Các doanh nghiệp tại Nhật đến Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng ngày 23-12 gặp gỡ sinh viên để tìm kiếm cơ hội mở rộng nguồn nhân lực - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trước nhu cầu tuyển dụng lao động mạnh mẽ, các doanh nghiệp nước ngoài đã tiếp cận với các trường nghề Việt Nam. Một số đơn vị sẵn sàng chi trả học phí cho sinh viên hay cấp thêm trang thiết bị cho trường, miễn là đào tạo cho họ nhân lực đúng tiêu chuẩn.
Thành bại bởi ngoại ngữ
Có mặt tại sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên ngày 23-12 ở Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, ông Namba Taro - phụ trách mảng hành chính tổng hợp, công ty kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay thuộc Hãng Japan Airlines - cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị mình đến tiếp xúc với các trường cao đẳng tại Việt Nam.
Chuyến đi nhằm tìm kiếm những khả năng hợp tác trong tương lai, đặc biệt về nguồn nhân lực khi công ty rất cần những kỹ sư có tay nghề cao phụ trách nhiều công đoạn quan trọng như bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Trong khi đó, các trường nghề tại Việt Nam những năm gần đây đang thay đổi chương trình theo hướng tiếp cận với trình độ quốc tế, nâng dần chất lượng đầu ra của sinh viên. Chẳng hạn, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đang kết hợp cùng Viện Công nghệ quốc gia Nhật KOSEN đào tạo sinh viên ở một số lĩnh vực quan trọng theo tiêu chuẩn Nhật. Đến nay, khóa đầu tiên đã trải qua 5 học kỳ đào tạo.
Vì vậy theo ông Namba Taro, sinh viên nhìn chung có tay nghề. Điều cần thiết mà các bạn trẻ trường nghề cần cho phát triển sự nghiệp của mình tại Nhật là nền tảng ngôn ngữ. Trình độ tiếng Nhật càng chắc chắn, sinh viên càng có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc.
Tương tự, ông Daisuke Shimmura - đại diện Hãng máy bay ANA (Nhật) - cho biết trong đợt tiếp xúc đầu tiên với các sinh viên Việt Nam lần này, ngoài việc xem xét đến các bạn trẻ sắp ra trường tiềm năng, doanh nghiệp còn muốn tiếp cận với cả những sinh viên năm nhất.
Sinh viên sẽ được giới thiệu về công ty, quá trình ứng tuyển, làm việc và phát triển sự nghiệp tại Nhật, có thể hình dung một số con đường mình sẽ đi. Từ đây, một số bạn hình thành ý định làm việc tại Nhật sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị ngoại ngữ sớm nhất.
Theo ghi nhận, không chỉ các công ty từ Nhật quan tâm đến các sinh viên Việt Nam, những công ty Nhật trong nước dành sự chú ý đặc biệt, nhất là các bạn thuộc trường hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Đại diện Công ty Fujikura tại Việt Nam cho biết công ty đang dành những suất tuyển dụng đặc cách cho sinh viên hệ cao đẳng, nhất là các bạn học những chương trình như KOSEN. Dù tốt nghiệp hệ cao đẳng, những sinh viên này vẫn sẽ nhận được vị trí kỹ sư giống như các bạn tốt nghiệp đại học.
Đường đi dài hơi
Thời gian tới đây, TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - cho rằng một xu hướng phát triển của các trường nghề sẽ là đào tạo theo "đặt hàng" của các doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp nước ngoài này có thể không đầu tư, kinh doanh hay mở nhà máy tại Việt Nam nhưng họ có thể cần các trường nghề Việt Nam đào tạo cho sinh viên Việt Nam những kiến thức, kỹ năng đúng như yêu cầu của họ. Sinh viên tốt nghiệp sẽ đủ trình độ và tay nghề làm việc ở quốc gia mà doanh nghiệp đóng trụ sở hoặc ở một nước thứ ba.
Ông Ngọc cho biết cuối tháng 12 này, một số doanh nghiệp Nhật cũng sẽ ký hợp tác, chuyển giao công nghệ và trang thiết bị cho trường để trường đào tạo nguồn nhân lực. Trong các chương trình này, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ sang Nhật bằng visa đặc định - loại visa mới, dành cho các lao động có tay nghề thuộc danh sách của Bộ LĐ-TB&XH. Đây không phải là dạng xuất khẩu lao động như trước nay, vì thế sinh viên sẽ hưởng mức lương và phúc lợi giống hệt như các lao động Nhật bản địa.
Theo ông Ngọc, dù mô hình này có lợi cho nhiều bên nhưng để triển khai không hề dễ dàng. Nhiều chương trình đã phải mất nhiều năm đàm phán giữa các trường Việt Nam và các công ty nước ngoài mới ra được thỏa thuận chung giữa hai bên. Từ cột mốc này cho đến khi những "sản phẩm" sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ra trường đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng lại thêm một chặng đường dài.
Cần 200, tuyển được 6
Ngoại ngữ là yếu tố quan trọng, quyết định tới sự thành công của lao động khi ra nước ngoài làm việc. Trong ảnh: đại diện doanh nghiệp Nhật Bản trò chuyện cùng sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
ThS Võ Thị Mỹ Vân - hiệu trưởng Trường Du lịch và khách sạn Saigontourist - cho biết trong năm 2022 đã có 6 sinh viên sang Pháp làm việc trong ngành bếp cho những nhà hàng, khách sạn. Đây là chương trình được trường ký kết cung ứng nguồn nhân lực ngành du lịch với công ty tuyển dụng R.P Solutions chuyên các ngành bếp, bánh, lễ tân, phục vụ.
Sinh viên sẽ có 2 năm làm việc tại Pháp, mức lương khởi điểm trên 1.670 euro/tháng và tăng theo thời gian. Các khoản chi phí như ăn ở, đi lại, sinh hoạt phí cũng hỗ trợ. Lao động cũng được hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp. Mức lương khởi điểm đã trừ hết tất cả các chi phí là 1.670 euro/tháng, tương đương khoảng 41 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm lao động tại châu Âu, lương sẽ tăng theo thời gian. Đơn vị sử dụng lao động ở Pháp sẽ lo mọi khoản sinh hoạt phí bao gồm tiền ăn, ở, di chuyển.
Dù có nhiều đãi ngộ và đơn vị mong muốn có được khoảng 200 ứng viên, nhưng số lượng sang Pháp chỉ dừng lại ở con số 6 là tương đối khiêm tốn. Theo bà Vân, một phần lý do có thể đến từ tâm lý ở thời điểm hiện tại, việc ra nước ngoài lập nghiệp, nhất là với các ngành nhà hàng, khách sạn, dù mức lương nhỉnh hơn nhưng có thể không có nhiều hấp dẫn hơn so với những công việc tương tự ở trong nước.
Gần 50% công ty Nhật tại TP.HCM "khát" lao động
Theo ông Onose Takahisa - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại TP.HCM (JCCH), nỗi đau đầu của hầu hết doanh nghiệp Nhật khi muốn bước chân vào thị trường Việt Nam là bài toán lao động. Thống kê JCCH thực hiện trong năm nay cho thấy khoảng 46% công ty trả lời cho rằng "thiếu nguồn nhân lực" là vấn đề khúc mắc trong quản lý điều hành doanh nghiệp của mình tại Việt Nam.
Khi nói đến thiếu lao động là thiếu cả các cấp từ lao động phổ thông, đến các cấp kỹ sư và các cấp quản lý. "Tuyển dụng nguồn nhân lực xuất sắc là chìa khóa quan trọng cho các công ty Nhật đã vào Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển kinh doanh", ông Onose Takahisa nói.
Đức trải thảm đỏ
TS Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - chia sẻ hiện các doanh nghiệp Đức cũng đang “trải thảm” cho sinh viên trường nghề. Điển hình, sinh viên của trường theo học chương trình liên kết nghề điều dưỡng với đối tác bên Đức có thể được doanh nghiệp chi trả hoàn toàn học phí học tiếng Đức cho đến bậc B2. Họ còn chi trả luôn cho những khóa thực tập lâm sàng tại những bệnh viện ở TP.HCM.
Tuy nhiên, bằng cấp là một vấn đề ông Hải cho rằng cần lưu ý. Nhiều chương trình chỉ chú trọng vào đào tạo tay nghề, bên đơn vị quốc tế không cấp bằng, điều này có thể gây thiệt thòi cho các lao động khi kết thúc chương trình trở về nước. Nếu muốn triển khai cấp bằng kết hợp giữa phía Việt Nam và quốc tế, chương trình phải được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép.
“Bên cạnh đó, các chương trình kết hợp này còn cần sự phối hợp với các cơ quan ngoại giao để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, người lao động, nhất là trong những trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp” - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận