Phóng to |
Người thất nghiệp làm thủ tục đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM. Nếu doanh nghiệp nợ BHXH, lao động mất quyền lợi này - Ảnh: MINH ĐỨC |
Tính đến nay số nợ BHXH toàn TP.HCM trên 1.700 tỉ đồng, dẫn đầu cả nước về số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó nhiều doanh nghiệp cố tình nợ chây ì, kéo dài, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động. Ông Nguyễn Đăng Tiến, phó giám đốc BHXH TP, đăm chiêu khi nhắc đến tình trạng nợ đọng, trốn đóng các chế độ BHXH xảy ra hầu hết trên các ngành nghề do biến động về kinh tế.
Kiện nhiều, thu nợ ít
Từ đầu năm 2012 đến nay, BHXH TP đã khởi kiện 493 doanh nghiệp nợ trên 201 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ thu hồi được trên 51 tỉ đồng. “Số vụ khởi kiện năm nay tăng hơn gấp đôi năm ngoái”, ông Nguyễn Quốc Thanh, trưởng phòng thu (BHXH TP) cho biết. Báo cáo cho thấy số nợ trên sáu tháng chiếm 505 tỉ đồng, tăng trên 79% so với cùng kỳ năm 2011. Chưa kể số nợ xấu trên 230 tỉ đồng, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp phá sản, bị rút giấy phép.
Ông Tiến cho biết đơn vị đứng “đầu sổ” về nợ BHXH hiện nay thuộc dạng khó đòi nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh. Hiện công ty này nợ trên 40 tỉ đồng của hơn 4.850 lao động từ năm 2011 đến nay.
Lý giải nguyên nhân nợ BHXH ngày càng phức tạp, BHXH TP cho biết đa số doanh nghiệp rơi vào khó khăn nên chấp nhận chịu phạt chậm đóng để chiếm dụng quỹ BHXH vì lãi phạt thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Người lao động chịu thiệt
Ông Thanh cho biết doanh nghiệp nợ BHXH thì bao nhiêu hệ lụy đều dồn về người lao động gánh chịu. Trước hết người lao động khi ốm đau không được thanh toán các chế độ bảo hiểm y tế vì không có thẻ, họ phải bỏ tiền túi chi trả các chi phí khám chữa bệnh.
Ngoài ra, do doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động không thể chốt sổ BHXH để hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Họ tạm thời mất đi quyền lợi trợ cấp thất nghiệp trong giai đoạn khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống”, ông Thanh nói. Mặt khác, theo ông Thanh, người lao động cũng mất các quyền lợi về trợ cấp BHXH như ốm đau, thai sản...Sở LĐ-TB&XH TP cũng cho biết có nhiều người lao động đăng ký thất nghiệp nhưng do doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp nên không thể giải quyết chế độ.
Ông Thanh cho hay nhiều người lao động không biết họ đang bị nợ các chế độ BHXH vì hằng tháng doanh nghiệp vẫn trích đóng các chế độ BHXH từ tiền lương của họ. Mặt khác, do cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế trước cho doanh nghiệp (từ 6 tháng đến 1 năm), sau thời điểm này mới phát sinh nợ, khi người lao động nghỉ việc mới biết mình bị nợ.
Để hỗ trợ người lao động, BHXH linh động chốt sổ BHXH cho doanh nghiệp nợ BHXH dưới ba tháng có cam kết trả nợ để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn những doanh nghiệp nợ trên ba tháng thì các chế độ của người lao động “treo” đó đến khi doanh nghiệp trả hết nợ.
Trong buổi làm việc mới đây với Sở LĐ-TB&XH TP, ông Đỗ Quang Khánh, phó giám đốc BHXH TP, đề nghị sở này có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH giãn nợ BHXH cho doanh nghiệp. Theo ông Khánh, hiện Nhà nước đang miễn thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, trong khi nợ BHXH là chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, do vậy nếu doanh nghiệp gặp khó khăn nên giãn nợ để doanh nghiệp có thời gian khắc phục. Bên cạnh đó xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ỳ, cố tình nợ BHXH để răn đe. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Xê, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, cho biết việc giãn nợ BHXH cho doanh nghiệp là một chính sách lớn cần phải bàn bạc cụ thể với cơ quan BHXH mới kiến nghị các cấp có thẩm quyền.
Từ ngày 15-1, đăng ký thất nghiệp trong vòng ba tháng Ông Trần Dũng Hà, trưởng phòng chế độ BHXH (BHXH TP.HCM), cho biết từ ngày 15-1 nghị định 100 về sửa đổi, bổ sung nghị định 127 về chế độ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực. Theo đó, thời hạn đăng ký thất nghiệp trong ba tháng kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm, có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động. Cũng theo ông Hà, nghị định 100 cũng quy định người lao động và chủ doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan BHXH và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động ít nhất một ngày trong tháng đó thì cũng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho cả tháng đó. Với quy định mới này, việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động dễ dàng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn và đương nhiên dễ đáp ứng được điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Ông Hà cũng cho biết số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được cơ quan BHXH chi trả trong năm 2012 tăng hơn 30% so với năm 2011, chứng tỏ số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh và tiếp tục tăng trong năm 2013. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận