Chiến sự kéo dài, thương mại Nga - Trung tiếp tục tăng
Theo dữ liệu mới từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm 2022 tăng 29,3%, đạt mức 190,3 tỉ USD, cao nhất trong số các đối tác thương mại chính của nước này.
Y tế là một trong những ngành hàng tăng trưởng đáng kể. Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy trong năm 2022, Nga nhập khẩu lượng trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 404,39 triệu USD từ Trung Quốc, tăng 50,2% so với năm 2021.
Chia sẻ với báo South China Morning Post, ông William Liu, quản lý tiếp thị tại một doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị y tế ở tỉnh Quảng Đông, cho biết doanh thu xuất khẩu sang Nga của nhiều công ty tăng gấp hai lần năm trước.
Ông Liu kỳ vọng doanh thu tại khu vực lục địa Á - Âu năm nay ít nhất bằng năm ngoái, bất chấp việc Nga có thể cắt giảm ngân sách công cho y tế.
Nền công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng hưởng lợi lớn. Thị phần ô tô Trung Quốc tại Nga đã tăng từ 10% (đầu năm 2022) lên 30% (tháng 11 cùng năm), trang Kinh Tế Nhật Báo dẫn số liệu của Nga. Báo này cũng phân tích thêm: "Lệnh cấm vận của phương Tây tạo cơ hội lớn cho mảng cơ khí và điện tử".
Bà Yan Lin, quản lý kinh doanh tại một công ty chuyên về quần áo và thiết bị gia đình ở thành phố Thâm Quyến - khẳng định các doanh nghiệp Trung Quốc đã sẵn sàng mở rộng thị trường tại Nga, trong đó đặc biệt quan tâm các sàn thương mại điện tử.
Trong năm qua, Ozon, sàn thương mại được mệnh danh "Amazon của Nga", đã mở văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc, đặt trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ có 100.000 người bán hàng Trung Quốc.
"Chiến sự tại Ukraine ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ thương mại Nga - Trung. Nếu cuộc chiến còn kéo dài, thương mại song phương được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh", ông Gong Jiong, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế và kinh doanh quốc tế Bắc Kinh, dự đoán.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh chiến sự làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào các mặt hàng Trung Quốc. Đồng thời, mục tiêu nâng giá trị giao dịch giữa Nga và Trung Quốc lên 200 tỉ USD vào năm 2024 - được hai nước đề ra năm 2019 - nhiều khả năng sẽ được hoàn thành đầu năm nay.
Nhà cung cấp máy bay không người lái DJI là công ty Trung Quốc lớn đầu tiên rút khỏi thị trường Nga - Ảnh: AFP
Sân chơi không dành cho tất cả
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng được hưởng lợi ở Nga nhờ xung đột Nga - Ukraine.
Nhiều doanh nghiệp may mặc cho biết chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ, không thể cạnh tranh đơn hàng lớn với các nhà cung cấp Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam có ưu thế thuế về giá cả, cũng như giá thành nhân công rẻ hơn.
Các công ty lớn của Trung Quốc lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường phương Tây và công nghệ của Mỹ.
Do đó, nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi Nga. Sân chơi và cơ hội được đặt vào tay các đơn vị nhỏ hơn, ít phụ thuộc vào thị trường và công nghệ phương Tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận