Hội nghị có sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp, nghiệp đoàn, nhà đầu tư của Nhật Bản và Đồng Tháp. Qua đây những tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp được giới thiệu toàn diện đến với các đối tác.
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt 18 triệu USD và trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 20,5 triệu USD, gồm các mặt hàng chủ yếu là: giày da, thủy sản, sản phẩm sau gạo, dệt may, collagen, bánh phồng tôm, trái cây...
"Đồng Tháp xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. Hạ tầng giao thông được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện. Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM khoảng 2 giờ, có hai bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện.
Đồng Tháp đang đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng phát triển cho chặng đường sắp tới, tăng trưởng duy trì ở mức 7 - 7,5%/năm. Chúng tôi đang được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đặt hàng, kỳ vọng trở thành một trong những tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân thông minh", ông Phong nói.
Ông Ono Masuo - tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - cho biết theo khảo sát của các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ. Ông đề nghị tỉnh Đồng Tháp xem xét, xây dựng Tổ công tác Nhật Bản - Japan Desk đặt ngay tại UBND tỉnh để có đầu mối nắm bắt thông tin chặt chẽ hơn.
"Tôi nghĩ trong thời gian tới đây, khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy được hoàn thiện sẽ kéo theo cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chế biến nông sản, logistics, du lịch… sẽ được mở rộng", ông Masuo nói.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Nhật Bản xoay quanh những thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ mà tỉnh này đang triển khai; tình hình đào tạo nhân lực lĩnh vực cơ khí máy móc, thiết bị…
Doanh nghiệp Singapore quan tâm lĩnh vực logistics, chuyển đổi số mà Long An đang mời gọi
Chiều 29-11, UBND tỉnh Long An tổ chức tọa đàm thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Long An với các doanh nghiệp Singapore. Tham dự có Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM Roy Kho, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng cùng hơn trăm doanh nghiệp Singapore đến Long An khảo sát cũng như các doanh nghiệp tại Long An muốn đầu tư vào Singapore.
Ông Roy Kho nhận định Long An là một trong những đối tác quan trọng và nhiều tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp Singapore: "Long An là một trong những tỉnh xếp hàng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xếp hạng 10 trong tổng số 63 tỉnh thành của cả nước trong năm 2022. Tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể hợp tác nhiều hơn khi có thêm nhiều cơ hội phối hợp và đầu tư mở ra trong tương lai".
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp từ Singapore đã ngỏ ý tìm hiểu về cơ hội đầu tư ở nhiều ngành nghề, đặc biệt là các lĩnh vực logistics, chuyển đổi số.
Ông Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết lũy kế đến nay, Singapore là quốc gia đứng thứ nhất về số vốn đầu tư FDI vào tỉnh này với hơn 4 tỉ USD, chiếm 37% trong tổng số vốn FDI từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại tỉnh.
Về hai lĩnh vực logistics, chuyển đổi số mà các doanh nghiệp Singapore quan tâm, tỉnh Long An hiện đang có "dư địa" rất lớn khi trong quy hoạch mới của tỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt, hai lĩnh vực này đều là trọng tâm để phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cam kết tỉnh này sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên và là thế mạnh của doanh nghiệp Singapore như đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, vật liệu, điện tử, phát triển thị trường tài chính…
"Hiện Long An đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp ở mức nhanh nhất, tối đa 3 ngày. Nhiều trường hợp đầy đủ hồ sơ nộp vào buổi sáng là buổi chiều có giấy chứng nhận đầu tư", ông Sơn nhấn mạnh thêm.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân - cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm được xuất khẩu trứng sạch tươi mang thương hiệu "Ba Huân" vào thị trường Singapore.Ông Cao Xuân Thắng - trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore - cho biết hiện tại việc xuất khẩu thực phẩm dạng thịt tươi sống sang Singapore từ Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán, bộ phận tham tán hai nước cũng đang nỗ lực xúc tiến để sớm đạt được vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận