18/01/2019 12:41 GMT+7

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi quy tắc xuất xứ trong CPTPP

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Để hưởng ưu đãi thuế về 0%, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Song với các điều khoản linh hoạt của Hiệp định Đối tác Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi thế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi quy tắc xuất xứ trong CPTPP - Ảnh 1.

Bà Bùi Kim Thùy cho rằng ưu đãi quy tắc xuất xứ trong CPTPP chặt nhưng linh hoạt có lợi cho doanh nghiệp - Ảnh: GIANG HUY

Đó là thông tin được bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia về đàm phán thương mại đưa ra tại Hội thảo CPTPP với doanh nghiệp: Lợi ích hay thách thức do Bộ Công Thương, báo VnExpress, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp tổ chức ngày 18-1.

Chặt nhưng "linh hoạt"

Theo bà Thùy, giấy chứng nhận CO đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi là giấy thông hành để hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA. Do đó, trong quá trình đàm phán các FTA, trong đó có CPTPP, Bộ Công thương phải rà soát từng mã HS của các ngành hàng để đánh giá về khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Lĩnh vực dệt may có những trường hợp nguồn cung nguyên liệu đầu vào mặt hàng phải nhập tới tới 98%, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tận dụng các ưu đãi thuế quan khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ.

Tuy nhiên, khác với các hiệp định FTA khác khi yêu cầu nguyên liệu đầu vào phải đáp ứng 100% là được sản xuất từ nước xuất khẩu, quy tắc trong CPTPP linh hoạt hơn.

Theo đó, các quy tắc trong CPTPP cho phép nguyên liệu đầu vào được quyền nhập khẩu từ các thành viên của khối. 

Đơn cử như với sản phẩm bánh xuất khẩu, doanh nghiệp có thể được nhập các nguyên liệu từ những nước trong khối CPTPP nếu nguồn cung giá rẻ, chất lượng tốt.

Ngoài ra, quy tắc cộng gộp trong CPTPP, theo bà Thùy, cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quy định này đặt ra là nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong khối, dù chỉ 1% sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm để được cấp ưu đãi C/O.

Ngoài ra, cơ chế C/O hiện tại yêu cầu nhà xuất khẩu nộp hồ sơ xin cấp C/O từ cơ quan, tổ chức đươc Chính phủ ủy quyền cấp, sau đó chờ từ 4 tiếng đến 3 ngày làm việc để có được C/O, cộng thêm các loại phí, lệ phí.

Khi gia nhập CPTPP, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ do nhà xuất khẩu nhà nhập khẩu được ủy quyền tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất hoặc do mình sở hữu, nhờ đó có thể chủ động trong các thủ tục liên quan đến C/O, không mất thời gian chờ đợi cũng như lệ phí.

Nhiều thách thức trong CPTPP

Mặc dù quy định trong CPTPP linh hoạt, các doanh nghiệp cho rằng có nhiều thách thức đặt ra. Ví dụ với dệt may, ngành được đánh giá là hưởng lợi lớn nhất từ CPTPP, theo ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - quy định xuất xứ từ sợi cũng như yêu cầu về vải đã đánh trúng vào điểm nghẽn của ngành.

Ông Nguyễn Sơn - phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - cũng dẫn chứng Việt Nam phải nhập tới 12,8 tỉ USD vải, trong khi mấu chốt của vải là vấn đề in, nhuộm... 

Nhưng chính sách hiện nay đang "có vấn đề" như việc tiếp cận đất đai, nhiều tỉnh nói không với dệt nhuộm do lo ngại môi trường.

Hay vấn đề nhiều doanh nghiệp trong nước cung ứng nguyên liệu lại mất thuế VAT... Một số ngành như chăn nuôi lại đi kèm rủi ro do năng lực cạnh tranh hạn chế.

Còn theo ông Nguyễn Cao Trí - tổng giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam - chuyên cung ứng dịch vụ chăn nuôi, việc Việt Nam sản xuất khoảng 5,2 triệu tấn thịt gia súc, gia cầm cho thấy năng lực sản xuất cao hơn năng lực tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn đang tăng và cao hơn so với kim ngạch xuất khẩu.

"Năng lực cạnh tranh của ngành không đủ lớn, nguyên nhân là giá chưa cạnh tranh, hiệu suất và năng suất chưa cao, nguyên liệu đầu vào chiếm 60 - 65% chi phí ngành, nhưng 80 - 90% phải nhập khẩu, nguồn giống chưa cho năng suất cao, chưa có hệ thống quản lý trang trại tối ưu.

Sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng chất lượng để xuất sang các nước phát triển", ông Trí cho hay.

Theo bà Thùy, không thể một sớm một chiều để biến nông dân thành doanh nhân và tư duy như những doanh nhân thực sự.

Dẫn chứng trước đây khi đi đàm phán về CPTPP khi phát ra phiếu xin ý kiến tham vấn doanh nghiệp, chỉ thu được 10% ý kiến chất lượng bởi nhiều doanh nghiệp không biết trả lời vào phiếu khảo sát, chưa chủ động khi hội nhập.

Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ đưa ra những chính sách minh bạch, nhất quán, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để bắt kịp nền công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần chủ động trên thị trường, đi chào hàng các sản phẩm.

CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam hôm nay, 14-1

TTO - Xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% đến năm 2035, tạo những lợi ích trong cải cách thể chế, việc làm và thu nhập khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên