Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng, kèm với đó là việc mở rộng thị trường và xâm nhập sâu vào những thị trường "khó tính".
Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ là 23,9 tỷ USD thì năm 2014 đã tăng lên 30,6 tỷ USD, tăng 25% và xuất siêu 24,9 tỷ USD.
Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia để trở thành nước xuất khẩu số 1 tại ASEAN vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN cũng tăng mạnh. Đây sẽ là cầu nối để hàng xuất khẩu của Việt Nam vươn rộng sang các thị trường khác trên thế giới.
Và khi có nhiều giao dịch thương mại thì các doanh nghiệp sẽ gặp phải thách thức như các vụ kiện về chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp của Mỹ.
Vì vậy, để tránh những thiệt hại, rủi ro trong quá trình xuất khẩu, nhất là sang thị trường Mỹ và EU, cách tốt và hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải chuẩn bị những kiến thức về luật pháp tại các nước nhập khẩu.
Đồng thời, cần phải hiểu rõ bản chất, quy trình của các vụ kiện mà chủ yếu là về chống bán phá giá, để có sự phòng bị nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại.
Theo ông Matthew McConkey – một chuyên gia trong ngành luật cho biết, một vụ kiện về bán phá giá được khởi xướng bởi một ngành công nghiệp nào đó chứ không phải do Chính phủ Mỹ.
Theo đó, nguyên đơn sẽ nộp đơn tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa kỳ (ITC) để được đánh giá, xem xét và xử lý.
Sau 20 ngày đối với DOC và 45 ngày đối với ITC (kể từ ngày nộp đơn kiện), những cơ quan này phải hoàn tất việc điều tra và khẳng định có dấu hiệu về những tổn thất từ hàng nhập khẩu gây ra cho ngành công nghiệp trong nước hay không.
Cụ thể, hai cơ quan này sẽ cùng một lúc nhận đơn kiến nghị từ ngành công nghiệp bị ảnh hưởng của Mỹ. ITC sẽ xem xét số lượng nhập khẩu, giá bán để đánh giá có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước và nền sản xuất trong nước hay không.
Sau đó, nếu DOC đưa ra kết luận nhà nhập khẩu bán giá sang Mỹ thấp hơn giá trị thông thường thì khi đó, cơ quan Hải quan Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế chống bán phá giá.
Nếu bên nguyên đơn và bị đơn không đồng ý với quyết định về mức thuế của DOC hay ITC thì có thể kiện ra toà án thương mại quốc tế New York.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra Vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, theo luật pháp Hoa Kỳ, cứ 5 năm một lần sẽ xem xét việc duy trì lệnh chống phá giá có hợp lý hay không.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần mạnh dạn tham gia các vụ kiện thương mại khi bị áp mức thuế chống bán phá giá.
Doanh nghiệp Việt cần phải cập nhật, nắm vững các luật, quy trình cũng như đầu tư nguồn lực, tài chính cho việc theo đuổi các vụ kiện để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Để chuẩn bị cho một vụ kiện phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các hiệp hội cần giám sát số lượng hàng xuất khẩu một cách chặt chẽ, lưu giữ các tài liệu đầy đủ về quá trình đàm phán cũng như tạo dựng, duy trì tốt mối quan hệ với nhà nhập khẩu.
Các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ để cùng nhau có kế hoạch tham gia và bào chữa đến cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận