dầu trong nước theo giá thế giới nhưng theo ông Long, nếu vẫn áp dụng mức giá của bình quân 30 ngày như hiện nay thì không phải là theo cơ chế thị trường, nên mới có chuyện giá thế giới đang xuống mà giá trong nước lại tăng.
Để chia sẻ khó khăn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, ông Long đề nghị Bộ Tài chính nên cắt giảm thuế xăng dầu, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngưng trích vào quỹ bình ổn giá xăng dầu là 300 đồng/lít, kg xăng dầu như hiện nay.
Khó chồng thêm khó
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Hòa, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may quốc tế Thắng Lợi, khẳng định với mức giá mới của dầu DO và FO - nhiên liệu chính trong khâu nhuộm, chi phí của doanh nghiệp này sẽ đội lên thêm ít nhất 1 tỉ đồng/tháng Chưa hết, chi phí vận chuyển chắc chắn cũng sẽ tăng theo giá xăng dầu.
“Nhiều chủ xe mà chúng tôi thuê bên ngoài đã thông báo miệng sẽ điều chỉnh cước phí trong nay mai” - ông Hòa cho biết.
Ông T.Đ.K., phụ trách kinh doanh một công ty sản xuất nệm mút cao su, cho biết chi phí xăng dầu hiện chiếm 3-5% chi phí giá thành sản xuất, còn chi phí vận chuyển phải cần đến 1 tỉ đồng/tháng để “nuôi” các đội xe chở hàng đi khắp nơi.
“Cộng hai lần tăng vừa rồi, xăng tăng gần 750 đồng/lít và dầu tăng 300-500 đồng/lít, chi phí phải bù thêm của công ty ít nhất là 300 triệu đồng/tháng. Trong khi sức mua thì quá ế, lại không tăng được giá bán” - ông K. nói.
Ximăng cũng bị giá xăng đè nặng bởi chi phí chuyên chở nguyên vật liệu và thành phẩm chiếm khá lớn. Trưởng phòng kinh doanh một công ty ximăng cho biết hằng tháng công ty phải chi 20-22 tỉ đồng cho các khâu vận chuyển. Với việc giá xăng dầu tăng liên tiếp cộng với chính sách siết tải trọng xe gắt gao, chi phí đầu vào sản xuất của ngành này bị đội lên nhiều, trong khi lượng tiêu thụ ximăng đang có dấu hiệu chậm lại do thời tiết không thuận lợi.
“Chắc chắn ngành vận tải, logistics sẽ chịu tác động mạnh do xăng dầu chiếm 30-35% chi phí, trong đó doanh nghiệp vận tải đường bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xăng dầu có thể chiếm tới 45% tổng chi phí” - ông Đỗ Xuân Quang, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics VN, khẳng định.
Theo ông Quang, các doanh nghiệp vận tải sẽ có nhiều kịch bản điều chỉnh giá cước để tránh lỗ như công bố tăng giá vận chuyển ngay hoặc tăng theo lộ trình, số khác sẽ tìm cách thu thêm phụ phí xăng dầu.
"Các doanh nghiệp logistics có thể áp dụng điều khoản hợp đồng tăng chi phí khi giá xăng tăng để bù lỗ” - ông Quang nói. Tuy nhiên theo ông Quang, người mua hàng cuối cùng sẽ là người phải gánh chịu nặng nhất chứ không phải doanh nghiệp vận tải hay logistics.
So giá xăng của Viêt Nam với Mỹ là không chính xác (?) Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương vừa diễn ra, trả lời câu hỏi vì sao giá xăng tại VN hiện đang cao hơn cả giá xăng tại Mỹ tới khoảng 4.000 đồng/lít, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết giá xăng dầu VN đang được điều hành theo nghị định 84/2009, trong đó tính giá bình quân 30 ngày. Trong khi đó, theo ông Hải, giá xăng dầu nếu tính phải tính tại một thời điểm, nếu đem so với các thời điểm khác sẽ không chính xác. Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định việc điều hành giá xăng dầu sắp tới, sau khi có nghị định mới thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu, “sẽ vận động theo quy luật thị trường, giá sẽ phải tính đúng tính đủ. Nhà nước sẽ hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách”. C.V.KÌNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận