"Sách Trắng" cũng nêu bật các vấn đề và khuyến nghị quan trọng trong y tế từ hiệp hội này gửi đến lãnh đạo TP.HCM.
Sách Trắng đã đưa ra ba khuyến nghị chính, bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế bằng việc tinh giản quy trình đăng ký và hoàn trả chi phí.
Thứ hai là phát triển thương mại điện tử trong y tế qua việc thiết lập các khung chính sách tương ứng, bao gồm hoạt động kinh doanh thuốc trực tuyến.
Thứ ba là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chuỗi nhà thuốc bằng việc cập nhật các quy định và tăng cường công tác quản trị.
Làm rõ khuyến nghị về phát triển thương mại điện tử trong y tế, đại diện AmCham đã nêu ví dụ tại Nhật Bản, các sản phẩm OTC (thuốc không kê đơn) được phép bán trên nền tảng trực tuyến.
Luật Quản lý dược Trung Quốc năm 2019 cũng cho phép các đơn vị được cấp phép lưu hành thuốc và doanh nghiệp dược phẩm bán thuốc qua Internet.
Tại Singapore, thuốc thuộc Danh mục sản phẩm thuốc chung (GSL) được xem là an toàn để sử dụng trong cộng đồng mà không cần giám sát y tế. Người dân có thể mua các loại thuốc thuộc danh mục GSL đáp ứng các điều kiện này tại máy bán hàng tự động.
Ở Thái Lan, các loại thuốc không nằm trong nhóm thuốc nguy hiểm, bao gồm thuốc y học cổ truyền hoặc thuốc chữa bệnh tại nhà được Bộ Y tế công cộng liệt kê cụ thể trong danh mục thuốc mà bệnh nhân có thể mua mà không cần dược sĩ kê đơn.
Do đó, các doanh nghiệp Mỹ kiến nghị cho phép thuốc OTC ở Việt Nam cũng được bán trên các kênh thương mại điện tử. Việc nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có thể giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đáng kể mỗi năm.
Theo một phân tích dữ liệu từ bảy quốc gia châu Âu, việc chuyển 5% thuốc kê đơn sang danh mục thuốc OTC ước tính sẽ giúp mang lại khoản tiết kiệm hằng năm lên tới 16 tỉ euro.
"Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử cho các sản phẩm OTC và ứng dụng số thông qua phê duyệt phương thức thương mại điện tử, cùng quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử tại Luật Dược sửa đổi", Sách Trắng năm 2024 của Tiểu ban Chăm sóc sức khỏe, AmCham kiến nghị.
Ngoài các khuyến nghị về vận động chính sách, Sách Trắng còn chia sẻ thông tin về các ngành chủ chốt để xác định xu hướng, cơ hội và thách thức hiện tại, đồng thời nêu bật những đóng góp của các thành viên đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam.
Tại hội nghị giữa AmCham và lãnh UBND TP.HCM mới đây, ông Michael Nguyễn, phó chủ tịch AmCham Việt Nam - TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục tăng cường hợp tác trong phát triển lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Sách Trắng 2024 sẽ tạo động lực cho các cuộc thảo luận sâu hơn với lãnh đạo thành phố, góp phần phát triển và nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.
Ấn phẩm còn là nguồn tài liệu tham khảo để lãnh đạo TP.HCM hiểu hơn về các hoạt động trong lĩnh vực y tế của các doanh nghiệp Mỹ, và những vấn đề cần phải tiếp tục cải thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận