Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
* Ông Phạm Văn Tam (chủ tịch Tập đoàn Asanzo):
Người tiêu dùng lãnh đủ
Với những nhà máy lớn, tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép, ximăng..., việc tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất. Nếu giá điện tăng hoặc các chi phí nhiên liệu sản xuất như xăng, dầu... tăng, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán để bù lại nên chính người tiêu dùng phải gánh chi phí này.
Không chỉ các sản phẩm sản xuất, giá các loại dịch vụ chắc chắn cũng sẽ ăn theo, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn hơn.
Do đó, theo tôi, cần có sự minh bạch trong giá điện từ chi phí đầu vào, duy trì bộ máy, chi phí truyền tải, hao hụt... Đồng thời, cần có thêm sự tham gia của nhiều công ty tư nhân đủ năng lực trong lĩnh vực này để đảm bảo tính cạnh tranh.
Ông Đỗ Xuân Chiểu (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Pomina):
Chi phí sản xuất tăng cao
Nếu mức giá điện mà Bộ Công thương trình được thông qua, các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ chịu tác động ngay lập tức lên giá thành sản phẩm.
Đơn cử như Pomina sản xuất khoảng 500.000 tấn phôi thép/năm, điện năng tiêu hao chừng 600 kWh cho 1 tấn phôi thép, nếu giá điện dự kiến tăng thêm 8,36%, giá thành sản xuất phôi thép sẽ tăng lên khoảng 0,6%/tấn so với trước.
Với chi phí đầu vào phát sinh tăng thêm này chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại giá bán cho phù hợp. Tuy nhiên, việc cân nhắc giá bán ở mức nào còn phải tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, chứ cũng không thể tăng theo ý chí mong muốn của doanh nghiệp được.
Nguồn: Bộ Công thương - Đồ họa: T.ĐẠT
* Ông Nguyễn Hoàng Ngân (tổng giám đốc Công ty CP nhựa Bình Minh):
Phải xây dựng lại kế hoạch lợi nhuận
Là ngành sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào điện năng, nên khi nghe giá điện tăng chắc chắn doanh nghiệp không thể vui được rồi. Vì sản xuất nhựa nói chung không thể sử dụng nguồn nhiên liệu nào khác thay thế ngoài điện.
Tại nhựa Bình Minh, chi phí điện bình quân khoảng 70 tỉ đồng/năm. Với mức tăng thêm là 8,36% như đề xuất, chi phí điện năng của công ty sắp tới sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỉ đồng/năm, một con số không nhỏ với doanh nghiệp sản xuất.
Trong năm 2019, Bình Minh chỉ xây dựng tăng trưởng lợi nhuận 2%, nên với dự kiến giá điện tăng như vậy, chắc chắn phải trình đại hội cổ đông xem lại kế hoạch lợi nhuận.
Trong thực tế, chúng tôi đã đầu tư thiết bị hiện đại, là cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm và hằng năm đều xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nên chi phí điện/sản phẩm là khá thấp so với cùng ngành.
Các doanh nghiệp khác có suất tiêu thụ điện năng/kg sản phẩm cao hơn còn chịu áp lực lớn hơn rất nhiều.
* Ông Phan Đức Chiến (giám đốc một công ty dệt may tại TP.HCM):
Doanh nghiệp thêm khó khăn
Do đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dệt may là tiêu thụ lớn điện năng nên mỗi sự điều chỉnh giá điện đều có tác động lớn đến doanh nghiệp.
Nếu tăng giá điện, chắc chắn sẽ đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên bởi ngoài nhân công, nguyên liệu thì điện cũng là yếu tố quan trọng tạo nên giá thành.
Ngành sản xuất dệt may đang cầm cự, không thể vận hành theo hướng chi phí sản xuất tăng sẽ đẩy giá bán ra tăng lên, nếu như vậy sẽ mất hết khách hàng.
Ngành dệt may không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cạnh tranh với các nước trong khu vực bởi đa số hàng xuất khẩu. Khi giá bán cao, phía nhập hàng có thể tìm đến các nước khác có chi phí sản xuất thấp hơn.
Với giá điện tăng, chúng tôi phải đàm phán lại với các đối tác, nếu đàm phán không được doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận