Doanh nghiệp chất vấn lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM bên lề Hội nghị đối thoại hôm nay - Ảnh: A.H.
Theo các doanh nghiệp, từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su vẫn chưa được Cục Thuế TP.HCM giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Số thuế chưa được hoàn, doanh nghiệp nhiều nhất khoảng 100 tỉ đồng, doanh nghiệp ít cũng khoảng 20 - 30 tỉ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tắc là do cơ quan thuế yêu cầu xác minh chứng từ, hóa đơn nguồn gốc từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Khi nào có kết quả thì mới hoàn thuế.
Ngoài ra cơ quan thuế cũng yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu phải thể hiện thông tin của người trả hoặc người chuyển tiền.
"Doanh nghiệp chúng tôi đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM trả lời căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nào để đưa ra các yêu cầu trên?", đại diện Công ty Hoàng Dũng đặt câu hỏi.
Một số doanh nghiệp khác cho biết họ bị vạ lây từ câu chuyện Thuduc House dẫn đến bị ách tiền hoàn thuế VAT suốt một năm.
"Riêng tiền lãi vay chúng tôi đóng đến nay là 4 tỉ đồng. Hiện cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử, tờ khai thuế điện tử… nhưng cơ quan thuế lại kéo dài quá trình xác minh cả năm nay. Cơ quan thuế nên xem xét sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp để chúng tôi có nguồn vốn kinh doanh chứ nếu không khó tồn tại được", đại diện một doanh nghiệp tại quận 1 nói.
Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 5018 quy định: "Công ty phải đề nghị khách hàng nước ngoài yêu cầu ngân hàng (nơi khách hàng đề nghị chuyển tiền thanh toán) cung cấp cho ngân hàng ở Việt Nam về thông tin tài khoản ngân hàng đã chuyển tiền thanh toán có liên quan. Khi có xác nhận của ngân hàng ở Việt Nam, cơ quan thuế tiếp tục xem xét hoàn thuế theo quy định".
Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, chứng từ thanh toán qua ngân hàng (giấy báo có) không bao giờ thể hiện được số hiệu tài khoản thanh toán của người trả (hoặc chuyển) tiền. Do đó, doanh nghiệp không thể đáp ứng được, bị ách tắc hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu như hôm nay.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết thời gian qua trong quá trình rà soát cơ quan thuế phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục rà soát, với doanh nghiệp sau khi rà soát mà làm theo đúng quy định thì chúng tôi sẽ tiến hành hoàn thuế", ông Dũng cho biết.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho biết việc chậm hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu như gỗ, cao su… cùng cách làm không nhất quán giữa các địa phương, không đúng với thời gian quy định làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.
Thời gian quy định với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo công bố là 40 ngày, nhưng thời gian thực tế có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.
Vấn đề này đã được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân báo cáo Thủ tướng tại kỳ báo cáo tháng 4 - 5 năm 2021. Ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền", Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận